-
Với hệ thống sông rạch, kênh mương chằng chịt, tuyến đường bộ gần như không có, giao thông trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) phụ thuộc hoàn toàn vào đường thủy, phương tiện đến trường của học sinh duy nhất là xuồng, ghe.
Ngọc Hiển là huyên tận cùng của đất nước Việt Nam, sở hữu mũi Cà Mau là điểm mốc quốc gia cuối cùng trên đất liền về phía nam, cũng là điểm cuối cùng của con đường Hồ Chí Minh đang được đầu tư xây dựng. Do địa bàn tiếp giáp 3 mặt là biển nên hệ thống sông, rạch ảnh hưởng rất mạnh của thủy triều biển, những ngày triều cường biên độ lên đến từ 3m đến 5m.
Dù hàng ngày phải đi học bằng những ghe, xuồng qua các sông, rạch đầy nguy hiểm nhưng đa phần học sinh ở Ngọc Hiển không được trang bị đầy đủ phao hay áo phao cứu hộ.
Thầy Ngô Văn Quyên, Hiệu trưởng Trường tiểu học 2, xã Viên An Đông (Ngọc Hiển) cho biết hầu như em nào cũng có áo phao nhưng do cồng kềnh nên phần lớn các em không mặc.
Năm trước, Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam có hỗ trợ cho trường 50 chiếc cặp được chế tạo như một chiếc phao rất an toàn tiện dụng nhưng trường có trên 300 học sinh nên chỉ ưu tiên cho 50 học sinh nghèo nhất.
Với giá thành chỉ trên 100 ngàn một chiếc cặp phao, nhưng một phần vì lí do kinh tế, một phần do người dân nơi đây chủ quan với sông nước nên không phải ai cũng sắm cho con em mình cái này.
|
Nằm ở cực nam của Tổ quốc, hệ thống giao thông ở huyện Ngọc Hiển phụ thuộc chủ yếu vào đường thủy, các thị trấn, thị tứ đều nằm ven các sông, rạch.
|
|
Học trò ở Ngọc Hiển đi học hầu hết bằng xuồng, ghe.
|
|
Học sinh thường được xuồng đón tận cửa nhà, trung bình mỗi học sinh đi học một ngày phải trả 10 ngàn đồng cho chủ ghe, xuồng. |
|
Những gia đình có điều kiện thì bố mẹ đưa đón bằng xuồng của gia đình, do lượng xuồng, ghe đi lại nhiều cộng với rác được người dân xả xuống kênh rạch nên thường xuyên phải gỡ rác khỏi chân vịt. |
|
Chiếc xuồng này được chủ thiết kế chuyên đưa đón học sinh hàng ngày. |
|
Hơn 20 em trên chiếc xuồng này hầu hết không trang bị áo phao cứu sinh. |
|
Do biên độ triều cường cao từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm nên vào thời điểm nước rút việc xuống xuồng rất khó khăn. |
|
Với thân hình nhỏ bé, những em học sinh nhỏ tuổi phải luôn có người lớn đỡ xuống xuồng. |
|
Những học sinh lớn hơn có thể tự lên xuống xuồng nhưng không thể khẳng định an toàn khi không hề có bất cứ phương tiện cứu sinh nào trên người cũng như trên xuồng. |
|
Để tiết kiệm xăng, dầu nhiều gia đình không dùng máy mà chèo xuồng bằng tay đưa con đến trường. |
|
Nguyễn Văn Hậu nhà ở ấp Cây Phước (An Viên Đông) do điều kiện gia đình quá khó khăn, bố mất sớm, mẹ lấy chồng nên 3 anh em Hậu hiện ở với ông bà ngoại, nhà chỉ có một chiếc xuồng cũ để ông dùng đi làm thuê, làm mướn nên hàng ngày em đi bộ đi học qua những đoạn đường lầy lội, rậm rạp. Nếu không có đoạn đường bộ có lẽ Hậu đã phải bỏ học từ lâu. |
|
Chỉ số ít học sinh được sở hữu chiếc cặp phao tiện dụng giá chỉ trên 100 ngàn đồng nhưng an toàn cho mạng sống của những “tương lai đất nước”. |
Lê Anh Dũng