- Chính phủ chỉ cần các trường cam kết thực hiện đúng số tiền cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học chứ Chính phủ không bảo các trường môn nào, dạy cái gì? Các trường đại học quyết định dạy môn nào cho phù hợp và sao cho việc dạy đó là tốt.

GS Sir Graeme Davies
GS Sir Graeme Davies cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet về những câu chuyện của giáo dục đại học ở góc nhìn của một người làm giáo dục ở Anh, nay tiếp tục sang Việt Nam để phát triển giáo dục. GS Davies  hiện là Hiệu trưởng Trường ĐH Anh quốc (British University Vietnam – BUV); ông đến Việt Nam hồi tháng 11 trong chuỗi sự kiện BUV giới thiệu thông tin ra công chúng.

Thưa giáo sư, hẳn là ông và các cộng sự đã tìm hiểu thông tin về giáo dục đại học Việt Nam trước khi đầu tư vào đây. Ông đến vào lúc này sau khi cả hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam vừa chấm dứt các công việc của kỳ thi tuyển sinh đại học, và chưa năm nào như năm nay, không ít trường đại học phải đi tìm kiếm thí sinh. Hiện nay, VN có dân số hơn 80 triệu người và xấp xỉ 500 trường đại học, cao đẳng. Ông có nhận xét về các hiện tượng này?

Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam dựa vào các thông số của Bộ GD-ĐT về các trường đại học VN. Nhìn nhận về giáo dục, chúng tôi nhận thấy các trường đại học khối tư nhân rất tốt.

Chúng tôi rất cẩn thận khi dùng từ đầu tư vì trường ĐH London không bao giờ mở trường đại học ngoài nước Anh. Họ thường đến đất nước khác và tìm kiếm các đối tác đã có sẵn trong nước đó rồi. Bởi vì những đối tác trong nước đó mới hiểu được hoạt động giáo dục ở nước sở tại.

Từng là hiệu trưởng ĐH London với nhiều kinh nghiệm, ông kỳ vọng gì vào trường ĐH Anh quốc tại Việt Nam?

Với 45 năm kinh nghiệm làm giáo dục quốc tế và 5 năm làm việc trong Chính phủ Anh về hệ thống giáo dục, ở Trường ĐH Anh quốc Việt Nam, tôi hy vọng sẽ truyền tải được tới sinh viên những nhận biết, khái niệm, phong cách sống… bởi đó chính là sự phát triển.

Hiện nay hệ thống giáo dục Việt Nam đang đương đầu với bài toán làm thế nào để có chất lượng tốt khi quy mô đào tạo vượt xa các tiêu chuẩn cần có. Theo ông thì yếu tố quan trọng nào để đảm bảo chất lượng của một trường đại học?

Theo tôi, có 3 nhân tố chính giúp một trường đại học có chất lượng tốt: giáo trình, giảng viên và sự mềm dẻo, linh hoạt trong phương thức tổ chức đào tạo.

Giáo trình phải đảm bảo hướng dẫn cho sinh viên vận dụng được kiến thức và kỹ năng học được vào trong thực tế, để đáp ứng được với nền kinh tế nơi sinh viên đang sống và phát triển.

Thứ hai là đội ngũ giáo viên. Trường chúng tôi yêu cầu giáo viên phải là người dạy tiếng Anh bản ngữ, hoàn toàn theo cách tự nhiên đúng như của người Anh. Giảng viên cần có ít nhất 3 năm kinh nghiệm dạy học trong môi trường Đại học quốc tế, và có bằng thạc sỹ trở lên.

Một yếu tố nữa là khả năng linh hoạt và phát triển trong phương thức tổ chức đào tạo. Trường học không chỉ dạy những kiến thức sách vở mà phải dạy những kỹ năng ngành nghề mà xã hội, ngành nghề đó yêu cầu.

Để phát triển khung cấu trúc, chương trình thì mỗi trường phải tìm giá trị, nhu cầu mới để tái trúc lại chương trình cho phù hợp.

Trong điều kiện ở Việt Nam, ông chọn yếu tố nào trong 3 yếu tố đó để đầu tư trước?

(Cười). Muốn cải thiện chất lượng giáo dục phải thực hiện cả 3 yếu tố, vì nó liên quan đến nhau, như cùng trên một trận chiến không thể tách rời.  Bạn có chấp nhận được không, khi có người ăn mặc quần áo đẹp nhưng đi đôi giày xập xệ?

Thưa ông, ở Anh, các trường được tự chủ hoàn toàn hay nhà nước đưa ra quy định khung, và yêu cầu các trường áp dụng?

Mỗi trường được tự chủ xây dựng khung riêng và họ sẽ quyết định xây dựng nó như thế nào. Các trường có những khung rất đặc biệt của riêng họ, và điều này tạo nên giá trị khác biệt riêng cho các trường.

Lấy ví dụ như ĐH London có 19 trường con và mỗi một trường có thế mạnh riêng về khung chương trình  của mình.

Từng tham gia 5 năm trong Chính phủ Anh quản lý về giáo dục, ông thấy vai trò của nhà nước quan trọng như thế nào với giáo dục đại học?

Ở Anh, Chính phủ không tham gia nhiều vào khối trường học. Chính phủ chỉ đưa tiền để các trường hoạt động.

Nước Anh hiện có khoảng 140 trường ĐH. Trong đó, trường lớn có khoảng 30.000 sinh viên, còn trường nhỏ thì quy mô từ 3.000 – 5.000 sinh viên. Các trường được quản lý bởi tổ chức của Chính phủ.

Mỗi năm Chính phủ đưa cho tổ chức này khoảng 8 tỷ Bảng. Số tiền này chia cho các trường. Chính phủ chỉ cần các trường cam kết thực hiện đúng số tiền cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học chứ Chính phủ không chỉ đạo các trường dạy môn nào, dạy cái gì? Các trường đại học quyết định dạy môn nào cho phù hợp và sao cho việc dạy đó là tốt.

Một mối quan tâm nữa của chúng tôi: Hiện nay kiểm định chất lượng đang là bài toán mà Việt Nam còn đang thí điểm và thận trọng. Vậy còn ở Anh, chuyện kiểm định các trường ĐH Anh quốc thực hiện như thế nào?

Ở Anh có ban kiểm định chất lượng riêng, gọi tắt là QAA. Ban này không thuộc vào tổ chức quản lý tiền của Chính phủ. Ban kiểm định này sẽ phụ trách về chất lượng giảng dạy của các trường. Chất lượng đo được dựa trên chất lượng trải nghiệm của các trường đó và chất lượng của sinh viên sau khi ra trường.
 
Thường thì để đánh giá chất lượng, một trường phải hoạt động tối thiểu khoảng 5 năm. Cũng xin nói thêm là với trường của chúng tôi, tổ chức này giám sát cả các hoạt động giáo dục trong và ngoài nước Anh. Sinh viên ở trong hay ngoài nước đều theo một chuẩn kiểm định chung.

Sự kiểm định có bị chi phối bởi nơi cấp tiền như là Chính phủ?

Không có sự ảnh hưởng tới nhau. Ở Anh chi tiền dựa trên chi phí chứ không dựa trên chất lượng của các trường.

Thưa ông, các trường tư thục ở Anh quốc được nhà nước hỗ trợ gì?

Chính phủ chỉ hỗ trợ sinh viên. Sinh viên học ở trường tư thục được nhận hỗ trợ từ chính phủ dưới hình thức vay vốn để học. Trường tư thường không có nghiên cứu nên không được hỗ trợ.

Cảm ơn ông!

  • Vân Phong (Thực hiện)

Sir Graeme Davies, Nguyên hiệu trưởng ĐH London, nay là Hiệu trưởng British University Vietnam (BUV).
Ông kỹ sư, một học giả, và một nhà quản lý người New Zealand. Ông từng là hiệu trưởng trường ĐH Liverpool và ĐH Glasgow, và gần đây nhất là hiệu trưởng trường ĐH London (UoL), Vương quốc Anh. Sir Graeme Davies có lẽ là trường hợp duy nhất là hiệu trưởng của bốn trường ĐH
lớn – Liverpool, Glasgow, UoL và BUV.
Trong sự nghiệp giáo dục, ông cũng đã từng dạy học tại trường ĐH Auckland (New Zealand), ĐH Cambridge, ĐH Sheffield và đóng vai trò chủ tịch của Hội đồng hỗ trợ giáo dục Đại học, quỹ hỗ trợ các trường ĐH Anh.
Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (BUV) là trường đại học 100% vốn của Anh, thành lập năm 2009, hiện đào tạo 3 chuyên ngành chính: Cử nhân quản trị kinh doanh quốc tế, cử nhân quản trị Marketing và cử nhân tài chính ngân hàng.
Hiện nay BUV đang xây dựng trụ sở chính rộng 6.5 ha đặt tại Ecopark, đáp ứng khoảng 10.000 sinh viên theo học.