- Sau bài viết “Đại học Việt Nam rất đáng đồng tiền bát gạo”, VietNamNet nhận được nhiều chia sẻ và cả những băn khoăn của độc giả về chất lượng giáo dục bậc đại học của nước ta hiện nay. TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã có phần trả lời một số thắc mắc của độc giả.


Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011. (Ảnh: Văn Chung)

Cần xác định rõ mục đích của việc học

Độc giả Lê phương Minh: Gửi Tiến sĩ lời chào trân trọng! Xin được trình bày với Tiến sĩ quan điểm chung trên bài báo VietNamNet của Tiến sĩ về giáo dục và nhận thức của học sinh, sinh viên Việt Nam. Có một vài điều xin mạn phép hỏi Tiến sĩ: Giáo dục nghề, đào tạo nghề trong các trường đại học công lập, ngoài công lập, kinh phí chất lượng đào tạo....sự nhìn nhận và đánh giá và sau đó sự ảnh hưởng của sinh viên khi tốt nghiệp hòa nhập công việc với xã hội.

Theo quan điểm của Tiến sĩ, trường đại học nào là tốt nhất để các sinh vên khi học xong có công việc đúng với khả năng, trình độ của mình khi ra ngoài xã hội (như Tiến sĩ nói “đáng đồng tiền bát gạo”)?

TS Lê Đông Phương: Thật ra khi xem xét xem trường đại học nào phù hơp với ai để sau này khi tốt nghiệp kiếm được một việc làm tốt là điều rất khó. Mỗi cá nhân có một năng lực riêng, sở thích và nguyện vọng riêng nên khó có thể nói trường nào là tốt nhất cho từng người.

Cách duy nhất là bản thân các sinh viên trước khi vào học phải xác định được rõ mục đích việc học của mình là gì, khả năng của mình tới đâu và mình mong muốn làm được điều gì cho bản thân và xã hội sau khi tốt nghiệp. Trên cơ sở đó mỗi cá nhân có thể chọn cho mình trường học tốt nhất có thể. Còn trường đó là trường công, trường tư, trường nghề hay trường tổng hợp không phải là vấn đề quá quan trọng.

Sinh viên VN còn lười tự học

Độc giả like.b: Thưa chú Đông Phương! Điều chú nói không sai về việc 40 triệu đồng có thể đào tạo được một cử nhân. Nhưng chú không để ý tới việc vị cử nhân đó trình độ có xứng tầm với chức danh đó hay không?

Chúng cháu không cần được dạy dỗ kiểu đó, chẳng cần được gọi là ông nọ bà kia, chúng cháu chỉ cần một môi trường giáo dục có thể khơi dậy khả năng, năng lực của chúng cháu, để chúng cháu tự tin mà sống, tự tin theo đuổi ước mơ.

Một người đam mê xây nhà, học xây dựng để mong sau này có thể xây cho bà con những ngôi nhà thật vững chãi, thật đẹp. Nhưng mà sao, khi trải qua quá trình học đại học, lại thấy chán nản, môi trường không như mong muốn, một môn học mà 2 giáo viên mỗi người mỗi giáo trình, mỗi cách giảng, học ai bỏ ai đây?

...Ra làm kỹ sư mà xây nhà sợ bị sụp thì đâu dám tự nhận mình là kỹ sư. Chúng cháu chẳng cần mình là ai chỉ cần có thể đóng góp cho được cho xã hội bẳng đúng niềm mơ ước, lòng đam mê là hạnh phúc lắm rồi!

Rất cám ơn ý kiến của bạn. Thực sự là nền giáo dục đại học của chúng ta còn nhiều bất cập, bất hợp lý. Không ít giảng viên còn dạy học theo kiểu ấn định cái kiến thức mà họ “thấy” sinh viên “phải học”.

Tuy nhiên phải nhìn thẳng vào một vấn đề nữa là sinh viên chưa thật sự dành đủ thời gian cho học tập. Môt nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy sinh viên đại học mới chỉ dành 1 tiếng tự học cho 1 tiết học trên lớp (trong khi yêu cầu hiện tại là 2 tiếng/1 tiết).

Kiến thức là vô tận, các bạn không nên chỉ trông chờ vào một số ít kiến thức học được trên lớp để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Là sinh viên đại học cần phải biết học đúng cách, có hiệu quả và quan trọng hơn nữa là tự học, tự nâng cao tầm hiểu biết của mình. Nếu không chúng ta sẽ mãi mãi lạc hậu.

40 triệu đồng cho tấm bằng ĐH Việt Nam: đắt hay rẻ?

Độc giả Vân Nhi: Hoàn toàn sai! Các trường ĐH công lập của Pháp học phí thấp hơn nhiều so với con số 7 triệu đồng/năm của VN. Số sinh viên phải đóng khoảng 300 euro đã bao gồm tiền bảo hiểm y tế trong năm?

Ảnh: Văn Chung

Theo các thông tin hiện có thì năm học 2011-2012 học phí các trường đại học tổng hợp (universités) là khoảng €175-180, bảo hiểm y tế khoảng 200 euro, còn học các trường grand ecoles hay các trường kỹ thuật có thể tiêu tốn của bạn 5-10 nghìn euro tiền học phí. Đó rõ ràng là 1 khoản rất lớn nếu ta nhớ rằng đại học của Pháp vẫn mang nặng tính chất bao cấp.

Theo thống kê của OECD (Education at a Glance 2011) thì bình quân 1 học sinh của giáo dục bậc ba (tertiary education) của Pháp tiêu tốn tới gần 60.000USD trong thời gian học. Rõ ràng con số 40 triệu đồng của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.

Độc giả Triệu Hùng: Quả thực là giá rẻ để đào tạo cử nhân ở VN, và đúng là đáng đồng tiền bát gạo. Nhưng, thử làm một cuộc thống kê xem tỷ lệ thất nghiệp thực tế và tỷ lệ cử nhân đúng nghề đào tạo ở VN là bao nhiêu phần trăm?

Có một vấn đề mà mọi người cần phân biệt là ngành đào tạo và nghề làm việc là 2 vấn đề rất khác nhau. Không đâu trên thế giới gắn hai phân loại này với nhau. Thực tế lao động đòi hỏi rất nhiều nghề khác nhau mà không nhà trường nào có thể đào tạo được.

Nhà trường, dù ở trình độ nào, cũng chỉ cung cấp được cho người học các kiến thức, kĩ năng cơ bản để chuẩn bị cho họ một sự khởi đầu trong cuộc sống làm việc. Học vấn đại học đòi hỏi người học phải biết tự học, tìm tòi kiến thức để nhanh chóng thích ứng với các yêu cầu công việc khác nhau.

Vấn đề thất nghiệp thì rất tiếc là hiện nay chưa có số liệu chính thức nhưng theo tôi phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học đều có việc làm dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuy nhiên nhiều người nghĩ là làm “đúng” cái mình được đào tạo mới gọi là có việc còn việc khác ra tiền vẫn chưa được gọi là có việc. Liệu cách tư duy đó có đúng trong kinh tế thị trường không?

Độc giả Huỳnh Nhất:  Vấn đề học ĐH là trong quá trình đào tao chúng ta học những cái đã có hay là nghiên cứu. Sau khi tốt nghiệp sẽ làm được gì cho xã hội. Nền giáo dục và giáo dục ĐH VN không thể so sánh với các nước như Singapore hay Malaisia được.

 Hãy căn cứ các báo cáo khoa học hàng năm của họ len các tạp chí KH thế giới là biết và so sánh với VN. Mặc dù chúng ta đào tạo với chi phí thấp nhưng làm không được việc hay làm được những việc đơn giản thì đó là lãng phí (cả 40 triệu đồng và 4 năm).

 Ở một mức độ nào đó bạn nói đúng. Học đại học đồng nghĩa với học và nghiên cứu. Nghiên cứu ở đây không nhất thiết là phải sáng tạo ra điều gì vĩ đại mà có thể chỉ là khám phá lại (re-discovery) kiến thức đã có nhằm mục đích học cách học, học cách làm việc khoa học.

Câu chuyện bài báo khoa học thống kê được là vấn đề còn tranh cãi. Công bố kết quả nghiên cứu rõ ràng là 1 cách đánh dấu năng lực nghiên cứu và khẳng định thành quả lao động của các giảng viên đại học. Tuy nhiên không hẳn có nhiều bài báo đã là tốt. Các câu chuyện về đạo văn, giả mạo kết quả nghiên cứu (như ở Hàn quốc năm trước) đã đặt ra vấn đề giá trị đích thực của việc này và làm sao thẩm định được giá trị thật của các công bố.

Giáo dục đại học Việt Nam, dù có thể chưa thật sự nổi bật, nhưng cũng có được những kết quả nhất định. Với 40 triệu đồng bạn không thể đòi hỏi quá nhiều, thế nhưng khi bạn muốn so sánh với các quốc gia có chi phí đào tạo tầm cỡ hàng chục ngàn dô la Mỹ/năm thì rõ ràng cũng có điều gì đáng chú ý lắm chứ. Hãy xem bao nhiêu người học ở các trường 40 triệu đồng 4 năm đó ra và đã thành công trong các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các quốc gia hàng đầu thế giới.

Độc giả kaka: Cái căn bản ở đây là chất lượng của 1 cử nhân của chúng ta quá kém chứ không phải là bao nhiêu tiền 1 cử nhân. Chúng ta đào tạo rẻ đấy, thế ông có biết 70-80% cử nhân khi ra trường trong đầu chả có gì không?

Ai khẳng định con số 70-80% này quả là một nhà kế hoạch vĩ đại đáng được giải Nobel 5 năm liền vì chưa có ai biết cách đo “cái trong đầu” cả. Còn chất lượng cử nhân thì có nhiều cách nhìn nhận. Nếu đòi hỏi cử nhân “có chất lượng” là những người học xong bảo làm gì cũng được thì cả Mỹ hay Đức cũng có chất lượng rất rất thấp. Nếu nói “chất lượng” là khả năng thích nghi với đòi hỏi của công việc thực tế thì quả thực các trường đại học Việt Nam chưa làm tốt việc này, nhất là khi có các kì nhân ‘siêu Nobel’ làm giảng viên.

  • TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam