- Trong phần tiếp theo của bài viết, GS Nguyễn Minh Thuyết nêu các vấn đề: yếu tố thị trường với giáo dục đại học, tinh thần tự chủ và mô hình trường đại học.

Phần 1: Những chuyện cốt tử của giáo dục đại học
Thí sinh dự thi ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thị trường giáo dục đại học

Từ khoảng 20 năm nay, cùng với sự ra đời của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và các hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài, đã dấy lên cuộc tranh luận về việc có hay không có, nên chấp nhận hay không chấp nhận thị trường giáo dục ở nước ta.

Tới nay, với các quy định tại khoản 3 Điều 7 về “cơ sở GDĐH có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài”, “cơ sở GDĐH liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài”, dự thảo Luật GDĐH đã chính thức chấp nhận sự tồn tại của loại thị trường này.

Tuy nhiên, dự thảo Luật không quy định thế nào là hoạt động vì mục đích lợi nhuận và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, chính sách cụ thể về thuế, đất đai, đào tạo cán bộ, kinh phí nghiên cứu khoa học,… của Nhà nước đối với hoạt động giáo dục không vì mục đích lợi nhuận; thẩm quyền kết luận cơ sở giáo dục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và áp dụng chính sách ưu đãi đối với cơ sở giáo dục đó.

Việc quy định “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi” trong dự thảo Luật cũng không có tính khả thi vì các cụm từ “vì mục đích vụ lợi” và “vì mục đích lợi nhuận” là những cụm từ đồng nghĩa.
 
Gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và với đơn vị sử dụng lao động

Phát triển theo mô hình của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, ở nước ta, các cơ sở GDĐH và cơ sở nghiên cứu khoa học là hai hệ thống độc lập với nhau. Nhiều cố gắng thống nhất hai hệ thống này với nhau đều không thành công. Kết quả cao nhất chỉ là thành lập được một số viện hoặc trung tâm nghiên cứu & chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ ở các trường ĐH và thành lập hai trường ĐH thuộc hai cơ quan Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Tóm lại là mỗi hệ thống phát triển thêm bộ máy của mình và tiếp tục hoạt động độc lập với hệ thống kia...

Giữa các trường ĐH, CĐ với các đơn vị sử dụng lao động (trong đó có doanh nghiệp) cũng chưa thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ.

Nhận thức rõ những hạn chế nói trên, Ban soạn thảo Luật GDĐH đã đưa vào dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước “gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với cơ sở nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp” (khoản 4 Điều 10).

Tuy nhiên, cũng như hầu hết các chính sách được quy định tại Điều 10, chính sách gắn đào tạo với việc sử dụng lao động không được triển khai cụ thể ở bất kỳ điều khoản nào trong dự thảo Luật.

Còn hoạt động khoa học và công nghệ tuy được dành hẳn một chương với 4 điều nhưng các quy định đều chung chung. Điều mong đợi nhất là “chính sách ưu tiên đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở GDĐH” thì giao cho “Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng” (khoản 2 Điều 38).

Hàng chục năm qua, chính sách này đã được giao các Bộ nghiên cứu xây dựng nhưng chưa thành công. Đến lúc này, Luật vẫn không đưa ra được quy định cụ thể mà giao các Bộ tiếp tục nghiên cứu thì giải pháp gắn bó đào tạo với nghiên cứu khoa học lại tiếp tục được xếp vào hồ sơ lưu, chờ thêm nhiều năm nữa hoặc nhiều chục năm nữa mới được giải quyết.

Theo tôi hiểu, Luật GDĐH không phải luật riêng của ngành giáo dục. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần huy động sự tham gia tích cực của các Bộ, thúc đẩy nghiên cứu vấn đề này và những vấn đề khác còn vướng mắc để đưa vào Luật những quy phạm pháp luật có tính khả thi và tính hiệu quả cao.

Tự chủ ĐH và hệ thống cơ sở GDĐH

So với tất cả các văn bản quản lý và hành vi quản lý GDĐH từ trước đến nay, dự thảo Luật GDĐH là bước tiến xa nhất với những quy định cởi mở nhất xác lập quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH, bao gồm tự chủ về tổ chức - nhân sự, về chuyên môn (tuyển sinh, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, in ấn và cấp văn bằng), về cơ sở vật chất và tài chính v.v...

Việc xác lập quyền tự chủ đáp ứng nguyện vọng của tất cả các cơ sở GDĐH và yêu cầu phát triển GDĐH nước ta.

Trong điều kiện cơ sở GDĐH được trao quyền tự chủ hoàn toàn, việc tập trung quyền lực vào tay một người như vậy có dẫn đến độc đoán không và có đảm bảo cho hội đồng trường có quyền lực thực sự không?

Tuy nhiên, quyền tự chủ của cơ sở GDĐH phải đi đôi với hoạt động thường xuyên, hiệu quả của một hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo và một thị trường lao động lành mạnh.

Quyền tự chủ không được kiểm soát sẽ dẫn tới những hậu quả không lường trước được. Vì vậy, tôi tán thành quy định của Dự thảo Luật về các mức độ tự chủ khác nhau phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ, tính chất và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các loại cơ sở GDĐH.

Điều chưa làm tôi yên tâm trong Dự thảo Luật là quy định hiệu trưởng trường ĐH hoặc giám đốc học viện, đại học, ĐHQG kiêm chức chủ tịch hội đồng trường.

Trong điều kiện cơ sở GDĐH được trao quyền tự chủ hoàn toàn, việc tập trung quyền lực vào tay một người như vậy có dẫn đến độc đoán không và có đảm bảo cho hội đồng trường có quyền lực thực sự không.

Cũng lần đầu tiên, dự thảo Luật GDĐH liệt kê đầy đủ các loại cơ sở GDĐH hiện có ở nước ta, bao gồm trường CĐ, trường ĐH, học viện, đại học, đại học quốc gia, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (Điều 7).

Tuy nhiên, các “học viện” và “đại học” đều phải “thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở GDĐH / đại học đặt trụ sở” (khoản 10 Điều 24 và điểm d khoản 1 Điều 25) giống như trường ĐH.

Và cũng không hiểu vì sao nhiệm vụ và quyền hạn của trường CĐ, trường ĐH, học viện được gồm 10 nội dung, trong khi nhiệm vụ và quyền hạn của đại học chỉ gồm 5 nội dung.

Trong nhận thức của nhiều người,  chắc là “đại học quốc gia” có vị thế quan trọng, nhưng nhiệm vụ và quyền hạn của “đại học quốc gia” không được quy định trong luật này mà quy định bằng một văn bản dưới luật, tức là văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn.

Tôi nêu tất cả những điều trên để thấy rằng việc liệt kê đầy đủ các loại cơ sở GDĐH vốn rất đa dạng, phức tạp, “không giống ai” của nước ta và phân biệt chúng theo vị thế hành chính khó có thể đảm bảo tính lôgic của các quy phạm pháp luật. Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh có thể trực thuộc Bộ Chính trị hay Ban Bí thư, hai Đại học Quốc gia có thể trực thuộc Chính phủ nhưng các đơn vị ấy vẫn là ĐH hai cấp như các đại học vùng, mà ĐH hai cấp vẫn là trường ĐH. Và đã tham gia hoạt động đào tạo ĐH, sau ĐH thì dù là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia hay Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đều phải chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT.

Về kinh nghiệm quốc tế, tôi cũng không biết có Luật Giáo dục hoặc Luật GDĐH của nước nào phân biệt national university, state university và university như dự thảo Luật GDĐH nước ta không và sau này Luật có cần bổ sung ĐH quốc tế, ĐH xuất sắc vào hệ thống không.

Vì vậy, tôi nghĩ chỉ nên quy định trong hệ thống cơ sở GDĐH có ĐH một cấp và ĐH hai cấp, đồng thời  chuyển quy định đó về Điều 5 – “Giải thích từ ngữ”, chứ không nên coi là quy phạm pháp luật.

  • Nguyễn Minh Thuyết (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)