Đây là những dòng trong bài viết "What Americans Keep Ignoring About Finland's School Success” (những điều người Mỹ làm ngơ khi nói về kỳ tích của giáo dục Phần Lan) trên Theatlantic. Bài viết cung cấp nhiều thông tin thú vị về nền giáo dục Phần Lan, do Anu Partanen - một nhà báo Phần Lan hiện đang làm việc ở New York thực hiện. Bà đang viết một quyển sách về những điều mà nước Mỹ có thể học từ các xã hội Bắc Âu.
XEM PHẦN 1
Theo quan điểm của mình, người Mỹ luôn bị ám ảnh bởi một số câu hỏi:
Làm thế nào để có thể theo dõi khả năng của sinh viên nếu không kiểm tra chúng thường xuyên?
Làm thế nào có thể cải thiện việc giảng dạy nếu bạn không có biện pháp chế tài cho các giáo viên tồi hoặc trao bằng bằng khen cho các giáo viên giỏi?
Làm thế nào để thúc đẩy cạnh tranh và đưa các khu vực tư nhân vào cuộc? Làm thế nào để đáp ứng sự lựa chọn trường học?
Những câu trả lời mà Phần Lan cung cấp dường như đều đi ngược lại mọi thứ mà các nhà cải cách trường học của Mỹ đang cố gắng thực hiện.
Đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở, Phần Lan không có bài kiểm tra chuẩn hóa. Ngoại trừ duy nhất kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học mà tất cả học sinh đều phải tham gia để kết thúc chương trình phổ thông trung học tự nguyện, gần tương đương với chương trình trung học ở Mỹ.
Thay vào đó, trong hệ thống trường công lập, giáo viên được đào tạo để đánh giá học sinh trong lớp học bằng các bài kiểm tra do chính giáo viên tự soạn. Tất cả học sinh nhận được một sổ liên lạc vào cuối mỗi học kỳ, nhưng các sổ liên lạc này được dựa trên đánh giá cá nhân của mỗi giáo viên.
Định kỳ, Bộ Giáo dục và Văn hóa theo dõi tiến độ giáo dục của quốc gia bằng cách kiểm tra một vài nhóm làm mẫu ở một loạt các trường khác nhau.
Còn đối với trách nhiệm giải trình của giáo viên và cán bộ quản lý, Sahlberg nhún vai:
"Không có từ trách nhiệm giải trình trong tiếng Phần Lan" - Pasi Sahlberg, giám đốc Trung tâm Chuyển dịch Quốc tế thuộc Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan. |
“Trách nhiệm giải trình sẽ chẳng là gì nếu như anh không thực hiện hết trách nhiệm của mình.”
Đối với Sahlberg điều quan trọng là ở Phần Lan, tất cả các giáo viên và cán bộ quản lý được tín nhiệm, trả lương chính đáng, và gánh rất nhiều trách nhiệm.
Một bằng thạc sĩ là cần thiết để vào nghề, và chương trình đào tạo giáo viên là một trong những lựa chọn nghề nghiệp cao nhất trong cả nước.
Nếu có một giáo viên dạy dở, thì hiệu trưởng phải có trách nhiệm chú ý và xử lý việc đó.
Và trong khi người Mỹ thích nói về cạnh tranh, Sahlberg chỉ ra rằng đó là điều mà không có gì làm cho người Phần Lan thấy khó chịu hơn.
Trong cuốn sách của mình, Sahlberg trích dẫn lời từ một nhà văn Phần Lan tên Samuli Puronen rằng:
“Người chiến thắng thật sự là người không cạnh tranh.” Thật khó để nghĩ không theo tư tưởng của người Mỹ, nhưng khi nói đến giáo dục, thành công của Phần Lan cho thấy rằng thái độ của Phần Lan thật sự đáng nhìn nhận.
Không có danh sách của trường học hoặc giáo viên hàng đầu ở Phần Lan. Động lực chính của chính sách giáo dục không phải là cạnh tranh giữa các giáo viên và giữa các trường, nhưng là hợp tác.
Điều cuối cùng là, ở Phần Lan, việc chọn trường không phải là ưu tiên hàng đầu, cũng không cần phải huy động các thành phần tư nhân vào cuộc.
Điều làm cho mọi người suy ngẫm là bình luận của Sahlberg tại trường Dwight rằng một trường như Dwight không tồn tại ở Phần Lan.
Sahlberg cho biết tại trường Khoa sư phạm rằng:
"Ở đây là Mỹ, cha mẹ có thể đưa trẻ đi học ở các trường tư. Điều này, có thể coi giống như mô hình hoạt động của thị trường, ví dụ như là các cửa hàng. Trường là một cửa hàng và các bậc cha mẹ có thể mua bất cứ những gì họ muốn. Cha mẹ Phần Lan cũng có thể lựa chọn. Nhưng tất cả các tùy chọn đều như nhau."
Tiếp theo mới là cú sốc thực sự. Sahlberg tiếp tục, và theo đó là thông điệp chính yếu của ông, liệu có bất kì ai trong số khán giả Mỹ nghe được.
Nhiều thập kỷ trước, khi hệ thống trường học Phần Lan cấp thiết phải cải cách, mục tiêu của chương trình mà Phần Lan thiết lập đã mang lại kết quả thành công như ngày hôm nay, là không nhất thiết phải tạo ra những học sinh xuất sắc, mà hướng đến sự bình đẳng cho xã hội.
(còn tiếp phần cuối: Dân số có phải yếu tố quyết định?)
- TS Lê Văn Út và Lê Thị Minh Hiếu (ĐH Oulu, Phần Lan)