- Cầm tấm bằng ĐH trong tay, nhưng chẳn có nơi nào chịu nhận bởi thầy giáo mù làm sao đứng lớp dạy được học trò. Không nản chí, thầy giáo trẻ tên Duy ngày đêm xây dựng đề án lớp học mái ấm dành cho người khiếm thị đầu tiên ở Tam Kỳ được thông qua. Mái ấm mang tên Hướng Dương ra đời vào năm 2009 nằm trên đường Tiểu La, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam luôn mở cửa đón trẻ khuyết tật.


Thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy đang dạy chữ nổi cho học sinh khiếm thị tại mái ấm Hướng Dương. (Ảnh: Vũ Trung)

Đang học lớp 7 trường làng, tai nạn ập đến khiến cậu bé Đặng Ngọc Duy bị mù hoàn toàn đôi mắt. Sống trong bóng đêm, có lúc Duy tuyệt vọng. Nhưng rồi khát khao được sống, được vươn lên, Duy bắt đầu tự mình mày mò trong bóng đêm vượt qua số phận nghiệt ngã.

Không được đến trường, Duy mò mẫm tự học chữ nổi Braille với phương châm sống mà Duy tự đặt ra cho mình là "Tàn tật tất nhiên là bất tiện, nhưng tuyệt nhiên không là bất hạnh".

Năm 1992 khi nghe tinTrường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) thành lập. Duy xin ba mẹ theo học, từng con chữ nổi Braille đã bắt đầu chắp cánh ước mơ cho cậu học trò nghèo mù.

Sau 5 năm Duy hoàn thành chương trình chữ nổi Braille. Nhưng nghiệt ngã là tại trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu chỉ dạy hết bậc tiểu học. Duy quay về Tam Kỳ. “Những ngày đó vô cùng chán nản, nhiều lúc muốn bỏ nhà đi, nhưng không thể...” Duy tâm sự.

Trong lúc tưởng chừng bế tắc, Duy lại lao vào làm thơ và là một trong những thành viên của bút nhóm Thiên thanh ở Tam Kỳ. Những bài thơ được viết bằng chữ nổi Braille đầu tiên được đăng tải trên một số tờ báo như: Áo trắng, Thiếu niên Tiền phong, Hoa học trò...đã như chắp cánh thêm cho nghị lực để Duy vượt qua bóng đêm của số phận.

Năm 1996, Duy xin đi học trở lại, sau hơn 7 năm. Năm 2002 Duy cũng tốt nghiệp trung học và mơ đến giảng đường ĐH. Năm 2005, Duy mới trúng tuyển vào Khoa văn Trường ĐH Quảng Nam. Đến năm 2008 tốt nghiệp ĐH.


Thầy Duy đang dạy nhạc cho học sinh khuyết tật. (Ảnh: Vũ Trung)

Cầm tấm bằng ĐH trong tay, nhưng chẳn có nơi nào chịu nhận bởi thầy giáo mù làm sao đứng lớp dạy được học trò. Không nản chí, Duy ngày đêm xây dựng đề án lớp học mái ấm dành cho người khiếm thị đầu tiên ở Tam Kỳ được Sở và phòng giáo dục thông qua.

Bằng tiền nhuận bút chắt chiu tích góp sau khi phát hành tập thơ “Sắc màu âm thanh”, cuối cùng mái ấm mang tên Hướng Dương ra đời vào năm 2009 nằm trên đường Tiểu La, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam.

Mái ấm Hướng Dương mở cửa đón 12 em khuyết tật ở tỉnh Quảng Nam về cơ sở nuôi dạy. Trong đó, có 2 em khuyết tật người dân tộc Ca Dong, ở huyện miền núi Bắc Trà My.
Duy chia sẻ: "Chỉ có người khuyết tật mới thấu hiểu hết nổi khát khao của người khuyết tật. Vì vậy mái ấm Hướng Dương sẽ là nơi chắp cánh ước mơ cho những trẻ em khuyết tật".

Vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng chính nơi này, bằng tình yêu và lòng sẻ chia, Duy bắt đầu đốt lửa trong đêm đen để tìm đường sáng cho trẻ em khuyết tật.

Thầy trò nghèo mù cứ thế âm thầm trong bóng đêm để truyền lửa khát khao sống trong từng con chữ đã hơn 3 năm nay. Các em đến đây không chỉ được học chữ, học hát, mà còn được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ....

  • Vũ Trung