- 3 tuổi, Nguyễn Hiền đã đỗ Trạng. Nhưng đó là chuyện của...gần 1.000 năm về trước. Việt Nam chưa có trường hợp nào bỏ qua một vài năm học phổ thông để theo học chương trình ĐH, dù quy chế thi tuyển sinh không giới hạn độ tuổi. Chỉ ra nước ngoài, HS Việt Nam mới có cơ hội học vượt.

19 tuổi tốt nghiệp đại học

Theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, hệ thống giáo dục phổ thông của Anh không nhất thiết bắt buộc học sinh đến trường. Các em có thể học ở nhà và đăng ký thi để lấy chứng nhận "đã tốt nghiệp THPT" từ tổ chức của nhà nước là được dự thi ĐH. Tổ chức đó là những đơn vị khảo thí. Do đó, họ không đặt vấn đề cho phép học sớm hay học muộn.

Singapore cũng dựa trên hệ thống giáo dục phổ thông của Anh và xây dựng 1 hệ thống giống thế với sự hợp tác của bộ phận khảo thí của Anh. Như vậy, 1 HS phổ thông của Singapore có thể đăng ký học và thi theo kiểu của Anh hoặc thi theo mô hình của Singapore...

Cuối năm 2006, cô bé Việt Nam Nguyễn Hải Ly đã học xong chương trình ĐH RMIT tại Việt Nam khi 19 tuổi.

Trước đó, hành trình rút ngắn thời gian học của em được diễn ra ở nước ngoài. Năm 15 tuổi, Ly theo cha mẹ sang Matxcơva sinh sống khi đang học dở dang lớp 10 tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM).

Hải Ly đã vượt qua kỳ thi kiểm tra đầu vào và nhập học tại trường International School of Tomorrow (IST) - một trường trung học quốc tế Mỹ, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chỉ trong vòng 1 năm, em đã hoàn tất chương trình cấp 3 khi chưa tròn 16 tuổi và sau đó, trúng tuyển vào Trường ĐH Touro (trường của Mỹ tại Nga).

Hết nửa năm, Ly về nước và vượt qua kỳ thi IELTS với điểm 7.0, được tiếp nhận vào học khoa Cử nhân thương mại Trường ĐH RMIT Việt Nam. Tại đây, Ly út ngắn được thời gian học tập và đã tốt nghiệp khi vừa tròn 19 tuổi với học lực đạt top 15% của sinh viên RMIT toàn cầu.

Ở Việt Nam, ông Cao Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho rằng, chưa có hiện tượng "13 tuổi vào ĐH" là do nhiều nguyên nhân như: điều kiện xã hội, quy định về tuổi đi học, khoa học về tâm lý, về tài năng... chưa phát triển. Độ tuổi học sinh ở từng cấp học được quy định nghiêm ngặt trong điều lệ các trường THCS, THPT...

Vì vậy, nếu có học sinh thông minh, các em cũng chỉ học giỏi hơn so với các bạn cùng lứa tuổi mà không có cơ hội vượt lớp. Việc học của HS phổ thông là học theo niên khóa chứ không theo tín chỉ. Không có hệ thống kiểm định độc lập đối với từng lớp học, từng cấp học. Nhà nước chỉ công nhận kết quả học tập tại trường mà không công nhận kết quả tự học ở nhà đối với HS phổ thông.

Ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết thêm, phải học hết chương trình phổ thông... thì mới đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp.


Tuy nhiên, hình thức theo học có thể là chương trình giáo dục thường xuyên (trong đó, người học có thể học ở trung tâm hoặc tự học...), giáo dục phổ thông hoặc giáo dục cộng đồng. Dù là hình thức nào, học sinh cũng phải được nhà trường hay trung tâm công nhận đủ điều kiện tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Còn theo ông Đỗ Thanh Duy, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành không có điều nào "cấm" học và thi ĐH. Cũng không có quy định 10 tuổi không được học ĐH hay 20 tuổi mới được thi. Tuy nhiên, điều kiện để tham gia thi ĐH, CĐ phải là công dân Việt Nam, đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

Học theo tín chỉ mới "xuất hiện" vượt lớp
Ông Tùng cho rằng, giáo dục phổ thông của Việt Nam chưa tách bạch được "dạy và thi" nên không đo được hiệu quả cuối cùng. Có thêm hình thức học và nhà nước tổ chức thi thì việc học mới phong phú và học sinh học "đường" nào cũng được: trong nhà trường, ở nhà tự học... nếu thi đạt thì được công nhận.

Khi có tổ chức độc lập kiêm khâu tổ chức thi và cấp chứng chỉ công nhận thì sẽ có những HS có khả năng trước tuổi, không nhất thiết phải học đủ thời gian quy định.

Còn ông Hùng phân tích, nếu có hệ thống kiểm định đánh giá độc lập, khách quan và chương trình học theo tín chỉ, từ đó đa dạng hóa các hình thức học thì có thể xuất hiện nhiều học sinh học vượt lớp và vào ĐH trước tuổi.

Cách đây mấy năm, ông Trần Phương (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ, thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) được biết tới với câu chuyện tổ chức cho HS lớp 6 thi thử đề đại học.

Ông Phương cho rằng, học sinh giỏi chỉ cần làm việc trong 2 năm (lớp 5, 6) trong cơ chế 1 trường hoặc trung tâm đào tạo riêng thì 13 tuổi học ĐH là bình thường.

Việt Nam cũng có thể hình thành một trường chọn nhân tài từ lớp 1 và học theo chương trình tài năng với công nghệ giảng dạy thay đổi. Hệ thống các trường chuyên hiện nay của ta đã lạc hậu, chỉ là hình thức nối dài A thành A "phẩy".

Ông Phương đề nghị một chương trình gồm 4 môn học: Ngôn ngữ (tiếng Việt - tiếng Anh); môn Khám phá thế giới (tổng hòa các môn Lịch sử, Địa lý, Nghệ thuật, xã hội học và được giảng dạy thông qua các đoạn phim tài liệu đã được chắt lọc theo chủ đề); môn Toán (chương trình mới, cách tiếp cận mới được xâu chuỗi hướng đến tính kết nối, hội nhập mà chương trình hiện nay còn nặng về lý thuyết) và sau cùng là môn Công nghệ thông tin.

Từ lớp 6, có thể dạy thêm môn Kinh tế học. Cần phải dạy cho trẻ con biết thế nào là khủng hoảng, là chỉ số chứng khoán vì đó là những khái niệm được đề cập đến trong đời sống hàng ngày với tần suất lớn.

Cũng như phần đông ý kiến của phụ huynh và HS khi vượt cấp vào ĐH, ông Phương cho rằng, vấn đề lớn là câu chuyện "thích nghi". Ở tập thể, giữa các anh chị lớn hơn 4 - 5 tuổi, những trường hợp đặc biệt này sẽ phải điều chỉnh lại hành vi cho phù hợp với thói quen của đám đông. Mà điều này đối với học sinh giỏi thì các em khá ngại điều chỉnh các điều "vớ vẩn" nên độ kiên nhẫn để duy trì là khó.

Cô Phùng Kim Dung, giáo viên Toán Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, về tâm sinh lý thì ở nước ngoài thuận hơn, còn ở Việt Nam thành công sớm quá tâm lý sẽ không được bình thường. Còn ông Trần Phương thì thẳng thắn, ở Việt Nam nổi sớm quá dễ bị... ghét.

Tuổi học sinh trường trung học: vào lớp sáu THCS: từ 11 đến 13 tuổi; vào lớp mười THPT: từ 15 đến 17 tuổi.
Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp nếu được nhà trường đề nghị và theo các quy định sau:
a) Việc cho học vượt lớp chỉ áp dụng trong phạm vi cấp học. b) Học trước một tuổi do giám đốc sở giáo dục và đào tạo cho phép căn cứ vào đề nghị của phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện (đối với học sinh trường trung học có cấp học cao nhất là THCS) và đề nghị của trường trung học có cấp THPT (đối với học sinh trường trung học có cấp THPT). c) Trường hợp học vượt lớp và trường hợp học trước tuổi ngoài quy định tại điểm a và điểm b trên, phải được Giám đốc sở GD-ĐT đề nghị và được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép.
(Theo điều 37 của Điều lệ Trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp.


  • Bảo Anh - Kiều Oanh