- Câu chuyện buồn về cái chết của học sinh Thái Bình gần như ít được sinh viên sư phạm biết tới. Coi đây là một tình huống trong nhà trường để thực hành, các thầy cô giáo tương lai có dịp trải lòng. 

Cô giáo không xúc phạm học sinh

Khác với sinh viên của nhiều trường, máy vi tính tràn ngập khắp các phòng thì ở ký túc xá của sinh viên sư phạm, số lượng máy ít hơn nhiều. Đây cùng là lý do các thông tin về giáo dục trên báo điện tử ít được các bạn cập nhật.

Những cô giáo tương lai cần trang bị kỹ năng sư phạm tốt để xử lý các tình huồng. 

Thực tế, nhiều sinh viên học các ngành tâm lý, giáo dục học…cũng quan tâm đến thông tin thời sự giáo dục. Đây cũng chính là đối tượng được học về nghiệp vụ sư phạm, tâm lý, phương pháp giáo dục nhiều nhất.

Vì vậy, gặp bạn Minh Thúy (tên đã được thay đổi), sinh viên năm thứ 4 ngành Tâm lý giáo dục, bạn có thể nói ngay: “Nếu cô giáo có lời xúc phạm đến học sinh đó thì cô đã vi phạm quy tắc giáo dục tôn trọng nhân phẩm của học sinh.”

Thúy nói: Trong nghiệp vụ sư phạm mình được học, nếu gặp những trường hợp học sinh phản đối yêu cầu hoặc chỉ ra cái sai của mình trước lớp học, giáo viên cũng phải khéo léo, nhẹ nhàng và lắng nghe ý kiến của học sinh. Thậm chí, trong những trường hợp bị học sinh xúc phạm, giáo viên không được phép xúc phạm lại.

Theo Thúy, lúc đó thái độ giáo viên không được quá mềm, phải cứng rắn với học sinh. Nhưng cũng có thể phân tán không khí lớp học bằng cách cho phép học sinh ra ngoài nghỉ ngơi, rửa mặt để bình tĩnh lại và trở về ổn định cùng các bạn.

Ngọc Mai, sinh viên năm nhất ngành Tâm lý học chia sẻ một phương pháp mà Mai tâm đắc: Khi học sinh không nghe lời, cô giáo có thể không nói gì nhưng có thể nhìn học sinh bằng thái độ nghiêm túc, sau đó coi như không có chuyện gì xảy ra và sẽ trao đổi lại với học sinh khi bài giảng kết thúc. Với học sinh nhỏ hơn, cô giáo có thể hỏi điều các em muốn nói và tôn trọng ý kiến của em.

Nhiều sinh viên khác được hỏi đều nhấn mạnh: không được xúc phạm học sinh và phải kiềm chế bản thân. Tuy nhiên, không nóng giận và kiềm chế bản thân đều bị sinh viên sư phạm bỏ ngỏ: “Đứng ở ngoài nói rất dễ nhưng em không dám chắc khi mình ở trong hoàn cảnh ây, em có thể không nóng giận không?"

Sinh viên sư phạm ngành toán, lý...ít học tâm lý

Trong khi sinh viên các ngành Tâm lý giáo dục, Giáo dục học được học khá nhiều về tâm lý, nghiệp vụ (vì đó là những môn chuyên ngành) thì sinh viên các ngành sư phạm như toán, lý, hóa, văn… lại học những kiến thức này với thời lượng rất ít. Tuy nhiên, sinh viên các chuyên ngành này mới là người sau này sẽ đứng lớp, tiếp xúc trực tiếp với học sinh và giải quyết những tình huống sư phạm bất ngờ nhất.

Còn ngành tâm lý, giáo dục học, khi ra trường các bạn sẽ làm nghiên cứu, giảng dạy sinh viên là chủ yếu. Môn tâm lý học chiếm một tỷ trọng ít ỏi trong chương trình của sinh viên các ngành sư phạm. Còn nghiệp vụ sư phạm, một sinh viên ngành Giáo dục tiểu học cho biết, hiện nay không tính điểm mà giống như một hoạt động ngoại khóa, thường tổ chức vào ngày lễ 20/11 và các hội thi. Vì vậy nên không ít bạn lơ là.

Đối với sinh viên sư phạm, kiến thức chuyên ngành hay nghiệp vụ sư phạm được đầu tư và quan tâm nhiều hơn? Với câu hỏi này, hàng loạt sinh viên được hỏi đều cho biết: “Tất nhiên là kiến thức chuyên ngành rồi.”

Phương Loan, học viên cao học năm 2 nói: “Mình chỉ quan tâm đến chuyên ngành, phương pháp giảng dạy môn học, còn nghiệp vụ không phải là trọng tâm”.

Tâm lý coi nhẹ nghiệp vụ sư phạm khiến các bạn cho biết, nghiệp vụ là thứ chủ yếu sẽ tích lũy dần bằng kinh nghiệm sau khi đi dạy. Đây cũng là lý do nhiều lãnh đạo các trường ở bậc học phổ thông than là giáo viên trẻ non nghề, non nghiệp vụ, nhất là trong ứng xử và giải quyết các tình huống.

Coi nhẹ nghiệp vụ gần như là truyền thống khó bỏ của sinh viên sư phạm vì ngay trong kết cấu chương trình đào tạo, những kiến thức này không được coi trọng. Tâm lý “trọng kinh nghiệm”, ỷ vào học kinh nghiệm sau khi ra trường khiến ngành giáo dục lâu nay nhận nhiều kinh nghiệm đau xót. Nếu các giáo sinh cứ tiếp tục tâm lý “chờ rút kinh nghiệm”, không lấy khoa học nghiệp vụ làm nền tảng thì phải chăng những bài học kinh nghiệm như “18 phút”, “nhéo chỗ kín” và lần này là “học sinh nhảy lầu” vẫn chưa đủ cảnh tỉnh?

  • Nhã Uyên