- Trò chuyện với sinh viên và một MC Cù Trọng Xoay hóm hỉnh, GS vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận đã mở lòng mình khi nói về cuộc sống riêng của bản thân, sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi về lĩnh vực ông đang nghiên cứu hay mối quan hệ giữa thiên văn với các tôn giáo.



GS Trịnh Xuân Thuận trò chuyện với sinh viên Trường ĐH FPT

Hội trường với gần 300 chỗ ngồi của ĐH FPT tối 8/12 nơi diễn ra buổi nói chuyện với tên gọi “Con người ở đâu trong vũ trụ?” của GS Trịnh Xuân Thuận không còn một chỗ trống.

Mở đầu buổi nói chuyện một thông tin được MC, GS Chu Hảo và “xác nhận” vui vẻ của GS Trịnh Xuân Thuận rằng dù đam mê bầu trời và các vì sao nhưng mãi đến tuổi ngoại lục tuần (năm 2009) vị GS đáng kính mới bị “tiếng sét ái tình” tìm đến.

Nói về con đường dẫn mình đến với ngành khoa học nghiên cứu về vũ trụ, nhà khoa học mê bầu trời tâm sự: “Hồi nhỏ tôi rất muốn tìm hiểu về vũ trụ và đặt ra nhiều câu hỏi tại sao. Tôi muốn trở thành nhà vật lý và nghĩ phải chọn một trường thật nổi tiếng để theo học”.

19 tuổi, được ngước nhìn bầu trời qua kính thiên văn nhìn xa nhất trong vũ trụ, cảm xúc với một người trẻ như ông “thật mạnh mẽ”. Ông nói mình chưa bao giờ hối tiếc vì quyết định theo ngành vật lý thiên văn.

GS Trịnh Xuân Thuận cũng thẳng thắn nhận mình cũng có nhiều may mắn khi sống trong những năm 60-70 của thế kỷ XX, thời kỳ vẫn được coi là thập niên vàng của vật lý thiên văn, rồi ông lại được làm việc với nhiều GS nổi tiếng, có người đã đạt giải Nobel.

Là một nhà khoa học nhưng không thiếu đi sự lãng mạn, GS ao ước: “Tôi mong một ngày kia, con người sẽ trở về Mặt trăng để làm một cái kính thiên văn thật lớn ở đó. Vũ trụ nhìn từ nơi không có không khí này sẽ rất sâu sắc, rất đẹp”.

Trước câu hỏi về mối liên hệ giữa nghiên cứu vũ trụ và ngành chiêm tinh, theo GS Thuận: Ngay lúc đầu thiên văn học đã đi cùng với chiêm tinh nhưng bây giờ hai ngành đã tách rời nha

(…) Thật khó giải thích khoa học về chuyện chiêm tinh nói rằng khi mới ra đời từ bụng mẹ, vị trí của những hành tinh đã ảnh hưởng lên tính tình, định mệnh về sau của mình. Tôi cũng không thích điều đó. Vì nếu như vậy mình không còn tự do, không tự định đoạt được số phận”.

Nói về khoa học và tôn giáo ông cho rằng: “Khoa học chỉ chỉ cho mình lối nhìn các hiện tượng trong vũ trụ, không nói về cách cư xử với người khác làm sao, cái gì thiện, cái gì ác.

Khoa học là trung tính, ví dụ chuyện làm ra bom nguyên tử có thể dùng để giết người, nhưng cũng nhờ nó mà ta tìm hiểu được năng lượng của các ngôi sao. Phải cần tôn giáo để mình biết cách cư xử cho đúng”.

Những câu hỏi về vũ trụ, thiên văn như thường lệ chiếm thời lượng lớn nhất của buổi trò chuyện. Làm khoa học, theo GS: “Trực giác chiếm vai trò quan trọng . Khoa học không phải tự nhiên biết ngay kết quả, viết ra phương trình được. Bước đầu phải có cảm giác, suy nghĩ. Cái đó cũng như họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn. Nhưng khác là, nhà khoa học từ trực giác phải làm lý thuyết có thể viết ra thành phương trình được”.

Trước nhiều bạn trẻ là sinh viên, GS cũng tâm sự rằng muốn khoa học như vật lý thiên văn phát triển thì trước hết phải có sự đầu tư và chính sách hỗ trợ người làm khoa học. Bản thân ông khi muốn phát triển sự nghiệp chỉ có lựa chọn đi học, làm việc ở nước ngoài.

Văn Chung