Đừng mong có một con đường dễ dàng hơn; hãy mong tìm được niềm vui trên cuộc hành trình, dù là dẫn tới đâu. Nếu bạn làm như vậy, tôi tin rằng những điều mong muốn của bạn sẽ trở thành hiện thực...

Trong mọi kiểu cách giáo dục, không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ luôn luôn có được câu trả lời mà bạn kỳ vọng.
Để dạy về lòng thương cảm, một cô giáo bắt đầu giờ giảng của mình với một câu hỏi:
- Các em sẽ làm gì nếu các em đang đi bộ trên đường và chợt nhìn thấy một người bị thương nghiêm trọng, bẩn bê bết, thâm tím, chảy máu nữa?
Trong một khoảnh khắc hoàn toàn trung thực, một cô bé học sinh trong lớp đáp:
- Chắc là em sẽ… nôn, cô ạ.
Cô bé đó có lẽ không làm bác sĩ hay y tá được!

Cũng có rất nhiều ngành nghề mà tôi nghĩ mình nên bỏ qua. Đó là những nghề mà thể chất hoặc năng khiếu của tôi không phù hợp. Một trong số những nghề đó là ngành Y. Giống như cô bé trong câu chuyện trên, nếu tôi theo ngành Y, thế nào tôi cũng sẽ tự làm cho mình phải xấu hổ. Nhưng tôi thực sự ngưỡng mộ những người làm việc trong ngành này, một cách sâu sắc.

Mấy năm trước, một cậu bé 6 tuổi ở Corvallis, bang Oregon (Mỹ), bị bỏng tới 85% diện tích cơ thể. Tình trạng của cậu nghiêm trọng đến mức nhiều bác sĩ đã bỏ cuộc và một bệnh viện thậm chí còn không nhận cậu bé vào vì họ nghĩ đằng nào thì cậu cũng không thể qua khỏi.

Tuy nhiên, cậu bé đã được cứu sống, bởi tám con người can đảm và vô cùng trách nhiệm: Bố mẹ cậu, ba người y tá và ba bác sĩ. Các y tá thực sự là những nữ anh hùng trong một bi kịch có thật của cuộc sống.
Sau khi mọi y tá khác đều đã bỏ cuộc, thì ba y tá này chia ca, mỗi người 8 tiếng ở bên cậu bé, theo dõi những tổn thương da, những biến đổi, những ca phẫu thuật, những giai đoạn mà tưởng như cái chết sắp chiến thắng, rồi những ngày buồn tẻ, đều đều để phục hồi chức năng. Cậu bé thậm chí bắt đầu ghét những cô y tá này, và vì chưa hiểu chuyện, nên cậu bé tưởng rằng chính những cô y tá đó gây ra những cơn đau khủng khiếp cho mình.

Căn phòng của cậu bé như một nhà tù. Nó vuông vắn, mỗi chiều 4m. Cửa phòng được đóng chặt, rèm sẫm màu được kéo lại, hơi nóng từ chiếc đèn đang chiếu sáng được dùng thay cho chăn. Độ ẩm cao đến mức bức tường còn “toát mồ hôi”, còn bầu không khí nặng trịch thì đầy mùi thuốc.

Vậy mà các cô y tá vẫn ở bên cạnh cậu bé. Họ đội mũ, mặc áo khoác dài, đeo khẩu trang và găng tay như thể đang làm việc trong một ca phẫu thuật. Chỉ khoảng một tiếng là họ ướt đẫm mồ hôi. Trong suốt 14 tháng dài đằng đẵng, ba cô y tá tận tụy này dành tất cả thời gian và công sức của họ để giúp đỡ cậu bé đang đau đớn. Cuối cùng, đến một ngày, cậu bé trèo xuống khỏi giường của mình và bước đi.

Đó quả là một ngày tuyệt vời! Các cô y tá đã được đền đáp cho những nỗ lực không mệt mỏi của họ. Họ cảm thấy cuộc sống của mình tràn đầy ý nghĩa sau 14 tháng chiến đấu không chỉ với bệnh tật của cậu bé mà cả với cám dỗ của bản thân họ là muốn bỏ cuộc.

Điều gì khiến cho họ cảm thấy thỏa mãn đến vậy? Tôi nghĩ đó không chỉ đơn giản là việc cậu bé đã sống. Mà cùng với nhau, họ đã đạt được một điều tưởng chừng như không thể, nhưng quá xứng đáng. Họ dồn hết cuộc sống của mình vì một người khác.

Nó giống như điều mà một nhà giáo dục người Mỹ - Booker T. Washington – từng nói: “Những người hạnh phúc nhất là những người làm nhiều nhất cho người khác”. Những gì các cô y tá này làm thật vĩ đại. Họ làm việc hết mình và làm việc hoàn toàn không có một chút ích kỷ. Và từ đó, họ tìm được cảm giác hài lòng và hạnh phúc.
Bạn có muốn hạnh phúc hơn không?
- Đừng mong có thêm may mắn; hãy mong có thêm những công việc quan trọng để làm.
- Đừng mong có thêm lợi thế, hãy mong có nơi chốn để mình cống hiến.
- Đừng mong có thêm nhiều thứ để dùng; hãy mong chính mình trở nên hữu ích hơn.
- Đừng mong có thêm những điều vui thích lớn; hãy mong có thêm mục đích lớn.
- Đừng mong có một con đường dễ dàng hơn; hãy mong tìm được niềm vui trên cuộc hành trình, dù là dẫn tới đâu.
Nếu bạn làm như vậy, tôi tin rằng những điều mong muốn của bạn sẽ trở thành hiện thực.

Theo Steve Goodier/Đặng Mỹ Dung - SVVN