Lời tòa soạn: Với 379.000 bản được phát hành ngay trong tuần đầu ra mắt, cuốn hồi ký viết về cuộc đời huyền thoại của nhà sáng lập, cựu Giám đốc điều hành hãng Apple - Steve Jobs đã trở thành cuốn sách có tuần đầu bán chạy nhất tại thị trường Mỹ trong năm 2011, theo thông tin nhà xuất bản Simon and Schuster (Mỹ). Được sự cho phép của Alpha Book, VietNamNet trích giới thiệu câu chuyện về thời đi học của nhân vật đặc biệt này. Các câu chuyện được Walter Isaacson, cựu Giám đốc điều hành hãng tin CNN, cựu chủ bút tạp chí Time chắp bút.

Steve Jobs và bạn bè trong câu lạc bộ điện tử ở trường Homestead

Phần 1:  Những trò  quái của Steve Jobs

Khi Jobs học lớp ba, những trò nghịch ngợm của  ông nguy hiểm dần, có lần  ông để chất nổ dưới ghế  cô giáo, khiến cô sợ  đến thót tim.

Nổi loạn  để đỡ nhàm chán


Trước khi vào cấp 1, Jobs đã được mẹ dạy đọc. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến Jobs gặp một số rắc rối khi đến trường. Jobs nói: "Tôi cảm thấy nhàm chán, không thấy có thứ gì mới để học trong một vài năm đầu".

Jobs khuây khỏa sự  nhàm chán đó bằng cách luôn nghĩ ra các trò  đùa tinh quái cùng cậu bạn thân Rick Ferrentino. Có lần cả hai dán áp phích khắp nơi với nội dung "Hãy mang thú cưng của bạn tới trường". Kết quả là cảnh tượng hỗn loạn chó mèo chạy đầy trường.

Khi Jobs học lớp ba, những trò nghịch ngợm của ông nguy hiểm dần. "Một lần, tôi để chất nổ dưới ghế cô giáo, khiến cô sợ đến thót tim".

Không có gì ngạc nhiên khi chưa hết lớp 3, Jobs đã bị nhà trường trả về gia đình hai, ba lần. Tuy nhiên, sau đó, cha bắt đầu đối xử với Jobs như một người đặc biệt. Cha mẹ Jobs chưa bao giờ phạt ông vì những trò nghịch hay tội lỗi ông gây ra ở trường.

Từ hồi ấy, tính cách của Jobs đã bắt đầu biểu hiện sự  pha trộn giữa sự nhạy cảm và vô cảm, hài hòa và tách biệt, những đặc tính tạo nên Jobs trong suốt phần đời còn lại.

Lên lớp bốn, Job học cô giáo Imogene Hill, người được ông ưu ái gọi là "một trong những vị thánh của cuộc đời tôi". Sau một vài tuần quan sát Jobs, bà rút ra rằng, cách tốt nhất để kiểm soát Jobs là "hối lộ" cậu bé. Một hôm, sau khi tan học, cô giáo giao bài tập cho Jobs, và hứa tặng Jobs kẹo mút cùng 5 đôla khi cậu giải xong bài tập toán trong quyển sách. Ngay lập tức Jobs làm xong và gửi lại chúng chỉ trong hai ngày. Sau vài tháng, Jobs thậm chí không còn đòi được "hối lộ" mới làm bài tập.

"Tôi học được từ cô nhiều hơn bất kỳ giáo viên nào khác. Nếu không nhờ cô, tôi tin chắc rằng tôi sẽ vẫn mãi hư hỏng, thậm chí có thể bị đi tù". Job tâm sự. "Ở lớp, cô chỉ quan tâm đến một mình tôi. Cô thấy sự khác biệt trong tôi".

Gần cuối lớp bốn, cô  Hill cho Jobs làm bài kiểm tra và theo Jobs thì "Tôi  đã đạt điểm ở mức của một học sinh lớp 7". Nhờ đó, không chỉ Jobs và cha mẹ ông, mà nhà trường cũng phải thừa nhận rằng ông có một trí thông minh khác thường. Nhà trường quyết định cho Jobs vượt hai cấp, học thẳng lên lớp 7. Tuy nhiên, vì thận trọng, cha mẹ Jobs quyết định chỉ cho ông vượt một cấp.

Nhưng bước ngoặt này không êm đẹp như mong đợi. Jobs hay bị bắt nạt, cảm thấy mình là một đứa trẻ cô  đơn, khó khăn trong giao tiếp xã hội, đặc biệt là lạc lõng giữa những đứa trẻ lớn hơn mình một tuổi, với một số nhóm trẻ hung tợn.

Đến khoảng giữa năm lớp bảy, ông quyết định đề nghị cha mẹ được chuyển trường, "đe dọa" sẽ bỏ học nếu không được đáp ứng. Không còn cách nào khác, cha mẹ ông tìm kiếm ngôi trường tốt nhất và vét từng xu có  được để mua một ngôi nhà trị giá 21.000 đôla ở một quận khác tốt hơn.

Jobs bắt  đầu "nghiện" công nghệ  và... ma túy

Lên lớp chín, Jobs chuyển  đến học tại trường trung học Homestead.

Jobs có rất ít bạn đồng trang lứa nhưng ông quen biết một vài người bạn hơn tuổi chịu ảnh hưởng của hệ tư  tưởng chống đối xã hội vào cuối những năm 1960. Jobs nói: "Những người bạn của tôi đều là những đứa trẻ rất đỗi thông minh. Tôi thích toán, khoa học và điện tử và họ cũng vậy. Chúng tôi cùng gia nhập hội LSD (một loại ma túy) và những người chống đối quan niệm và lối sống phổ biến của xã hội đương thời".

Steve Jobs ở tuổi 17

Những trò nghịch ngợm của Jobs sau này chủ yếu liên quan đến điện tử. Một lần, ông trang bị hệ thống loa được kết nối với nhau khắp nhà và tận dụng chúng làm micro thu âm để nghe ngóng được mọi chuyện diễn ra trong nhà, nhưng bị bố mẹ phát hiện và bắt tháo bỏ.

Jobs sau đó đã dành rất nhiều buổi tối "lê la" ở nhà  để xe của Larry Lang, người kỹ sư sống cuối phố khu nhà cũ của ông. Lang đã đưa cho Jobs Heathkits, bộ dụng cụ giúp tự lắp ráp những chiếc radio sơ khai nhất. "Một khi đã tạo ra được vài chiếc radio, bạn cũng có thể tạo ra một chiếc Tivi sau khi xem chúng trên catalogue. Tôi may mắn vì từ khi còn là một đứa trẻ, cả cha tôi và Heathkits đã giúp tôi tin tưởng rằng tôi có thể tạo ra mọi thứ".

Lang cũng cho phép Jobs tới tham dự các buổi gặp mặt của Câu lạc bộ những người khám phá Hewlett-Packard vào mỗi tối thứ Ba. "Tôi như lạc vào thiên đường", Jobs nói. Một tối, Jobs được đưa tới thăm phòng thí nghiệm của HP và đã vô cùng ấn tượng khi chứng kiến HP đang phát triển những chiếc máy vi tính. "Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy chiếc máy tính để bàn là ở tại đây".

Sau một lần "cả  gan" gọi điện đến CEO Bill Hewlett của HP, Jobs được đề nghị về làm tại đây. Jobs nhận công việc này vào mùa hè, ngay sau khi kết thúc năm học đầu tiên tại trường trung học. Công việc chủ yếu của Jobs là "đặt những đai ốc và bu lông vào linh kiện" trong dây chuyền sản suất.

Jobs thích làm việc. Ngoài việc ở công ty, Jobs còn đi giao báo và  trong suốt năm thứ hai trung học, làm nhân viên kho bán thời gian ở cửa hàng điện tử Haltek. Ông thường đi đến những khu chợ đồ điện tử cũ để trao đổi, lấy về bảng mạch điện tử chứa một vài con chip hữu dụng hoặc một số linh kiện khác, sau đó bán lại cho ông chủ ở Haltek.

Với sự giúp  đỡ của cha, Jobs mua được chiếc xe đầu tiên khi mới 15 tuổi. Chỉ trong một năm sau đó, bằng cách làm đủ nghề, Jobs đã tiết kiệm được khoản tiền đủ để đổi chiếc Nash Metropolitan cổ lỗ sang chiếc xe Fiat 850 hai cửa màu đỏ.

Cũng mùa hè năm  đó, giữa năm hai và năm cuối cấp ở trường trung học Homestead, Jobs bắt đầu hút cần sa (marijuana). Đến năm cuối cấp, Jobs sử dụng thêm LSD (một dạng thuốc kích thích) cũng như luôn chìm đắm trong trạng thái mơ màng mất nhận thức đi kèm với chứng thiếu ngủ.

Jobs cũng trưởng thành về nhận thức trong hai năm cuối cấp ở trường trung học. Ông thấy mình đang đứng ở ngã tư đường giữa một bên là sự lựa chọn trở thành một "con mọt" công nghệ, đắm mình trong mớ vi mạch điện tử và một bên là trở thành con người mẫu mực, học tập và sáng tạo theo con đường hàn lâm.

Jobs từng tham gia một khóa học về điện tử do John McCollum, một cựu lính hải quân giảng dạy.

McCollum là người rất coi trọng kỷ luật quân đội cũng như  tôn trọng chính quyền. Nhưng Jobs thì không. Ác cảm với chính quyền áp đặt là điều không bao giờ ông che giấu. Thái độ cùa ông là sự kết hợp giữa sự linh hoạt, dẻo dai đến lập dị cùng sự nổi loạn đến hờ hững. McCollum từng nhận xét: "Jobs thường xuyên thu mình vào một góc làm những việc riêng của thằng bé và thực sự không muốn làm bất cứ thứ gì với tôi hay những đứa trẻ khác trong lớp". Jobs tham gia lớp của thầy McCollum chỉ một năm thay vì ba năm như yêu cầu của khóa học. Trong một dự án của mình, ông đã làm được một thiết bị với hệ thống đèn quang điện mà có thể chuyển mạch khi tiếp xúc với ánh sáng, một thành quả mà không phải bất cứ học sinh trung học nào cũng có thể đạt được.

(Còn tiếp)
  • Walter Isaacson
  • Nhóm dịch AlphaBook
Nguồn: trích lược nội dung Hồi ký Steve Jobs do AlphaBooks xuất bản trong tháng 12. Tên bài và tít phụ do VietNamNet đặt.