- Sáng 9/12, hội nghị tổng kết đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (đề án 322) thu hút khá nhiều lãnh đạo các trường ĐH, viện nghiên cứu trên cả nước. Theo nhiều đại biểu, đây là một hội nghị rất quan trọng. Vì thế hội trường với sức chứa khoảng 300 khách 8h sáng đã không còn chỗ trống.

"Vô giá vì chúng ta không chỉ được chất lượng con người mà còn được giá trị quan hệ. Đây sẽ là tiền đề để đề án chạy tiếp" - Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Hội nghị không chỉ ngồi lại đánh giá kết quả 10 năm (2000 - 2010) thực hiện việc cử cán bộ đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước mà còn mổ xẻ trách nhiệm của những người thụ hưởng? Trách nhiệm của những nhà quản lí để không làm thất thoát lãng phí nguồn thuế dân đóng.Từ đó cân nhắc có kéo dài thêm thời gian thực hiện

33 người đi học không về

Thống kê của Bộ cho thấy, sau 10 năm đã có trên 3.000 lưu học sinh tốt nghiệp về nước/ tổng số 3341 người đi. Trong đó, số tiến sĩ về nước là 1.074, thạc sĩ  984, thực tập sinh 233 và 726 sinh viên ĐH.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, 10 năm chương trình đào tạo án bộ tại nước ngoài (đề án 322) đã và đang đào tạo cho trên 150 trường ĐH, CĐ một lực lượng đáng kể có trình độ sau ĐH. Trong số các cơ sở đào tạo có người đi học, có 10 ĐH và trường ĐH đã gửi trên 100 cán bộ đi học theo đề án. Cụ thể là ĐHQG TP.HCM, ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thái Nguyên, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Ngoại thương....

Những kết quả đưa ra được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận, thực tế còn nhiều khó khăn nhưng đó là những kết quả tốt. Tốt bởi, trong 10 những sứ giả đại diện cho Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của 34 nước và 832 trường ĐH nước ngoài về là nguồn tài nguyên vô giá.

"Vô giá vì chúng ta không chỉ được chất lượng con người mà còn được giá trị quan hệ. Đây sẽ là tiền đề để đề án chạy tiếp" - Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Tuy nhiên, một tỷ lệ người hoàn thành không về nước chỉ chiếm 1%, khoảng 33 người trong tổng số người đi nhưng cũng cần xem xét cơ chế để quản lí hiệu quả hơn. Số hoàn thành nhiệm vụ về nước chiếm tỷ lệ cao, với 95%. Tỷ lệ 4% còn lại có 2% hoàn thành nhưng ở lại học tiếp có xác nhận của cơ sở phía Việt Nam cho phép và 2% về nước chậm. Theo Phó Thủ tướng thì tỷ lệ này là ổn.

322 mới rót vào các ĐH lớn

Với con số thống kê của Bộ nêu trên, Tiến sĩ Trần Trung (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên) nhìn nhận, những trường ĐH ở tỉnh có cán bộ đi học theo đề án 322 có ý nghĩa vô cùng lớn. Lớn bởi không chỉ nâng tầm cán bộ mà còn làm thay đổi nhận thức từ tư duy, phương pháp đến giáo trình giảng dạy của trường.

Tuy nhiên, con số cán bộ của trường thuộc diện đề án cử đi học mới dừng ở số 7 (6 tiến sĩ và 1 thạc sĩ). Nếu so với các trường ở Hà Nội và TP.HCM thì tỷ lệ người đi học có độ chênh lớn. Đây là một tế buồn của các trường tỉnh - ông Trung nói.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành cùng xem xét để việc nâng chất lượng con người ở các cơ sở một cách hợp lí. Thực tế, việc cử cán bộ ngành khoa học xã hội đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài còn ít. Theo thống kê của Bộ thì 10 năm, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam có 700 tiến sĩ được đào tạo (trong đó có 105 tiến sĩ thụ hưởng đề án 322). Tỷ lệ tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài có 18 người...

GS Đào Xuân Học - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu quan điểm, phát triển nguồn nhân lực  rất quan trọng với sự phát triển nước nhà. Một trường ĐH phát triển phải được thể hiện ở đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo có phù hợp. Ông phân vân, chúng ta bàn nhiều đến chất lượng nhưng nước ngoài họ đào tạo ĐH thời gian 3,5 năm, còn Việt Nam đào tạo đến 5 năm nhưng chất lượng không cao.

Song song với việc đổi mới phương pháp giảng dạy thì đổi mới giáo trình phải là vấn đề quan trọng hàng đầu - ông Học nói.

Một thực tế nhiều đại biểu thừa nhận, có tỷ lệ chênh lệch về tỷ lệ người đi học ở nước ngoài giữa các cơ sở có sự vênh nhau là do khả năng ngoại ngữ không đáp ứng. Cùng với đó thủ tục để được đi du học diện 322 còn rườm rà khiến không ít cán bộ trượt mất cơ hội.

Rắc rối việc bồi hoàn kinh phí

Với những kết quả đạt được, 100% ý kiến tham luận đề xuất: kéo dài thời gian triển khai đề án 322 đến năm 2020. Mục đích nâng chất lượng cán bộ nguồn cho các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, có một số bất câp cần giải quyết.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó GĐ ĐHQG TP.HCM đề án chạy tiếp cần khác phục những tồn tại: quy trình xét duyệt hồ sơ còn chậm, cần công khai chỉ tiêu và quy trình chọn lựa. Xem xét để cấp học phí kịp thời cho người học....

Bà Vũ Thị Bích - Viện Vật lí thêm lời, việc chậm kinh phí diễn ra rất phổ biến. Nhiều khi trường đối tác có công văn sắp cho học viên nghỉ học thì Bộ mới chuyển tiền sang. "Tôi không hiểu vì sao việc chuyển tiền lại khó khăn thế?" - bà đặt câu hỏi.

Bà Bích đề xuất, để tâm lí học viên toàn tâm với việc "nâng cao trình độ" thì cần có cơ chế linh hoạt để các em không phải lấn cấn "không hoàn thành nhiệm vụ".

Một khó khăn khác nhiều cơ sở đang đối mặt, học viên "không hoàn thành nhiệm vụ" việc bồi hoàn kinh phí không thực hiện được. PGS Nguyễn Đức Chiến, Trưởng Ban tổ chức cán bộ (ĐH Đà Nẵng) dẫn dụ, trường đang bế tắc không thể xử lí được 4 trường hợp đi học không về nước hoặc về nước không làm việc không biết xử lí như thế nào. Trong đó, có 2 trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ; 1 trường hợp xin ở lại chưa xử lí được và 1 trường hợp về làm việc 6 tháng thì bỏ không làm nữa vì lý do lương thấp.

Do đó, ông đề nghị: học viên đi học diện 322 phải cam kết có xác nhận của gia đình nếu vi phạm phải bồi hoàn kinh phí. Khi đó, cơ chế tạo kinh phí cho ứng viên đi học sẽ chuyển từ cơ chế cấp học bổng sang cho vay học bổng có bảo lãnh của ngân hàng. Chỉ xóa nợ dần dần khi về công tác tại cơ quan...

Đây cũng là đề xuất của TS Trần Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

Đại tá Trần Tiến Hạc - phó Cục trưởng Cục Cán bộ (Bộ Quốc phòng) cũng cho biết, khối quân đội có 4 học viên diện 322 bị trả về khi gặp khó khăn ở nước theo học. Tuy nhiên, việc thu hồi kinh phí cũng giống như các trường: không thu hồi được vì có em kinh tế gia đình khó khăn, có em chưa phải là quân nhân...Do đó cần có quy định rõ về vấn đề này.

Tiếp thu các ý kiến, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) Nguyễn Việt Hồng hứa sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT để khắc phục tình trạng chậm học phí. Trước mắt đảm bảo tốt nhất cho những học viên đang học kết thúc vào năm 2014.

Kéo dài đề án 322 đến 2050?

Bộ GD-ĐT đề xuất được thực hiện đề án 322 đến năm 2020, với kinh phí dự kiến 79 triệu USD. Nguyên Thứ trưởng Trần Văn Nhung đề xuất kéo dài đến 2050 hoặc 2045 với lập luận: Những người đi học về thổi một luồng gió mới cả về tư duy, phương pháp, quản lí đến giáo trình...trong mỗi cơ sở. Vì vậy, những người đề xuất kéo dài đề án thêm 10 năm mà xin 79 triệu USD chỉ bằng kinh phí làm đoạn đường Ô Chợ dừa - Kim Liên mà đang lo không biết có được không?

Ông Nhung nói, tại sao giáo dục lại có những lo lắng như thế? Trong khi đó không đi du học thì làm gì có những người như GS Ngô Bảo Châu. Tuy nhiên, khi xem xét kéo dài thời gian thực hiện đề án, có thể du học tự túc thì "bèo dạt mât trôi". Còn du học diện 322 thì phải về, không về phải trả lại thuế.


Từ năm 2000 đến hết năm 2010 (11 năm) - đề án đã chi trên 2.513 tỷ đồng. Nếu tính chỉ tiêu đào tạo mỗi năm 400 người thì kinh phí chi dự kiến là 260 tỷ đồng/ năm.

(Nguồn Bộ GD-ĐT)


Kiều Oanh