- Trong phần tiếp theo của buổi tọa đàm trực tuyến, "tiếng kêu khẩn thiết" về  đối xử công bằng với các trường ngoài công lập được đặt ra. Đại diện quản lý và chuyên gia giáo dục cho rằng "trường ĐH không thể hạ dây xuống mãi" ở chất lượng đầu vào của giáo dục ĐH trong bối cảnh hiện nay. Còn đại biểu đến từ khối các trường ngoài công lập nói "rất ngưỡng mộ và muốn một người quản lí có bản lĩnh như Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng".

XEM CÁC PHẦN TRƯỚC:

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Nhà báo Kim Dung: Chuyện tuyển sinh ĐH theo phương thức "3 chung", Bộ GD-ĐT làm tương đối có kinh nghiệm, thi ĐH bám sát chương trình lớp 12. Vậy mà các em thi vào ngoài công lập vẫn điểm thấp. Điều này là do các trường phổ thông chất lượng kém hay hiện tượng "cung quá cầu"?

Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: Tuyển sinh "3 chung" đã thực hiện được 10 năm từ 2002. Mỗi năm tiếp tục được hoàn thiện cải tiến theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực hơn.

Ví dụ vừa qua là chuyện các trường tự xem xét tuyển thẳng các em khuyết tật, các em nước ngoài muốn học. Nhà trường cũng căn cứ một số điều kiện về ngoại ngữ, tiếng Việt,.. để xét tuyển, thu hút các em.

Năm 2010, chúng tôi cũng bổ sung chế tài xử phạt hiệu trưởng và những người có liên quan; ví dụ chuyện như nhà báo Kim Dung nêu với mức nhẹ nhất là cảnh cáo. Chúng tôi làm rất nghiêm túc, không phân biệt ai.

Điểm sàn của thi "ba chung" được xây dựng trên kết quả thi của thí sinh, tổng chỉ tiêu của toàn quốc và chính sách ưu tiên theo đối tượng của khu vực. Hội đồng điểm sàn quốc gia gồm 40 thành viên, với cơ cấu đủ trường công, tư; 3 vùng miền, CĐ-ĐH. Riêng khối trường tư, Bộ mời 5 trường (3 ĐH gồm ĐH Thăng Long, Lạc Hồng, Duy Tân) và 2 trường CĐ. Với trên 200 trang tài liệu, việc làm này có đầy đủ cơ sở khoa học. Chuyện này đã được làm ổn định 7 năm nay.

Năm 2011, chuyện điểm sàn đã được tính toán tới hệ số luân chuyển. Nhiều trường như ĐH Kinh doanh&Công nghệ đã xác định chỉ tiêu, trường vẫn xin tuyển thêm 1.200 "suất" tuyển rồi lại xin tiếp tục có hồ sơ trên điểm sàn muốn xin thêm; ĐH dân lập Văn Lang; ĐH DL Duy Tân hiện đã tuyển vượt chỉ tiêu 15%.

Điều đó không có nghĩa là trường tư nào cũng không tuyển đủ đâu. Chuyện ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) là bởi trên địa phương dân số  ít.
Cùng với phát triển hệ thống giáo dục chính quy, hiện nay Việt Nam đang thực thi nhiều chính sách để khuyến khích một xã hội "học tập suốt đời" với các phương thức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt.

Chúng tôi cũng chia sẻ với các trường tư đóng ở địa phương nên đã cho vận dụng Điều 33, hoặc chuyển sang hệ khác nếu chính quy không đủ, tránh lãng phí nguồn đầu tư.

Tôi xin nói thêm: Không phải chất lượng phổ thông thấp. Thực tế, sau 4 năm thực hiện "hai không", tỉ lệ tốt nghiệp tăng. Năm vừa rồi, khoảng 95%. Chất lượng đầu dưới của ĐH được nâng lên, có tác động tích cực tới chuyện dạy và học.

Điểm thi một mặt phụ thuộc chất lượng đề thi. Năm nay  điểm sàn giữ bằng năm ngoái. Tất nhiên, chúng tôi thông cảm với một số ngành khó tuyển do điều kiện công việc, mức lương, sự thăng tiến không thuận lợi vì chúng ta đang đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Nhưng ngược lại, nếu xã hội có nhu cầu, Nhà nước cũng có chính sách với những ngành khó tuyển. Năm nay, khối Nông - Lâm - Ngư được vận dụng điểm c, khoản 1 điều 33.

Ví dụ, Trường ĐH Thành Tây có một số ngành liên quan, dù ở Hà Nội nhưng chúng tôi đồng ý cho áp dụng việc này; Trường Quản lí hữu nghị đào tạo ngành Vật lí hữu cơ nhưng có liên quan đến khối sinh học nên khi có kiến nghị Bộ cũng xem xét và chấp nhận,…


GS Nguyễn Minh Thuyết: Ở đây, có 2 chuyện khác nhau: chuyện chất lượng phổ thông và tuyển sinh ĐH.Đã gọi là ĐH phải có chuẩn đầu vào. Bất kể anh học phổ thông như thế nào, tôi đã giăng một cái dây như thế, nhảy qua được thì anh vào, hoặc có thể học nghề, liên thông,...

Chất lượng giáo dục phổ thông nếu chưa đạt được thì phải nâng lên.  Còn trường ĐH không thể hạ dây xuống mãi được.

Việc các trường khó khăn trong tuyển sinh còn có nguyên nhân là do phân luồng ở phổ thông không tốt. Sau THCS là lần phân luồng thứ nhất. Nếu em nào không có điều kiện, khả năng học lên THPT có thể học nghề.

Nhưng ngành giáo dục địa phương lại tham mưu cho UBND tỉnh mở ra rất nhiều trường THPT ngoài công lập, trong đó, có những trường chất lượng chưa đảm bảo. Mất thêm mấy năm ĐH nữa, lại mở một loạt trường ra để đón các em không đỗ vào công lập. Tổng cộng mất 7 năm. Trong khi đó, đáng ra các em vào đời sau lớp 9.

Như vậy, trong điều hành chung, các chủ trương chưa được cân đối với nhau.

Thứ ba là có vấn đề chung ở cơ cấu kinh tế xã hội chung của đất nước. Ăng ghen có câu nói rất hay: Khi thực tế có yêu cầu thì khoa học phát triển gấp 100 lần trường ĐH. Ở đây, tức là khi thực tế có nhu cầu thì các trường ĐH sẽ phát triển được. Còn bây giờ, cơ cấu kinh tế chủ yếu khai khoáng, lắp ráp, gia công thì làm sao gây sức ép, buộc các trường ĐH-CĐ nâng chất lượng được.

Bên cạnh đó, chính sách bổ nhiệm không khách quan tạo tâm lí cho người học không cố gắng phấn đấu. Thứ nữa là tâm lí của chúng ta hiện nay: Học trường gì, người ta cũng phải nhìn xem đầu ra có việc làm không?

Bây giờ, các ngành hết sức quan trọng của đất nước như nông nghiệp, cơ khí, nông lâm nhìn vào gian khó, thu nhập thấp; các ngành khác thì thu nhập cao. Nếu Nhà nước có chính sách chỉ cần phát triển kinh tế xã hội để tạo điều kiện có công ăn việc làm, đảm bảo cho sự phát triển cho họ thì không cần học bổng hay gì cả.

Về đào tạo tại chức, tôi có ý kiến thế này.

Tôi cũng từng dạy học tiếng Việt ở Canada các trường ĐH. Khá nhiều là công chức, cán bộ, GS, PGS, rồi ông thợ ảnh, nhân viên ngoại giao...đi học vì môn tiếng Việt thôi. Học vì nhu cầu công việc. Họ học chung với sinh viên, thi cử nghiêm túc và không nhất thiết có một cái bằng.

ĐH tại chức của mình nên thay đổi quan niệm đi, anh cần gì học nấy và không nhất thiết có cái bằng. Tùy trường nhận SV và thời gian thì có thể học chung hay riêng, nhưng thi chung thì sẽ ít còn khoảng cách giữa công lập hay ngoài công lập.

Tôi cũng đề nghị mình có thể thi tốt nghiệp chung, nếu các trường cùng ngành để nâng vị thế và thương hiệu của sinh viên và cả trường đó.
GS Trần Xuân Nhĩ

GS Trần Xuân Nhĩ: Lâu nay, ta quan niệm lấy đầu vào tốt sẽ cho đầu ra tốt. Nhưng không hoàn toàn như vậy. Hiện nay, đầu vào chặt chẽ nhưng đầu ra không chất lượng. Trong tuyển sinh, cần theo xu thế mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra. Như vậy, cần tính đến đổi mới.

Với các yếu kém của giáo dục đại học hiện tại, tôi cho rằng không nên đổ lỗi cho các trường. Nhà quản lí thì cần xem lại, không thể cho ra một trường đào tạo kém. Bà mẹ đã đẻ ra đứa con thì phải nhận lấy trách nhiệm đó, không thể nói " con của ai, tôi không biết".

Với hệ thống mấy trăm trường ĐH, CĐ hiện nay, Bộ cho ra thì phải chịu trách nhiệm để khắc phục. Cần xem nó yếu kém như thế nào, tìm cách để tạo điều kiện cho nó phát triển.

Tôi rất ngưỡng mộ và muốn một người quản lí có bản lĩnh như Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng.

GS Nguyễn Minh Thuyết:
Vấn đề là nước ta không đủ chỗ học. Nếu vào rồi, làm như thế nào để đầu ra tốt là điều chưa làm được trong thực tế bây giờ. Tôi có công tác ở Pháp nhiều năm, họ có 2 loại đào tạo là ĐH khoa học, tổng hợp và các trường nghề.

Vào ĐH không quá nặng nề nhưng rất siết chặt đầu ra. Họ không tiêu cực đã đành, và cũng không nể nang quan hệ gì hết, chỉ biết có chuẩn thôi. Còn ở nước mình thì vào ĐH rồi, cứ đó mà lên tuốt tận tiến sĩ. Như thế làm khổ cho xã hội, làm hỏng công việc.

Chúng ta khởi đầu buổi tọa đàm này bằng quyết định của Nam Định. Quyết định chắc chắn làm nhiều sinh viên buồn. Nhưng tôi lại có câu hỏi lại với các bạn, tại sao mục tiêu cao nhất cứ phải là công chức và cầm đơn "đi xin việc"?

Sao các bạn không xác định, học xong một nghề  thì tự mình đứng ra lập nghiệp, tự phát triển, không chỉ giúp cho cá nhân mà còn đóng góp cho sự phát triển chung nữa.
Toàn cảnh trực tuyến

Nhà báo Kim Dung: Nhưng cũng cần nói đến điều kiện để tạo ra chất lượng của các trường ngoài công lập. Chúng ta bênh vực hệ thống các trường ngoài công lập, nhưng các tỉnh có lý của họ. Phải chăng thực tiễn buộc chúng ta phải thừa nhận điều đó?

GS Trần Xuân Nhĩ: Tôi hoàn toàn không “bênh” cho ai cả, chỉ bênh cho sự công bằng của xã hội. Làm như thế nào cho mọi người được học tập và có chất lượng. Đào tạo mà cứ phải đi thuê cơ sở mỗi năm một như anh Khôi nói thì làm sao đảm bảo chất lượng.

Điều thứ hai là đội ngũ thầy giáo. Nói đi cũng cần nói lại rằng, các trường ngoài công lập đã hứng được một lượng chất xám rất nhiều mà hết tuổi phục vụ Nhà nước. Chúng tôi cũng đang muốn làm một thống kê, đánh giá chất lượng các giảng viên ngoài công lập.

TS Văn Đình Ưng: Hồi còn làm ở Bộ GD-ĐT, tôi còn nhớ Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng xem xét và thấy rằng chưa có công trình tổng kết riêng, bài bản về các trường ngoài công lập, nhưng ưu khuyết điểm gì bởi hệ thống này đã có lịch sử tồn tại, phát triển hơn 20 năm rồi. Nhân đây, tôi cũng kiến nghị với Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện việc làm này.

(còn tiếp)

  • Thực hiện: Kiều Oanh - Hạ Anh - Văn Chung - Ngọc Trang - Hồng Khanh
  • Ảnh: Phạm Hải