"Đố ông nước Mỹ, nước Pháp nào vào đây dạy được chất lượng với 3,8 triệu đến 5 triệu đồng học phí", - ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bức xúc khi bày tỏ ý kiến tại hội thảo tìm giải pháp tuyển sinh hợp lý cho các trường ngoài công lập (NCL) trước tình cảnh "vét cạn thí sinh". Hội thảo tổ chức ở TP.HCM ngày 20/10.




Ông Hùng nói mình không đồng tình trước cách nhìn cho rằng trường ĐH NCL là "siêu lợi nhuận". Ông đưa ra "lời thách đố" như vậy sau khi trình bày rằng không thể coi trường học là doanh nghiệp để đánh thuế.

"Nhà nước cứ cho kiểm toán vào trường kiểm tra, xem chúng tôi tái đầu tư, nợ ngân hàng như thế nào. Xã hội đang cần chỗ học".
 
"Nếu Nhà nước ủng hộ xã hội hóa giáo dục thì phải ủng hộ có lộ trình, có động viên, khích lệ. Xã hội hóa là cho tất cả mọi người được học hành. Muốn làm gì thì cũng phải để ý đến quyền lợi của người nghèo, dân chúng ta nghèo rất nhiều. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Trong khi nhà nước chưa đầu tư được thì chúng tôi đang làm" - vị hiệu trưởng kết luận.

Có mặt tại hội thảo, lãnh đạo các trường ngoài công lập khác thì so sánh về sự "bất công" trong đối xử giữa các trường công - tư.

Ông Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định cho rằng, các trường công lập đang giành sinh viên với trường NCL bằng hệ B và bằng học phí rẻ hơn.

"Nhà nước nên tập trung ngân sách cho hệ giáo dục phổ thông cho đủ điều kiện, ngang tầm quốc tế. Còn với ĐH, chỉ đầu tư cho các trường ĐH trọng điểm, đào tạo nhân tài theo hướng nghiên cứu, đầu tư vùng sâu vùng xa, những ngành nghề mà tư nhân không được làm. Đã đầu tư là thích đáng, có số lượng, có trọng điểm chứ không phải là đào tạo thêm hệ B, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, liên kết, liên thông, tại chức" - ông Lê Hồng Minh, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương cho biết.

Ông quả quyết rằng, nếu trường công đã đào tạo như vậy thì cũng phải bị đối xử như trường tư, tức là phải nộp thuế, khấu hao tài sản. Với đào tạo đại trà thì phải công bằng".

Ba chung rồi tới không chung

Trước tình thế không đủ nguồn 'khách hàng" là các thí sinh đạt chuẩn tối thiểu do Bộ GD-ĐT quy định (có kết quả từ sàn trở lên), nhiều trường NCL đã ngồi với nhau trong chuỗi sự kiện tổ chức 3 ngày ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng để tìm giải pháp kiến nghị thay đổi cách thức tuyển sinh.



"Tôi kiến nghị ba chung thành hai chung, rồi dần dần một chung và sau đó không còn chung nữa. Không thể nào xã hội đang phát triển với hơn 400 trường ĐH, CĐ, Bộ lại khư khư ôm các trường này", ông Đào Văn Tâm, ĐH Công nghệ Sài Gòn nói. Ông cho rằng, cách làm của thế giới về tuyển sinh là "lấy nhiều, ra ít", trong khi Việt Nam tuyển sinh "ba chung", đào tạo 100, ra 95 thì không có chất lượng.

Đề nghị kỳ thi tổ chức theo hai chung, nếu không bỏ được "ba chung" thì Nhà nước phải quy định rõ, các trường công phải nhận từ điểm sàn nào trở lên là ý kiến của ông Hồng Minh.

Còn bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen nói rằng khái niệm phân tầng ở đại học sẽ "giết chết trường ngoài công lập". Nó xuất phát từ nền giáo dục Hoa Kỳ, phù hợp với Hoa Kỳ chứ không với VN. Châu Âu không có phân tầng".

Bà cho rằng, sự nguy hiểm ở chỗ trở lại cái tôn ti trên dưới ở trong GD ĐH, trong khi đó tôn ti trên dưới trong xã hội đã quá nặng nề. Từ đó dẫn tới quan niệm "hễ tôi ở tầng dưới, tầng thấp, muốn làm gì thì làm".

"Cho nên hãy dùng khái niệm đa dạng phù hợp hơn. Chúng ta sẽ có những trường đại học khác nhau chứ không phải cao thấp về trình độ" - bà kiến nghị.

Hương Giang