- Khi chúng tôi đặt vấn đề “13 tuổi có thể dự thi vào ĐH ở Việt Nam”, cả cô giáo cũng như phụ huynh đều cho rằng, họ ủng hộ việc đó và không lo ngại gì về việc có theo được kiến thức hay không.
HS trong một cuộc thi vui "Trạng Nguyên nhỏ tuổi"


Không ngại “vênh” kiến thức

Tháng 6/2009, Moshe Kai Cavalin, 11 tuổi, người Mỹ gốc Trung Quốc đã tốt nghiệp ĐH cộng đồng ở Los Angeles. Năm 2007, Mikaela Irene Fudolig, 16 tuổi, đã trở thành sinh viên trẻ nhất tốt nghiệp Trường ĐH Quốc gia Philippin. Cuối năm 2006, cô bé Việt Nam Nguyễn Hải Ly, lúc đó 19 tuổi, cũng đã học xong chương trình ĐH RMIT tại Việt Nam.

Gần đây, tháng 11/2009, cậu bé người Singapore Muhammad Haikal Abdullah Zain đã xuất sắc vượt qua kì thi A-level (chứng chỉ giáo dục phổ thông cao cấp) do hội đồng Anh tổ chức khi còn chưa tròn 13 tuổi và dự định nộp đơn vào khoa Y, Trường ĐH Quốc gia Singapore.

Khi chúng tôi đặt vấn đề “13 tuổi có thể dự thi vào ĐH ở Việt Nam”, cả cô giáo cũng như phụ huynh đều cho rằng, họ ủng hộ việc đó và không lo ngại gì về việc có theo được kiến thức hay không.

“Em cũng sẽ học được và mong muốn điều đó” - Cao Hải Nam, HS lớp 6 Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết.
Kết quả học kỳ 1 vừa rồi của Nam ở trường đạt trung bình 9,2. Riêng môn Toán đạt 9,9, môn Lý 9,2 và đã đạt các thành tích: giải nhất Toán Châu Á - Thái Bình Dương, giải nhất cuộc thi “Thần đồng Đất Việt”, giải nhì Tin học trẻ không chuyên toàn quốc năm 2008. Do đó, khi đặt câu hỏi “13 tuổi vào ĐH”, Nam rất tự tin là mình có thể học vượt lớp.

Cũng trong tâm lý đó, Nguyễn Nam Anh (HS lớp 6 Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, em có thể thi được kỳ thi vào ĐH. Điểm Toán hiện nay của em là 9,6 và môn “ngại” học nhất là Văn, chỉ đạt gần 8,0. Nam Anh cho biết, em có khả năng tự học những môn đã học. Còn môn chưa học bao giờ sẽ phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ hoặc thầy cô.
Tuy nhiên, Nam Anh còn e ngại, nếu vào môi trường ĐH quá sớm, sẽ gặp khó khăn khi tiếp xúc với các anh chị lớn trong lớp, có thể mọi người thấy mình bé sẽ không hỏi thăm đến.

Còn với Hải Nam, điều mà em lo lắng nhất không phải là không theo được kiến thức môn học mà lo ít tuổi hơn dễ bị bắt nạt hay các anh chị sẽ không cùng sở thích với mình. Hải Nam đặc biệt lo ngại về kiến thức xã hội sẽ không bằng cách anh chị.
Hiện nay, cả Hải Nam và Nam Anh đều đang theo học Toán phụ đạo và học tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ. Mong ước của 2 em là học hết cấp 2 ở Việt Nam, sẽ xin học bổng đi du học ở Mỹ.

“Chỉ khi nào không xin được học bổng đi du học em mới chịu học ở Việt Nam”, Hải Nam nói rõ. Lúc đó, em sẽ thi khối A và ước mơ trở thành kỹ sư máy tính. Còn Nam Anh cũng thi khối A và mong muốn trở thành một nhà kinh doanh.

Mặc dù còn e ngại khi hòa nhập môi trường ĐH ở tuổi quá sớm nhưng cả Hải Nam và Nam Anh vẫn tự tin là sẽ cố gắng đạt được thành tích tốt để thầy cô và các anh chị tin vào khả năng của mình, là mình học vượt xứng đáng. Kết thúc học sớm sẽ có nhiều thời gian để theo đuổi ước mơ.

Ủng hộ nhưng không “ép chín”
Ông Nguyễn Quang Hùng - bố của Nam Anh - là ủng hộ việc học vượt nếu con đủ khả năng, nhưng cũng không kỳ vọng, vì như vậy sẽ tạo ra sức ép cho con. Điều mà ông quan tâm là làm sao để trẻ đưa kiến thức vào cuộc sống mà kiến thức xã hội thì cần phải có quá trình tích lũy.

Ông Hùng cho rằng, học vượt lớp đối với các môn khoa học (như Toán, Lý, Hóa) có thể đảm bảo được nhưng về xã hội thì khó do kỹ năng sống của các cháu 13 tuổi chưa thể bằng 18 tuổi.

Ngoài tâm lý lo lắng về kiến thức xã hội, là người công tác ở một trường ĐH, ông Hùng băn khoăn khi một đứa trẻ 13 trong môi trường 18 sẽ trở nên “già trước tuổi”. Hơn nữa, lứa tuổi 13 đang ở độ tuổi ăn, tuổi chơi, đưa cuộc sống tuổi lớn hơn vào sớm thì sẽ trở nên phức tạp đối với trẻ.

Cũng đi theo chiều hướng ủng hộ nếu HS tự học được vượt cấp và phản đối việc “chín ép” là quan điểm của cô Phùng Kim Dung (giáo viên Toán Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam).
Cô Dung cho rằng, nếu 13 tuổi vào ĐH làm được thì rất tốt nhưng phải để HS tự học và ham học chứ không phải nhờ thầy cô “ép” giỏi.

“Dạy HS giỏi và HS bình thường khác nhau rất nhiều và các em dư khả năng học trước chương trình. Do đó, để học vượt cấp và vượt qua kỳ thi vào ĐH có lẽ không khó đối với các em này”, cô Dung nhận xét.

Trong kỳ thi ĐH năm 2007, có 5 HS lớp 6 giải thử đề thi Toán tuyển sinh và đạt kết quả trung bình gần 8 điểm/bài. Hiện nay, 2 trong số đó đã đi du học ở Singapore và Hàn Quốc, còn Nguyễn Đặng Hải vẫn đang là HS lớp 9 Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam với mơ ước đi du học Mỹ.

Mẹ của Hải - chị Nguyễn Hòa là giáo viên Toán, Trường THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng muốn con học vượt lớp nếu tự học được và thời gian cho phép, nhưng quan điểm cũng rất rõ ràng là không tạo áp lực mà để con tự quyết định theo khả năng.

Chị Hòa đã nhận xét về con trai mình, không chăm chỉ học nhưng tiếp thu bài rất nhanh và tốt. Kết quả thi thử cũng tốt cho con nhưng sau đó vẫn phải trở lại guồng quay của việc học như bình thường. Cuối năm 2009, Hải đã đạt Huy chương Đồng trong Cuộc thi Olympic Khoa học trẻ Quốc tế tại Azerbaijan. Hải cho biết, em dự định sẽ theo chuyên ngành Hóa học.

“Ải” tốt nghiệp THPT
Ông Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) rất băn khoăn khi đề cập đến chuyện “13 tuổi vào ĐH”.

Theo ông, các nước trên thế giới đã xảy ra chuyện này nhưng không phải phổ biến, còn ở Việt Nam chưa thấy nói đến quy định học vượt. HS Việt Nam muốn tham gia kỳ thi ĐH buộc phải có bằng tốt nghiệp THPT với 6 môn thi như hiện nay. Còn các môn không thi (khoảng 6 môn) thì phải có kiểm tra và ghi học bạ. Nếu không, HS sẽ không học.

“Nếu nói 13 tuổi thi vào ĐH và sẽ đặc cách một số môn cho lớp “thần đồng” thì HS chỉ tập trung vào 3 môn Toán, Lý, Hóa. Tôi phản đối chuyện đó! Vì sẽ có một bộ phận HS chưa hẳn đạt được trình độ giỏi sẽ tìm cách “lọt” vào lớp này và như vậy không phản ánh đúng thực chất”, ông Cương nói.

Thầy cũng cho rằng, 12 tuổi học với 17 tuổi cũng được, nếu các em có khả năng “học nhảy” lớp 3 lên lớp 5, lớp 8 lên lớp 10 và đảm bảo chương trình các môn học như bao HS khác.

Bài 2: Chuyện 13 tuổi thẳng tiến vào đại học: Việt Nam đã có thông lệ?

  • Bảo Anh