- Lớn lên rồi trở thành dâu, cô Hiên đều sống trong môi trường ai cũng nói ngọng: từ ông bà, cha mẹ, hàng xóm, người thân. Ngồi đối diện với tôi, cô cố nói thật chậm, nghỉ ngơi để tránh bị sai hai phụ âm “l, n”.


Để dạy được các trò, trước hết giáo viên cần phải đạt chuẩn về phát âm. Trong ảnh: HS Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) trong giờ ra chơi. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Gương mặt chất phác, áo quần giản dị và nụ cười hiền hậu cô Hiên (đã đổi tên), giáo viên một trường tiểu học tại huyện Đông Anh đã từng đứng trước các giáo viên trong hội nghị tập huấn về dạy phát âm, luyện viết đúng phụ âm “l,n” của huyện thẳng thắn nhận: “Tôi là giáo viên nói ngọng nhất trường!”

Cô tâm sự: “Hồi phổ thông mình đi học quanh đây thì toàn người nói ngọng nên có sửa được gì. Lên ĐH, bạn bè nói nhiều cũng xấu hổ và sửa nhiều lắm. Nhưng rồi khi về quê, hòa nhập lại với môi trường cũ “nói sai thì mọi người vẫn cho là đúng, không biết đó là sai nữa. Nên lâu dần thành quen, mình lại nói ngọng”.

“Những lúc dạy các trò vì tập trung nên mình ít mắc lỗi hơn” – cô cười tươi, điệu cười đúng chất một người xuất phát từ nông thôn mộc mạc, chân tình: “Còn nói chuyện với nhau thế lày. Đấy, hơi nhanh là vấp”.

Nhìn bên ngoài, cô Hiên già hơn nhiều so với tuổi 41 của mình. Giọng cô ôn tồn, cô chia sẻ: “Nhiều người biết mình nói ngọng nhưng không dám nhận vì sợ xấu hổ. Mình thì nghĩ đơn giản nếu sai thì cố sửa, cùng lắm là nói lại”.

Vừa qua, trong hội nghị tập huấn cho các giáo viên về dạy phát âm, luyện đúng phụ âm “l,n” do phòng GD-ĐT huyện Đông Anh tổ chức sau buổi đứng lớp trình bày với các giáo viên trong huyện, cô Hiên đã thẳng thắn nhận mình là người nói ngọng nhất nhì trong trường nên mong được mọi người giúp đỡ.

Hành động của cô, như đánh giá của Hiệu phó Trường Tiểu học Ngô Tất Tố (xã Mai Lâm) Nguyễn Mai Hoa: “Đấy thực sự là việc làm đầy dung cảm của cô và được mọi người rất ủng hộ”.

Hiệu trưởng nhà trường nơi cô Hiên đang công tác cho tôi biết thêm: “Trước đó, biết cô Hiên còn nói ngọng nên trường quyết định cử đi học lớp tập huấn. Động viên mãi cô mới đi”. “Mình suy nghĩ rằng nếu càng ngại thì sẽ khó khắc phục điểm yếu này của bản thân nên mạnh dạn tham gia” – cô Hiên chia sẻ.

Trong giao tiếp, hiệu trưởng cùng các giáo viên khác thường xuyên trao đổi, góp ý và động viên những người còn điểm yếu là nói ngọng như cô Hiên khắc phục khó khăn để dạy tốt.

Cái khó của người giáo viên tuổi 41 này là “mình dạy đúng phát âm nhưng để phát hiện ra các trò nói sai thì khó”.

Vậy là cô nghĩ ra cách tìm những học trò nghe, nói chuẩn nhất, thông qua các em giúp cô phát hiện và kịp thời uốn nắn cho các em còn nói ngọng.

  • Văn Chung