- Phiên trả lời chất vất của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khép lại với nhiều bức xúc được mở ra nhưng câu trả lời được nhìn nhận chưa thuyết phục. Dù đã nhận việc từ chối bằng tại chức và ngoài công lâp của một số địa phương khiến "tư lệnh ngành" phải chấn chỉnh và củng cố lại chất lượng. Nhưng những giải pháp đưa ra chưa nhận được sự đồng thuận của Quốc hội và các đại biểu.

Tại phiên chất vấn sáng 24/11 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhìn nhận: "Từ thực tiễn một số địa phương từ chối bằng tại chức và bằng của trường ngoài công lập. Những người làm quản lý giáo dục như chúng tôi thì đây cũng là một tiếng chuông cảnh báo nghiêm túc để phải xem xét, chấn chỉnh, củng cố lại chất lượng đào tạo"


ĐB Trần Minh Diệu đang chất vấn Bộ trưởng Giáo dục.

"Chúng tôi rất nhất trí với ý kiến đại biểu là đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo" - Bộ trưởng nói.

Dù vậy nhiều ý kiến cho rằng, phần trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục vẫn chưa thuyết phục trước các câu chất vấn về những vấn đề nóng của giáo dục đào tạo. 

Giải pháp đang nghiên cứu

Trước nhiều câu hỏi dồn dập xoay quanh vấn đề nâng chất lượng giáo dục và những giải pháp, Bộ trưởng đành phải khất ĐB Nguyễn Thành Tâm khi ĐB nêu câu hỏi "đã tiến hành kiểm tra bao nhiêu phần trăm các nhà trường?". Ông nói trước nghị trường "trong tay tôi không có số liệu thống kê về việc đã kiểm tra được bao nhiêu nhà trường, chỉ xin nói con số gần đây là chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và dừng tuyển sinh của 2 trường ĐH một năm, năm tuyển sinh 2010 đã dừng tuyển sinh của 2 trường ĐH".

Mặt khác, trong năm vừa Bộ đã ra quyết định đình chỉ tuyển sinh, đóng ngành tuyển sinh tiến sỹ đối với 101 chuyên ngành, đối với những chuyên ngành không đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Việc phải tạm dừng do các chuyên ngành này chưa đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cán bộ khoa học, cần có thời gian để củng cố và bổ sung đội ngũ.

Trong danh sách 35 cơ sở có chuyên ngành đào tạo tiến sĩ chưa đủ điều kiện nói trên có cả những trường ĐH lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y - dược TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ĐH Kiến trúc TP.HCM...

Thời gian tạm dừng tuyển sinh đào tạo được Bộ GD-ĐT cho biết kéo dài hai năm (2010 và 2011). Trước ngày 15/5/2012, nếu các cơ sở đào tạo có chuyên ngành đào tạo tiến sĩ phải tạm dừng tuyển sinh có đủ điều kiện cán bộ khoa học theo quy định sẽ báo cáo bộ xem xét cho tuyển sinh lại.

Những động thái tiếp theo nhằm chấn chỉnh, nâng chất lượng giáo dục được Bộ trưởng tiết lộ: đang triển khai tiếp ở 20 trường sau đợt này thì sẽ có thông báo xử lý công khai đối với trường không có điều kiện đảm bảo chất lượng.

Về chính sách giáo viên sư phạm thì Bộ GD-ĐT đang xem xét, tính toán các điều kiện để đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội để có chính sách mới có đủ độ mạnh để giải quyết việc thu hút các cháu vào các trường sư phạm và một số ngành khoa học xã hội nhân văn, ngành khoa học cơ bản và các ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang rất cần.

Nhiều bức xúc còn bỏ ngỏ?

Dù kết thúc phiên chất vấn vẫn còn nhiều bức xúc còn bỏ ngỏ, khi đại biểu (ĐB) Đoàn Nguyễn Thùy Trang - TP.HCM nói "những giải pháp giải quyết sự sa sút của ngành khoa học xã hội và nhân văn và một số ngành khác Bộ trưởng nêu vẫn chưa giải quyết được căn cơ vấn đề này".

Còn ĐB Trần Du Lịch - TP.HCM thẳng thắn, qua trả lời chất vấn của Bộ trưởng về liên quan tới chất lượng giáo dục dường như Bộ trưởng chưa có thừa nhận chất lượng thấp của đầu ra ĐH. Nếu như không nhìn thực trạng này thì chúng ta không giải thích được, không giải quyết vấn đề căn bản và toàn diện...

Nhiều nội dung đại biểu hỏi thẳng nhưng được Bộ trưởng trả lời vòng vo khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải nhắc đi nhắc  lại "đề nghị Bộ trưởng đi thẳng vào nội dung hỏi..."

ĐB Lê Thanh Vân - TP Hải Phòng và ĐB Lê Thị Tám - Nghệ An cùng đề xuất: Trước thực trạng của nền giáo dục nước nhà hiện nay Bộ trưởng có ý định xây dựng một đề án tái cấu trúc lại nền giáo dục nước ta hay không? Nền kinh tế đất nước ta đang đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc lại. Vậy nền giáo dục đào tạo của nước nhà có phải điều chỉnh gì cho phù hợp với chiến lược tái cấu trúc nền kinh tế đất nước hay không?

Và còn rất nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến bậc mầm non, phổ thông được đặt ra nhưng đều chưa có câu trả lời thỏa đáng.

"Lại một lần nữa Quốc hội, Bộ trưởng và Phó Thủ tướng đều thừa nhận chất lượng giáo dục và đào tạo của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. So sánh với các nước trong khu vực và quốc tế về trình độ chung giáo dục và đào tạo, chúng ta còn ở mức thấp, mức thấp này thể hiện cả ở bậc mầm non, bậc tiểu học, bậc trung học cơ sở, bậc trung học phổ thông và kể cả ĐH" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

  • Nguyễn Hiền