TP. HCM hiện đang thiếu khoảng 800 giáo viên cấp mầm non và tiểu học. Nguyên nhân phần nhiều là do chính sách về thu nhập bất cập.

Hình minh họa. Nguồn ảnh: Vinhcity
Cơ chế lạc hậu

Báo Hà Nội Mới thống kê, đến ngày 4/10, TP vẫn thiếu 223 giáo viên mầm non và 557 giáo viên tiểu học. Các quận thiếu nhiều nhất vẫn là Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và quận 11.

Trong khi giáo viên mới thì khó tuyển, lượng giáo viên rời trường cũng rất đông. Năm học vừa qia, toàn TP đã có gần 100 giáo viên mầm non và tiểu học xin nghỉ việc.

Các giáo viên trẻ thường xin nghỉ việc khi nhận được lời mời từ các trường tư thục có mức lương hấp dẫn hơn.

Báo Pháp luật Thành phố HCM nêu vấn đề về chính sách hợp lý đối với khối giáo dục mầm non.

Tờ báo dẫn lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP. HCM, muốn nâng cao nhất lượng giáo dục mầm non thì đời sống của giáo viên, bảo mẫu phải được cải thiện.

Bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Phó phòng Giáo dục quận 8 (phụ trách mầm non) cho biết: các khoản thu đầu năm đã quá lạc hậu, có trường không có giáo viên dự khuyết, ban giám hiệu phải đứng lớp khi các cô nghỉ hộ sản.

Theo ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT), việc thiếu giáo viên một phần là do tâm lý - rất ít người đăng ký thi vào ngành này nên khiến cho "đầu ra" bị hụt.

Ông Sang chỉ ra, bất cập về thu nhập của giáo viên còn thể hiện ở chỗ, lương giáo viên tại quận 1, 3 không khác gì khu vực ngoại thành như Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi…, trong khi giá cả sinh hoạt chênh lệch rất lớn. Thậm chí, chế độ phụ cấp dành cho giáo viên cũng được cào bằng.

Hiện, thu nhập của bảo mẫu rất thấp, chưa tới 800 ngàn/tháng nên rất khó tuyển đội ngũ này. Do đó, giáo viên chính phải kiêm thêm việc của bảo mẫu, cường độ làm việc cao, áp lực tăng lên và bị "đuối" khi gánh quá nhiều việc đáng lẽ của bảo mẫu.

Trong khi đó, một cán bộ trường mầm non nêu ra cái khó của giáo viên cấp học này, đó là áp lực nghề nghiệp ảnh hưởng trực tiếp lên chất lượng cuộc sống riêng tư. Sau cả một ngày làm việc, "cười" với học sinh và phụ huynh, các cô không thể "cười" nổi khi về nhà.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cô không bám trụ được với nghề.

Chênh lệch giàu - nghèo, vùng miền

Cũng về đề tài này, các ý kiến tại hội thảo về chính sách giáo dục mầm non tổ chức ngày 11/10 cũng nhấn mạnh vào thực trạng thiếu trường học cho con em gia đình có thu nhập thấp, con người lao động di cư.

Ông Hoàng Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nêu ra tình trạng thiếu nhà trẻ trong các khu công nghiệp.

“Riêng TP.HCM mỗi năm có khoảng 180.000 trẻ di cư đến, trong đó có trẻ mầm non. Nhưng số nhà trẻ được xây dựng trong các khu công nghiệp thì hầu như không có” - báo PLTP. HCM trích lời ông Tiến.

Báo Sài Gòn Giải phóng ghi lời bà Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT: cho biết, hệ thống trường lớp GDMN ở một số nơi vẫn không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, thậm chí rất nhiều nơi vẫn đang trắng trường mầm non, ngay cả ở nội thành Hà Nội.

Ngoài ra, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ có sư chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Thậm chí, cùng trên địa bàn nội thành Hà Nội, có sự chênh lệch rõ ràng giữa cơ sở tư thục "dịch vụ chất lượng cao" so với trường công lập.

Cần thay đổi chính sách

Năm 2002, Chính phủ đã ban hành Quyết định 161/QĐ-TTG về “một số chính sách phát triển mầm non”. Trong đó quy định rõ giáo viên hợp đồng được hưởng lương, phụ cấp, BHXH, BHYT, học tập, bồi dưỡng các danh hiệu tôn vinh nhà giáo như giáo viên trong biên chế, kinh phí chi trả từ nguồn học phí và các khoản thu hợp pháp khác.

Đối với các cơ sở GDMN bán công, nếu nguồn thu không đủ để chi trả các khoản trên thì phần còn thiếu được ngân sách chi hỗ trợ để đảm bảo đóng BHXH, BHYT và trả lương cho những giáo viên này không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, bà Lê Thị Ánh Tuyết, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho rằng những quy định này chưa đi vào thực tế.


Theo Pháp luật TP.HCM/ Hà Nội Mới/ Sài Gòn Giải phóng