Khi được hỏi làm thế nào để giải quyết khó khăn cá nhân nếu dự thảo thay đổi giờ học, giờ làm được áp dụng, nhiều phụ huynh cho biết: “Lâu nay giờ học, giờ làm giống nhau, rồi giờ học kết thúc sớm hơn giờ làm, mọi người vẫn điều chỉnh được vì “ăn gian”. Nếu giờ thay đổi, mình phải tự sắp xếp lấy cuộc sống của mình thôi!”.

Tắc đường, đi muộn vẫn thích nghi

Giờ học của cấp tiểu học hiện nay dao động từ 8 giờ sáng đến 16 giờ 20 hoặc 16 giờ 40 phút chiều. Vậy nhưng nhiều phụ huynh vẫn sắp xếp để đưa đón con. Khoảng từ 4 giờ đến 5 giờ chiều, cổng trường đã rất đông phụ huynh chờ trống tan trường.

Bí quyết được anh Bắc, phụ huynh có con gái học lớp 4 trường tiểu học Bế Văn Đàn và con nhỏ học mầm non chia sẻ không gì khác là…trốn giờ. Anh Bắc cho biết, hầu như hôm nào anh hoặc vợ cũng đi làm muộn, chiều tranh thủ về sớm để đón bé.

Trong thực tế, nhiều phụ huynh đã sử dụng dịch vụ đưa đón con bằng xe ôm hoặc thuê người.


Nếu áp dụng thay đổi giờ học, giờ làm theo dự thảo, dịch vụ trông trẻ sau giờ tan lớp bắt đầu được chú ý đến. Phương án mà chị Hương, phụ huynh có con học trường mãu giáo Hoa Hồng- Thái Thịnh hi vọng là sẽ có dịch vụ trông trẻ ở trường sau khi các bé tan học. Đối với anh Bắc, chị Hương, bỏ ra 100-200 nghìn mỗi tháng để gửi con ở trường không quá khó khăn. Hơn nữa, phụ huynh sẽ đỡ phải “ăn gian” giờ làm.

Tuy nhiên, hiệu trưởng nhiều trường tiểu học băn khoăn: “Nếu phụ huynh đồng ý thì rất dễ thực hiện. Nhưng với những phụ huynh khó khăn hơn, thêm một khoản không dễ. Bên cạnh đó, hơn một giờ chờ đợi, cô trò chẳng lẽ ngồi nhìn nhau?”.

Bà Đinh Thùy Dương, hiệu trưởng trường tiểu học Thanh Xuân Trung lo ngại: “Với các trường, đây quả thật là một bài toán. Không thể bắt các con học nhưng ngoại khóa chỉ dành cho học sinh có nhu cầu.”

Phụ huynh nên bớt than vãn?

Một tín hiệu tích cực khác từ phụ huynh là đã bớt than thở, kể lể khó khăn cá nhân.“Mình thấy cách thay đổi giờ làm hay, ít nhất là nó giải quyết khó khăn trước mắt cho tất cả mọi người, còn ai mà chẳng có khó khăn riêng, dần dần khắc phục, mỗi người vì mọi người một tí thì xã hội mới tốt đẹp được chứ!” là lời bình luận trên diễn đàn Webtretho được nhiều người ủng hộ.

Khi dự thảo này được tung ra, nhiều phụ huynh đã bắt đầu thấy “ngán” những lời bình luận trình bày gia cảnh. Một thành viên của Webtretho thẳng thắn đề xuất một thái độ ứng xử khác: “Mình ủng hộ, kể cả cấm xe máy hay là phương án thay đổi giờ làm. Cứ làm đi thì mới biết thế nào chứ, cứ ngồi đây mà A không được, B,C...Z cũng không xong thì muôn đời không thay đổi được. Ai cũng có khó khăn nhưng phải cố chứ. Vừa muốn đón con tiện, vừa muốn đi chợ nhanh, vừa muốn ko tắc đường ... thế thì đến 10 đời bộ trưởng nữa cũng chịu.”

Một bạn đọc đưa ý kiến “kêu khổ” cho sinh viên ĐH khó có thể dậy sớm, nhất là vào mùa đông giá rét đã gặp phải ý kiến phản đối kịch liệt: “Cái lý lẽ sinh viên ko thể dậy sớm đi học, giảng viên cũng ko thể ra lên lớp giờ đó là hết sức buồn cười. Em đang học ở Mỹ, nhiều giờ học là 7 giờ sáng hoặc tối muộn 9 giờ mới học xong cũng là việc bình thường. Chưa kể ở bên này họ còn lái xe rất xa, có khi lái ô tô từ nhà đến trường mất nửa tiếng hoặc 45 phút. Lên lớp 7 giờ đồng nghĩa với việc họ cũng phải dậy từ 5 giờ, mà thời tiết bên này còn rét buốt và tuyết ngập đường khó khăn hơn nhiều.”

Mặc dù vậy, phụ huynh vẫn đang chờ quyết sách từ Bộ GTVT, ngành GD và niềm tin vào thành công cho sự thay đổi lớn này chưa hoàn toàn vững vàng. Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có khoảng 350.000 học sinh mầm non, 500.000 học sinh tiểu học và 320.000 học sinh THCS. Ngoài ra, số sinh viên các trường đại học và cao đẳng trong nội thành lên tới gần 478.900. Như vậy sẽ có 1.648.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội chịu tác động trực tiếp nếu khung giờ học bị thay đổi.

Nguyễn Hường