- Tốt nghiệp thủ khoa đầu ra ĐH Mỏ  Địa Chất, hiện đang là  giảng viên của trường, Ngọc Dũng đã có những chia sẻ  về lựa chọn “nghề  giáo nghèo” và nỗi niềm chuyện  đưa nhận phong bì ngày 20/11.

Chàng trai đất Hà thành với chiều cao như một người mẫu (1m83) và nụ cười hiền khô này hiện là giảng viên khoa Địa chất, ĐH Mỏ Địa chất HN. Ngọc Dũng tốt nghiệp thủ khoa của trường với điểm trung bình chung học tập là 8,58đ.

Là dân tự nhiên nhưng chàng trai trẻ cũng có tâm hồn rất thơ khi thích thả bộ trên những con phố Phan Đình Phùng, Hồ Tây hay Hoàng Diệu mỗi khi lòng chợt thấy trống vắng. Hàng tuần, dù bận thế nào người Hà Thành ấy đều thu xếp thời gian để một mình lang thang, cà-phê phố cổ.

Chỉ  cần có đam mê

Ra trường, có nhiều lựa chọn, những cơ hội kiếm tiền rộng mở nhưng bạn chọn ở lại khoa. Lương chưa đến 2 triệu đồng/tháng, cộng cả tiền làm thêm thì xấp xỉ 5 triệu đồng, mức thu nhập như bạn vẫn thường nói vui: “Đến bà trông giữ trẻ còn cao hơn lương tháng của giảng viên như mình. Tháng tháng, mình vẫn phải có “lương của gia đình” phụ giúp”.

Lí do để bạn lựa chọn làm giảng viên, theo Ngọc Dũng: “Các bạn thủ khoa ra ngoài làm có thể lương cả  ngàn USD/tháng. Làm trong Nhà nước, cái được lớn nhất của mình là có cơ hội học tập, nghiên cứu”.  

Niềm  đam mê khoa học cũng đã được Ngọc Dũng càng được tiếp thêm “lửa” trước chia sẻ  ý nghĩa của GS Ngô Bảo Châu khi anh tới chúc mừng các tân thủ khoa đầu ra tại Văn Miếu rằng: “Hãy sống sao cho đúng điều mình muốn”.

Một lý do quan trọng nữa lãnh đạo (trưởng khoa) mình là người cầu tiền, công bằng và cởi mở. Điều đó thật tuyệt vời. Nhiều cơ quan khác để có được điều này (môi trường cởi mở) là rất khó, nếu không nói là kìm kẹp những người trẻ như SV mới ra trường”.

Nói như  vậy nhưng như Ngọc Dũng: “Đừng bao giờ nói những người đặc biệt là thủ khoa như mình không quan tâm tới tiền lương. Điều đó còn thể  hiện sự trả công xứng đáng cho những gì  anh đóng góp”. Với bản thân, vì xác định được con đường theo nghiên cứu khoa học nên chàng giảng viên trẻ không hối tiếc khi chọn nghề giáo.  

Thời gian SV, Ngọc Dũng tận dụng tối đa khi tham gia nghiên cứu khoa học từ năm đầu để được cọ  sát, tiếp cận kinh nghiệm công việc, công nghệ mới. Chàng sinh viên Hà Thành còn xây dựng những mục tiêu ngắn và dài hạn, quyết tâm đạt được nó.

Còn nhiều lắm những nhà giáo tâm huyết

Tâm sự  về ngày nhà giáo và câu chuyện “phong bì”, Ngọc Dũng cho rằng: “Phụ huynh đưa phong bì  cũng là không tôn trọng nhà giáo. Mình tin rằng còn nhiều lắm những người không cần, không mong đợi ngày này hay dịp nào đó chỉ để nhận phong bì của người học hay phụ huynh đâu”.

“Mình chia sẻ chuyện nghề giáo hiện còn nhiều khó khăn, mình cũng là ví dụ, cũng phải xoay đủ cách để sống đấy. Những khi thực sự có tâm huyết thì anh sẽ hiểu và hành động cho xứng với nghề cao quý trong những nghề cao quý mà xã hội đã tặng cho”.

Với suy nghĩ  của một người trẻ, Ngọc Dũng cho rằng: “Sẽ không còn chuyện đó (đưa-nhận phong bì) nếu lương đủ cho chúng ta nuôi sống gia đình. Cơ chế tăng cấp bậc, tiền theo thâm niên như bây giờ cũng cần bỏ đi để trả theo hiệu quả công việc”.

Tâm sự  về ngành giáo dục nước nhà, chàng giảng viên trẻ  cũng không khỏi ưu tư: “Giáo dục VN cứ đổi thay từng ngày, tư duy theo nhiệm kỳ. Mà như  một vị nào đã từng nói: đừng biến con em chúng ta thành những con chuột bạch để thí nhiệm cách làm của anh”.

Một lời nhắn nhủ của chàng giảng viên trẻ nhân ngày 20/11: “Mong mọi người có thái độ và động cơ đúng khi đi học”.  
  • Văn Chung