Thầy Nguyễn Sơn Hải là giáo viên Trường Tiểu học Phạm Công Bình, Vĩnh Phúc. Ra trường và đi dạy đã hơn 1 năm với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, thầy giáo trẻ này đã không dám... cưới vợ.


Ảnh có tính chất minh họa.

Tất bật trong cái nghèo

Cô giáo Đinh Thu Hiền (giáo viên một trường THCS ở Vĩnh Phúc) đi làm đã 8 năm. Lúc đó may mắn cô thi được vào công chức rồi dạy học tại một trường cấp 2 gần nhà. Lúc đầu lương chỉ có 650.000 kể cả tiền lương và phụ cấp các loại. Sau 8 năm đi làm, kể cả tiền thâm niên nghề nghiệp, tiền đứng lớp, tiền dạy thêm giờ, thu nhập hàng tháng của cô khoảng gần 3 triệu đồng. Số tiền đó không đủ để trang trải cuộc sống với hai con nhỏ và bố mẹ già, cô Hiền buộc phải nhận thêm mấy sào ruộng của anh em họ hàng về làm thêm cho có đồng ra đồng vào. Sáng mở mắt ra là lợn gà cám bã, cơm nước xong xuôi cho con cái, rồi tất bật đến trường dạy. Chiều nào không lên lớp thì ra đồng làm, hoặc lại lụi cụi ngoài ao. Tối đến cơm nước cho con xong lại cuống cuồng soạn giáo án.

"Nhiều khi thiếu thốn, cũng đã nghĩ đến chuyện mở sạp rau bán ngoài chợ, có khi thu nhập lại cao hơn nhiều. Nhưng cứ nghĩ đến búa rìu dư luận khi mình bỏ nghề dạy học đi buôn, lại thôi. Trong môi trường giáo viên, mình cũng sẽ được nhìn nhận tốt hơn so với những ngành nghề khác. Với lại khó khăn là thế, nhìn xuống cũng có nhiều người không được như mình mà họ vẫn sống được. Thôi thì đã theo cái nghề này cũng phải cố thôi", cô giáo Đinh Thu Hiền trầm ngâm.

Thầy Nguyễn Sơn Hải là giáo viên Trường Tiểu học Phạm Công Bình, Vĩnh Phúc. Ra trường và đi dạy đã hơn 1 năm. Với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, thầy giáo trẻ này đã không dám... cưới vợ. "Em có người yêu từ thời sinh viên, hứa hẹn ra trường công việc ổn định sẽ cưới. Nhưng đi làm, lương quá thấp, không đủ tiền tiêu vặt và tiền xăng xe đi lại, vẫn phải ăn cơm của bố mẹ, nên không có tiền cưới vợ. Công việc không quá vất vả, nhưng con trai phải làm trụ cột gia đình. Nếu chỉ với những mức lương thế này, em không biết xoay sở ra sao", thầy giáo Nguyễn Sơn Hải chia sẻ.

Nhiều áp lực

“Nhiều khi con cái hư nhưng các bậc phụ huynh lại nhất định bênh vực, bao che, cho là cô giáo trù úm, đến khi có chuyện đáng tiếc xảy ra thì đã muộn. Lại có những gia đình cho rằng, việc giáo dục, dạy dỗ là của nhà trường nên giao phó cho thầy cô, đến khi con sa ngã vào những thói tật xấu thì lại đổ lỗi cho nhà trường. Tất nhiên, giáo viên không né tránh trách nhiệm giáo dục của mình, nhưng nhất thiết phải có sự kết hợp của cả gia đình, chứ không thể đặt cả gánh nặng này lên thầy cô giáo". Cô Vũ Thị Liên (Trường THPT Hòa Bình, Hòa Bình).

Là giáo viên có thâm niên gần 30 năm, cô Lê Thị Huyền, Trường THCS Hội Xá (Gia Lâm, Hà Nội) tâm sự: Trước đây giáo viên sau giờ lên lớp vẫn lội ruộng bì bõm. Giờ cuộc sống khá hơn, nghề giáo cũng không thể giàu. Cái khó cái khổ của nghề giáo còn là lúc nào cũng phải giữ hình ảnh của mình. Giáo viên có ghê gớm mấy ra chợ cũng không thể to tiếng mặc cả, về nhà cũng không thể to tiếng cãi vã với ai. Lúc nào cũng phải chuẩn mực, nhất là những cô giáo làng. Cô Vũ Thị Liên, Trường THPT Hòa Bình, Hòa Bình cho rằng áp lực công việc nào cũng có.

Công việc của giáo viên có đối tượng tiếp xúc là trẻ trong độ tuổi đến trường, nhất là ở cấp 2, cấp 3, tuổi mới lớn khiến cho các em dễ có những suy nghĩ, hành động bất thường, thể hiện cá tính mạnh mẽ, thích học theo người lớn nhưng lại vẫn nông nổi kiểu trẻ con. Chính điều này làm cho công việc giảng dạy của giáo viên vừa thú vị hơn, nhưng cũng vất vả hơn khi phải vừa dạy vừa dỗ các em. Nếu chỉ đơn giản làm tròn trách nhiệm giảng dạy thôi cũng đã không đơn giản, mà trong tương tác với học sinh, giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, còn phải làm sao để các em biết lắng nghe, tôn trọng, tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với mình. Đây là một áp lực rất lớn, không phải ai khác mà chính người giáo viên tự đặt ra cho mình, và phải làm được bằng chính tấm lòng, tình cảm của mình.

  • Theo VTC News