- Không có chính sách biên chế, lương hợp đồng chỉ đủ nuôi đam mê, không lo nổi cuộc sống cơm áo gạo tiền, chị Mạnh Linh cùng chồng phải về quê, tận dụng đất nhà nuôi thêm đàn gà. Nhu cầu tư vấn học đường là có nhưng nhiều trường cũng đành “bó tay” vì không có cơ chế.

Chị Mạnh Linh, cán bộ phòng tư vấn học đường Trường THPT Nguyễn Tất Thành
Lương không đủ sống

Tốt nghiệp khoa Tâm lí giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội vì khó khăn, chưa tìm được việc ngay chị Mạnh Linh, cán bộ phòng tư vấn học đường Trường THPT Nguyễn Tất Thành đã có 1 năm đi làm kinh doanh, một lĩnh vực chị cũng rất thích.

Chị tâm sự: “Khoảng thời gian này rất quý giá, nó giúp mình có thêm kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng mềm. Nếu coi khách hàng là sản phẩm giáo dục thì mình cũng phải tìm hiểu tâm lí, nhu cầu của phụ huynh để đáp ứng nhu cầu, làm hài lòng họ thôi”.

Và khi được nhận vào làm đúng lĩnh vực được học chị nói: “Mình mừng lắm. Nhưng hiện chưa có chính sách, biên chế cho người làm lĩnh vực này trong các nhà trường. Nếu không yêu nghề chắc không thể làm được”.

Với lương hợp đồng hơn 3 triệu/tháng chị và chồng (hiện cũng làm tại Hà Nội) về quê ở Phổ Yên-Thái Nguyên tận dụng đất đai có sẵn để trồng cây, chăn nuôi gà (nhờ ông bà giúp đỡ thêm) để kiếm thêm tiền lo cho cuộc sống gia đình.

“Cũng rất tuyệt vời là ở đây thầy cô tạo điều kiện giúp đỡ, động viên mình nhiều. Học sinh cũng vậy nên mình vui và càng cố gắng bám trụ với niềm đam mê đã theo đuổi” – chị Mạnh Linh cho biết. Hiện ngoài giờ lên lớp, ở phòng chị còn dành thời gian học thêm ở khoa Tâm lí học đường (mới mở) của ĐH Sư phạm Hà Nội để nâng cao chuyên môn.

Muốn giúp lắm, nhưng đành phải ra đi

Sau 1 năm cử cán bộ tới trực, giúp đỡ phụ huynh, học sinh tại Trường THPT Việt Đức cùng nhiều hoạt động bổ trợ giúp nâng cao kĩ năng, giá trị sống cho học sinh hiện văn phòng Tư vấn gia đình và trẻ em Vala đã không còn cán bộ trực tại trường.

Bà Nguyễn Lâm Thúy ngậm ngùi: “Ban đầu là 5 buổi/tuần, rồi 3 buổi, 1 buổi và bây giờ văn phòng đành phải rút hết người về đây (văn phòng nằm trên phố Hoàng Quốc Việt). Chúng tôi cũng muốn giúp trường, học sinh lắm nhưng vì phụ huynh không mấy quan tâm, coi trọng. Thêm nữa về điều kiện kinh tế mình cũng không làm miễn phí được mãi. Phụ huynh thì nhiều khoản, sẽ kêu trời nếu phải đóng thêm khoản thu “lạ” nào đó”.

“Thành thực mà nói hiện những người làm tâm lí như mình khó sống với nghề, lại phải làm thêm nhiều việc” – bà Thúy thổ lộ.

Hiện văn phòng vẫn giúp đỡ tư vấn cho học sinh qua đường dây điện thoại và e-mail hoặc học sinh đến trực tiếp văn phòng (cách trường hơn 10km). Khi nào nhà trường cần, mong phối hợp làm hoạt động gì thì văn phòng sẽ cử người tới giúp. Gần nhất sẽ là lễ phát động cuộc thi “nghề tôi yêu thích” cho học sinh toàn trường.

Nhà trường: Cũng đành chịu

Cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu phó Trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Trường dù muốn cũng không thể làm việc này vì cơ sở của nhà trường quá khó khăn”.

Cùng chung tâm sự, cô Hà Thị Phương Lan, Hiệu phó Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) cho hay: “Nếu muốn làm đối phó thì không khó khăn. Mình tận dụng ngay phòng đoàn trường, đề thêm biển phòng tư vấn học đường.

Cán bộ trực của đoàn trường kiêm luôn việc này. Nhưng làm thế thì được gì? Mà trường hợp học sinh thường đến bất thường, không phải ngày nào cũng có.

Bản thân nhà trường cũng không thể thu thêm tiền của phụ huynh. Họ nhẩm tính nhanh lắm. Rồi sẽ hỏi tiền này làm gì, việc này có lợi gì, trường nêu cụ thể ra giúp,…”

Tương tự, trả lời của Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) Nguyễn Xuân Lâm cũng cho rằng: “Trường dù có nhu cầu nhưng cũng đành chịu. Hiện cơ chế chính sách của mình chưa có biên chế ở lĩnh vực này.

Trường hiện vẫn thông qua giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn như Sinh học, Giáo dục công dân rồi các giờ sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa để lồng ghép nội dụng dạy kĩ năng sống cho các em”.

  • Văn Chung

“Cần giáo viên chủ nhiệm giỏi hơn nhà tư vấn lý thuyết”

Thầy Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Sư phạm lấy làm tiếc khi phải từ chối không giúp được chúng tôi gặp nhân viên tư vấn tâm lý vì …chị đã nghỉ từ lâu.


Trước đây, nhà trường cũng “tự túc” mời một người tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học đường đến làm tư vấn cho học sinh và trả lương bằng số tiền dư ra của một số hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, phần lớn thời gian nhân viên tư vấn đến chỉ "ngồi chơi".


Thầy Hoàng chia sẻ: ĐHSP Hà Nội đào tạo chuyên ngành tâm lý học đường nhưng rồi các em sẽ đi về đâu khi các trường phổ thông chưa có chính sách biên chế. Nhưng nhân viên tư vấn tâm lý phải có kỹ năng tiếp xúc và hiểu học sinh chứ không phải tư vấn lý thuyết suông trên giấy, không hiểu học sinh làm gì, nghĩ gì. Vì vậy, học sinh rất ít đến phòng tư vấn. Nếu sắp xếp nhân viên tư vấn cùng hoạt động đoàn trường, họ mới có cơ hội tiếp xúc với học sinh.


Vì vậy, thầy hiệu trưởng trường chuyên Sư phạm cho biết, ông cần một giáo viên chủ nhiệm giỏi hơn một nhà tư vấn tâm lý lý thuyết.

  • Nguyễn Hường