Quân đội đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ đất nước, và việc ứng dụng IOT để quản lý sức khỏe, tiện lợi cứu hộ cho người lính ở mọi miền đất nước, trong mọi vị trí chiến đấu lúc thi hành nhiệm vụ là vô cùng cần thiết.
Với mong muốn tạo ra một thiết bị cung cấp thông tin chính xác về các chỉ số sinh tồn cơ bản như số nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, nồng độ oxi trong máu,... và đồng thời xác định toạ độ, vị trí của người lính, đặc biệt ở những khu vực biên giới, hải đảo hẻo lánh, địa hình phức tạp, nguy hiểm,... nhóm 5 học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã nghiên cứu thành công sản phẩm “Hệ thống theo dõi sức khoẻ và vị trí của người lính”.
Các thành viên của nhóm gồm Nguyễn Anh Hoàng Ân, Hoàng Xuân Long, Nguyễn Đức Phong, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Cảnh Thái. Cả 5 em đều là học sinh lớp 11A1 Lý, Trường THPT Khoa học Tự nhiên
Theo đó, tất cả những thông tin về các chỉ số sinh tồn sẽ được tổng hợp lại với một vi điều khiển, sau đó được đẩy lên máy chủ, dưới sự quản lý, theo dõi của cơ quan có thẩm quyền. Các giám sát viên và người dùng có thể truy cập trên máy tính cá nhân hoặc truy cập trên điện thoại để theo dõi, cập nhật liên tục, thường xuyên các thông tin về sức khỏe của người lính.
Nguyễn Đức Minh, thành viên phụ trách thiết kế phần mềm cho biết, nhóm vẫn đang tiếp tục cải thiện, nâng cấp, mở rộng thêm một số tính năng mới như: Theo dõi thêm các chỉ số khác về sức khỏe trên thiết bị một cách dễ dàng, chính xác hơn; thêm chức năng nhận lệnh bằng tin nhắn từ chỉ huy và có thể di chuyển đảm bảo an toàn cho đồng đội; tăng cường hệ thống bảo mật của server và hiển thị thêm các thông số về khu vực an toàn lân cận; nâng cấp chất lượng linh kiện để sản phẩm gọn nhẹ, giúp người lính thuận lợi hơn khi di chuyển trên chiến trường.
Theo các thành viên của nhóm, hệ thống theo dõi sức khoẻ và vị trí của người lính có ưu điểm vượt trội như kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu bất thường đe doạ đến sự an toàn, tính mạng của người lính để có kế hoạch hỗ trợ điều trị và giải cứu kịp thời trong mọi tình huống.
Trong trường hợp khẩn cấp (thông số ở mức báo động), chiếc còi chip trong sản phẩm sẽ được kích hoạt để báo hiệu về các vấn đề người lính đang gặp phải và dữ liệu sẽ được báo ngay tới người chỉ huy.
Sản phẩm hoàn thành cũng đã được nhóm thử nghiệm trên 10 người ở những điều kiện khác nhau. Kết quả cho thấy, thiết bị đã đạt được những mục tiêu mà nhóm đề ra như hiển thị được những thông tin sức khỏe và vị trí của người lính, đã tích hợp thêm những tính năng cơ bản phù hợp với những người lính.
Với hình thức thiết kế phù hợp, nhỏ gọn khi đeo trên bắp tay để người lính có thể di chuyển dễ dàng, thuận tiện trong các điều kiện trên chiến trường.
Chia sẻ về quá trình thực hiện nghiên cứu, Ths. Phạm Văn Khương cho biết, chỉ trong thời gian rất ngắn từ ngày 5/2 đến ngày 10/8, nhóm nghiên cứu đã thực hiện được khối lượng công việc rất lớn, từ khâu rèn luyện kỹ năng lập trình, kỹ năng thiết kế mạch điện tử, chuẩn bị các linh kiện cần thiết để hoàn thiện sản phẩm.
Nhóm đã nắm bắt được kỹ thuật lập trình bằng ngôn ngữ C, C++ để lập trình nhúng cho hệ thống sản phẩm và có khả năng viết app ứng dụng; đồng thời nhóm học sinh cũng nắm chắc được các kỹ năng thiết kế mạch điện tử và vẽ thiết kế 3D cho vỏ sản phẩm.
Sản phẩm của nhóm làm ra có tính ứng dụng và ổn định cao, giúp hỗ trợ việc giám sát sức khoẻ cũng như những vấn đề bất thường xảy ra với người lính.
“Các kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu sẽ khuyến khích học sinh tham gia trải nghiệm thực tế và nghiên cứu khoa học, thông qua việc thực hiện các đề tài dự án mang tính ứng dụng thực tế”, Ths. Phạm Văn Khương nói.
AI-JAM (International Association for the Promotion of Advanced Innovation) là cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Quốc tế được tổ chức thường niên tại Silicon Valley, Mỹ, do tập đoàn AI-JAM US và Hacker Dojo bảo trợ. AI-JAM tạo ra sân chơi trí tuệ cho những thí sinh đam mê nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới. Những thí sinh xuất sắc nhất có thể chia sẻ ý tưởng của mình với các nhà lãnh đạo công nghệ tiên tiến trên thế giới. |
Thùy Dương
Điều đặc biệt ở 'cánh tay robot' đạt giải quốc tế của học trò Bắc Ninh
Sáng chế "Cánh tay robot cho người khuyết tật" của Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An (lớp 11A4, Trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh) là dự án duy nhất của học sinh Việt Nam giành giải chính thức ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2021.