- Mới ở độ tuổi 13-14 nhưng các em đã phải sống xa gia đình, tự túc sinh hoạt trong kí túc xá, ngày ngày khổ luyện trên sàn tập. Tất cả những hi sinh, vất vả của các em và gia đình xuất phát từ đam mê dành cho bộ môn nghệ thuật múa.

Tâm sự với chúng tôi, các bé đều nở nụ cười tươi: mệt và vất vả nhưng em quen rồi. Cuộc sống ở đây cũng vui vì có bạn bè, anh chị các lớp trên dìu dắt, chỉ bảo. Nhà ở xa, có em tận Gia Lai, Nghệ An,… một năm chỉ được về nhà một vài lần nhưng nỗi nhớ đã phần nào nguôi ngoai bởi lịch học tập nghệ thuật, văn hóa đã kín mít. Cộng thêm với đó là những người bạn, người thầy yêu quý luôn cạnh bên chia sẻ, động viên các em.


Để tuyển được học sinh, các giáo viên trong trường phải đi khắp các tỉnh thành trên cả nước để tìm ra những em có thân hình và năng khiếu học múa. Với hệ học 6 năm (đi vào múa hiện đại, ba-lê), yêu cầu khắt khe hơn hệ 4 năm (đi vào hệ múa dân gian) như điều kiện về xương, khớp, khả năng thẩm âm, cảm thụ âm nhạc,…


Cùng VietNamNet đi theo một ngày sinh hoạt của các bé gái theo học hệ đào tạo 6 năm, hệ múa hiện đại, Trường CĐ Múa Việt Nam:


Buổi sáng, các em phải dậy sớm, gấp chăn màn, lo vệ sinh cá nhân và ăn uống để kịp giờ tập trên lớp.

Ngoài thời gian học múa, các em vẫn theo học văn hóa như các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên do dành nhiều thời gian học múa nên tranh thủ thời gian, các em lại ngồi vào bàn ôn lại kiến thức đã học, chuẩn bị bài sắp học.

Mỗi độ tuổi, năm học các em sẽ có những giáo án, bài tập riêng. Trong năm thứ nhất, yêu cầu của các giáo viên là các em đáp ứng được những động tác cơ bản nhất.


Những bài tập uốn, ép dẻo, xoạc sẽ giúp các em có được thân hình mềm mại, động tác thanh thoát, uyển chuyển.


Cái khó cũng là yêu cầu của các giáo viên là phải uốn các em vào những động tác thật chính xác.

Các em tự rèn động tác cho nhau.

Vì vào lớp muộn hơn các bạn khác nên Kim Phượng (quê ở Nghệ An, bên trái, đang cúi đầu) gặp nhiều khó khăn để bắt nhịp với các bạn.

Cô Phương Lan phải liên tục nhắc nhở rồi uốn nắn từng động tác cho em.


Sau 6 năm đào tạo, các em sẽ là những diễn viên múa ba-lê chuyên nghiệp.

Những giây phút nô đùa vui vẻ của các em sau giờ học múa căng thẳng, vất vả.

Buổi sáng học múa, buổi chiều các em sẽ lên lớp, học văn hóa.

Xa nhà, cuộc sống với biết bao khó khăn nhưng cũng vì thế mà các em học được tính quan tâm, tự chăm sóc cho bản thân và giúp đỡ lẫn nhau.
  • Văn Chung – Ngô Vinh