- Các câu chuyện cổ tích thế giới quen thuộc với nhiều bạn đọc Việt Nam như Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Cô bé quàng khăn đỏ, Cô bé lọ lem, Công chúa ngủ trong rừng trên thực tế cũng có rất nhiều dị bản, thậm chí bản gốc cũng chứa những chi tiết rùng rợn.

Trẻ em và cả người lớn trên khắp thế giới đã và đang say mê câu chuyện cổ tích viết lại là bộ phim hoạt hình Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (sản xuất năm 1937) của hãng phim hoạt hình Walt Disney.

Không chỉ là bộ phim tuyệt vời về hình ảnh, âm nhạc, các nhân vật hoạt hình có tính cách rõ nét, mà người xem còn yêu thích cách kết thúc câu chuyện khi mụ dì ghẻ Bạch Tuyết bị các chú lùn săn đuổi, phải chạy trốn lên đỉnh núi cao, trời nổi cơn giông bão, sấm sét và mụ ta bị rơi từ mỏm núi cao xuống vực, cái ác đã bị các thế lực thiên nhiên trừng phạt đích đáng (trời phạt).

Hình ảnh trong bộ phim Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn của hãng  Walt Disney.

Thế nhưng, phiên bản Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn trong truyện cổ của anh em nhà Grimm năm 1812 (tên là Jacob và Wilhelm Grimm, nước Đức) lại có nhiều chi tiết rất khác và rùng mình hơn nhiều.

Thực tế lúc ấy, anh em nhà Grimm đi góp nhặt những mẩu chuyện trong dân gian với mục đích ban đầu là giữ gìn văn hóa kể chuyện theo kiểu truyền miệng của người Đức. Anh em họ viết lại truyện không nhằm cho trẻ con đọc.  

Trong phiên bản này, người hãm hại nàng Bạch Tuyết không phải dì ghẻ mà chính là mẹ đẻ của cô. Bà hoàng hậu này sinh ra Bạch Tuyết nhưng không thể chịu đựng được nhận xét của gương thần: Bà hoàng hậu là người xinh đẹp, nhưng công chúa Bạch Tuyết bé nhỏ còn xinh đẹp hơn gấp ngàn lần (lúc này Bạch Tuyết mới 7 tuổi).

Mỗi khi nhìn thấy Bạch Tuyết, bà đều ghen tị, không thể sống yên. Bà ta đã sai người thợ săn mang Bạch Tuyết vào rừng sâu, bảo giết đi và mang phổi và gan về làm bằng chứng, để bà ta nấu lên, ăn với muối.

Trong đoạn kết của phiên bản này, khi hoàng hậu đến dự đám cưới của công chúa Bạch Tuyết và hoàng tử xem đúng cô còn sống không, thì bị người ta bắt mụ xỏ một đôi giày bằng sắt đã nung đỏ rực và phải nhảy múa cho tới chết. Trong khi ở một phiên bản khác, mụ hoàng hậu độc ác bị đột tử vì nhồi máu cơ tim do ghen tức.

Như chúng ta đã biết, nhiều phiên bản được viết lại sau này đã đổi mẹ ruột thành mẹ kế của Bạch Tuyết cho bớt phần ghê rợn.

Những bản đầu tiên của câu chuyện cổ tích Cô bé quàng khăn đỏ cũng ghê sợ không kém. Đây là câu chuyện cổ tích của nước Pháp, dường như có từ thế kỷ 17, nội dung rất khác so với truyện do anh em nhà Grimm kể lại. Trong phiên bản này, con chó sói sau khi ăn thịt xong bà cụ còn để lại một ít máu và thịt cho cô bé quàng khăn đỏ ăn, thậm chí nó còn lột sạch quần áo của cô bé, quăng vào lửa rồi dụ cô bé lên giường.

Charles Perrault kể lại chuyện Cô bé quàng khăn đỏ theo cách trên giải thích rằng, bài học rút ra từ câu chuyện này (dẫu có ghê rợn) là các em bé, đặc biệt là các em bé gái xinh đẹp, ăn mặc đẹp không nên bắt chuyện với người lạ. Người ta cho rằng, sở dĩ có phiên bản đầu tiên như vậy bởi nó được viết để cho các tầng lớp quý tộc thế kỷ 17 tiêu khiển. Thậm chí, có một câu cửa miệng ngày đó ám chỉ cô gái nào bị mất đi sự trinh trắng là bởi "đã nhìn thấy chó sói".

Câu chuyện Cô bé Lọ Lem cũng có hàng ngàn dị bản khác nhau. Trong phiên bản gốc của anh em nhà Grimm thì trong đợt thử giày, hai bà chị kế của Lọ Lem đến thử, người thì cắt ngón chân, người thì cắt gót chân, để vừa với chiếc giày. Tuy nhiên con chim của Lọ Lem đã mách cho hoàng tử biết, và cuối cùng chỉ có Lọ Lem là thử vừa. Sau đó hoàng tử cho mấy con chim mổ mắt của hai bà chị kế và bà mẹ của Lọ Lem để trừng phạt, sống mù lòa suốt đời.

Với câu chuyện Nàng công chúa ngủ trong rừng trong phiên bản của Pháp, khi hoàng tử, lúc này là vua, đưa cô công chúa sau khi tỉnh dậy về lâu đài. Nhưng bà mẹ của vị vua này, rất thích ăn thịt người, đặc biệt là thịt trẻ con. Thế nên, trong lúc vị vua đó phải ra ngoài chiến trường, bà ta sai người đưa nàng công chúa kia, giờ đã là hoàng hậu, về miền quê để tiện đường ăn thịt hai đứa con của cô gái.

Tuy nhiên người đầu bếp đã lừa được bà ta, và giấu hai đứa bé ở nhà ông ta. Bà này sau khi tưởng đã ăn được hai đứa bé, đã tính ăn luôn người đẹp hoàng hậu kia. Một lần nữa ông đầu bếp giấu luôn cả hoàng hậu và hai đứa bé trong nhá ông ta, nhưng rồi cũng bị bà ta phát hiện. Bà ta chuẩn bị một cái nồi lớn chứa mấy con vật ghê rợn như rắn rít trong đó dùng để nấu cùng lúc hai đứa bé, hoàng hậu, và ông đầu bếp kia thì vị vua trở về đúng lúc. Bà ta uất ức quá tự nhảy vào nồi và bị mấy con vật trong nồi ăn thịt.

Trong một phiên bản cổ hơn của Ý, thì khi chàng hoàng tử bắt gặp công chúa đang ngủ, anh ta không cưỡng lại được vẻ đẹp của cô gái nên đã cưỡng hiếp cô. Kết quả sau đó cô công chúa có thai và hạ sinh hai đứa con, ngay khi đang ngủ. Một hôm, một trong hai đứa bé đó mút ngón tay của cô, và làm rơi ra mảnh vụn, cái đã khiến cô ngủ đi hàng trăm năm, khi mảnh vụn rơi ra thì cô cũng tỉnh lại.

Hình minh họa của câu chuyện cổ tích Cô bé quàng khăn đỏ.

Những câu chuyện cổ Grimm đã được dịch ra hơn 160 ngôn ngữ trên thế giới. Tại nước Mỹ, độc giả có tới 120 phiên bản để lựa chọn. Các nhân vật này đã được dựng thành kịch, opera, hoạt họa, tranh vẽ, âm nhạc, quảng cáo, thời trang và phim ảnh. Hãng phim Walt Disney đã kiếm bội tiền nhờ những bộ phim xây dựng dựa trên các câu chuyện cổ tích.

Trong bộ phim  Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn sản xuất năm 1937, hãng này thậm chí còn đặt tên riêng cho 7 chú lùn. Còn với bộ phim Cô bé Lọ Lem, hãng này cũng hô biến quả bí thành chiếc xe ngựa cho nàng Lọ Lem đi dự tiệc.

Rõ ràng, những câu chuyện cổ tích không thể có một phiên bản duy nhất, vì mỗi thời đại, câu chuyện lại được kể theo một cách khác nhau. Các bậc cha mẹ là người hiểu rõ nhất cần phải lựa chọn phiên bản nào phù hợp với con mình.

Có ý kiến cho rằng, các câu chuyện cổ tích, dân gian khi được giảng dạy trong nhà trường nên đưa ra nhiều phiên bản để cho các em tranh luận chứ không nên áp đặt một hình mẫu nhất định.

  • Tú Uyên