- 18 phút nghe cô giáo ở Hải Phòng chửi trò bằng lời lẽ gay gắt, nhiều học sinh nuốt không trôi những ngôn từ thiếu văn hóa của cô giáo ở TP.HCM. Đầu năm nay, "xông đất" ngành giáo dục lại là câu chuyện đau lòng có chất xúc tác từ lời nói của cô giáo ở Thái Bình khiến nữ sinh vừa bước sang tuổi 18 nhảy lầu tự tử làm cho dư luận bàng hoàng, lo lắng và xót xa...


Từ chuyện cô còn không nghe nổi lời mình

Tháng 9/2011, Sau khi đoạn băng ghi âm lời cô giáo chửi học trò 18 phút ở Hải Phòng, dư luận sửng sốt vì một cô giáo dạy về ngôn ngữ (tiếng Anh) lại có thể dùng những ngôn từ gay gắt, không phù hợp với môi trường sư phạm như vậy để nói với học sinh. Nguyên nhân cũng vì bất đồng ý kiến về bài học giữa cô trò trong giờ học, cộng với em học sinh giỏi bắt lỗi và có ý dè bỉu cô giáo về cách phát âm. Cô giáo cũng từng trần tình với VietNamNet: "Tôi nghĩ rằng, khi em không nghe rõ, hoặc cô không nghe rõ thì em có thể nói theo cách xây dựng, chứ không nên có động thái coi thường cô giáo."

Khi mối quan hệ thầy trò tốt đẹp. (Ảnh: Nhân dân)

Nhưng có thể thấy cô giáo, người có tuổi hơn và nhiều kinh nghiệm trong ứng xử hơn cũng đã không có một cách tốt nhất để xây dựng cho học sinh của mình một thói quen góp ý mà không làm người khác cảm thấy bị tổn thương hay coi thường. Nếu nói về nghiệp vụ sư phạm thì cách ứng xử của cô được xếp vào hàng "tối kỵ" trong nghề dạy học.

Nhưng điều đáng nói, những ngôn từ cô dùng trong 18 phút đó đủ để làm những em học sinh có tâm lý yếu đuối bị tổn thương nặng nề. Chính cô giáo sau khi tỉnh táo lại đã rất ân hận. Còn sau khi nghe lại chính những gì mình nói, cô "bàng hoàng với chính mình, không nghĩ tại sao lại có thể nói được như vậy."

Nếu em học sinh đó không phải là một học sinh mạnh mẽ? Nếu em không vượt qua được sự xấu hổ, tức giận và ấm ức khi bỗng nhiên bị cô chụp lên đầu hàng loạt những lời lẽ không phải dành cho mình thì điều gì sẽ xảy ra? Trong thực tế, nhiều bạn đọc đã chia sẻ những câu chuyện của chính mình, chỉ cần nhìn ánh mắt thầy cô không có thiện cảm, có cảm giác như đang soi mói mình thì cũng đủ để tinh thần các bạn không ổn định, sợ hãi và ảnh hưởng tiêu cực đến học hành. Những trường hợp như thế luôn để lại ấn tượng xấu nhưng sâu đậm, thậm chí trở thành vết thương lòng khó xóa mờ.

Đến hành xử thiếu văn hóa...

Vụ việc cô giáo ở Trần Thị Minh Châu ở TP.HCM được báo Người Lao động đưa tin khiến nhiều người tự hỏi: "Vì sao một cô giáo như thế vẫn đứng trên bục giảng?".

Việc cô Châu thường xuyên mạt sát học sinh, nói những lời coi thường các em và thậm chí cả gia đình đến mức thô tục diễn ra thường xuyên, ở nhiều lớp, nhiều thế hệ và trong nhiều hoàn cảnh chứ không phải chỉ là khi cô "bốc hỏa".

Báo Người Lao động mô tả, cô có thể thốt ra những câu như: “Kẻ đê tiện tôi sẽ xử lý theo kiểu đê tiện, em tưởng có nhiêu đó mà đòi vào lớp với tôi sao? Cái thằng con trai to, cao, bự kiểu đó mà bệnh gì? Bệnh hoạn thì có. Cái người bệnh hoạn tôi không muốn nói đến. Người gì mà ngu si dữ vậy? Phụ huynh đàng hoàng tôi mới tiếp, tưởng gặp tôi mà dễ sao. Kẻ đó có tư cách gì mà nói chuyện với tôi...”. Đó là một trong rất nhiều đoạn băng ghi âm mà báo có được về những lời đe của cô Châu khi đứng trên bục giảng.

Cô giáo ở Hải Phòng khi vấp phải sai lầm đã thấm thía ân hận và gửi lời qua VietNamNet: “Nguyên nhân sâu xa của sự việc này là sự non nghề của chính mình, thiếu cách ứng xử với HS, nhất là những em học sinh "cá biệt" (hiểu theo nghĩa là em HS hư hoặc học giỏi...)…Hãy cho tôi một cơ hội sửa sai vì tôi đã quá ân hận.”

Còn những lần chép phạt đến 200 lần, xé sổ liên lạc của học sinh trước lớp hay đuổi một lượng lớn học sinh ra ngoài trong giờ học mà đến cả hiệu trưởng can thiệp cũng không nổi...là chuyện bình thường trong giờ học của cô giáo này. Có những em học sinh uất ức, sợ hãi không chịu nổi đã nghỉ học cả tháng trời, có em phải chuyển lớp là hậu quả của những lời nói thô thiển như roi quất.

Trong môi trường sư phạm, những ngôn ngữ như vậy thỉnh thoảng vẫn được học sinh truyền tai nhau và dần làm hỏng đi hình ảnh chỉn chu, kiểu mẫu của thầy cô giáo và để lại những tiền lệ xấu với học trò. Vì vậy, theo thông tin mới nhất báo Người lao động đưa, cô giáo này đã bị buộc thôi việc.

...Và cái chết

Tin về cái chết của nữ sinh 18 tuổi, đang học lớp 12 ở một trường THPT thuộc huyện Đông Hưng- Thái Bình khiến bình luận độc giả gửi về tòa soạn VietNamNet đầy những chia sẻ đau xót và phẫn nộ trước hành xử của cô giáo góp phần gây nên hậu quả vô cùng đáng tiếc.

Đau đớn nhưng nhìn từ góc độ nghiệp vụ sư phạm, mà cụ thể hơn là cách giao tiếp giữa thầy và trò, đây có phải sẽ là một bài học cảnh tỉnh cho những ai đang đứng trên bục giảng? Và đây có phải là bài học đắt giá cho công tác giảng dạy nghiệp vụ sư phạm, tâm lý sư phạm từ trước tới nay đang rất lơi lỏng trong các trường đào tạo giáo viên? GS Hồ Ngọc Đại đã thêm một lần nhắc nhở, "hiện nay chưa có trường sư phạm" theo nghĩa "dạy nghề" làm thầy cho giáo viên chứ không chỉ là dạy kiến thức toán, lý, hóa, văn, sử.

Viện nghiên cứu sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) vẫn than thở đã ra đời 10 năm nhưng chưa được coi trọng, ngay cả trong tư tưởng của các nhà lãnh đạo, và không ít sinh viên cho rằng nghiệp vụ, tâm lý sư phạm chỉ là môn hạng hai...Đây là nguyên nhân chính để ra đời những "thợ dạy" non nớt về kỹ năng ứng xử với học trò chứ không phải là những "nhà giáo dục" như các chuyên gia vẫn nhắc tới.

Không ít sinh viên cho rằng nghiệp vụ, tâm lý sư phạm chỉ là môn hạng hai. Vì vậy, cô giáo ở Hải Phòng khi vấp phải sai lầm đã thấm thía ân hận và gửi lời qua VietNamNet: “Nguyên nhân sâu xa của sự việc này là sự non nghề của chính mình, thiếu cách ứng xử với HS, nhất là những em học sinh "cá biệt" (hiểu theo nghĩa là em HS hư hoặc học giỏi...)…Hãy cho tôi một cơ hội sửa sai vì tôi đã quá ân hận. Tôi rút ra một bài học sâu sắc về cách ứng xử với HS và cuộc đời còn dài ở phía trước, chắc chắn sự việc này sẽ làm cho tôi trưởng thành hơn.”

Trước những hành xử nông nổi của giới trẻ như đánh nhau, đua xe, lao vào game online, nhiều người giải thich dễ dàng đó là lứa tuổi mà ý thức cái tôi của các em rất mạnh mẽ, luôn muốn khẳng định mình để được đề cao, tôn trọng. Tuy nhiên, trong những trường hợp giáo viên không tiếc lời chỉ trích các em, phải chăng đã quên mất cảm xúc của những gương mặt non nớt?

Khi báo VietNamNet mở diễn đàn kể chuyện ứng xử sư phạm của giáo viên, trong rất nhiều câu chuyện gửi về được đăng tải, có những câu chuyện kể lại chỉ từ một lời khen, một lời động viên đúng lúc của thầy cô đã có thể làm thay đổi nhận thức và cuộc sống của học sinh từ đó về sau, nhưng cũng có những lời nói, hành xử khiến học sinh sợ hãi...

Những câu chuyện như thế không hề hiếm?

  • Nhã Uyên