- Nhiều bậc cha mẹ hiện vẫn chưa chịu thú nhận sự bất lực của mình đối với thị hiếu và lối sống của con cái. Câu mà chúng ta thường nghe là: “Trẻ con bây giờ chúng nó thế”. Giao lưu với bọn trẻ hôm nay - thế giới ngày mai về những khác biệt hôm nay với những gì thuộc thời sôi nổi của các U60?

Khai mào

Thế hệ được sinh sau ngày miền Bắc giải phóng (nửa sau 5X, toàn bộ 6X…) thường được dạy rằng danh dự quý hơn tiền bạc, thậm chí được lợi (chức quyền, tiền) mà mất danh (danh dự), thì cầm bằng là mất. Rằng cần phải tương trợ bạn bè (giúp bạn thậm chí hơn giúp mình…), thoái thác, bội ước (không chung thuỷ, phản bội) là xấu… Những điều này hiện vẫn đang bàng bạc trong các trang sách, theo nghĩa là bạc thếch (trở nên loãng, nhạt, vô vị), nếu ta nhìn thẳng vào thực trạng.

Hiện có ý kiến cho rằng sách vẫn dạy những chuyện cổ “chê người giàu”, làm trẻ em hôm nay đố kỵ, hẹp hòi. Chính U60 cũng từng được dạy rằng buôn bán, dù để sinh nhai, là trục lợi (xấu), làm giàu lại càng xấu. Vì nền sản xuất kiểu xô viết vẫn hướng vào đảm bảo phúc lợi xã hội, không định hướng lợi nhuận… Vì thế, hành vi của U60 lúc nhỏ, về cơ bản, chỉ cần chăm ngoan là đạt yêu cầu.

Với xã hội hôm nay, mọi thứ đều có thể là hàng hoá, với sức tiêu thụ vô biên, cách hưởng thụ vô cùng đa dạng, những chuẩn mực đạo lý theo kiểu phải sống đúng mực, “một vừa, hai phải” thôi, không được “quá quắt”, đã thuộc diện “cơ nhỡ”.

Hoặc bán mình, hoặc bán bạn. Báo AiF (Nga)

Trong xã hội định hướng thị trường có yếu tố tư bản nguyên thuỷ, sự sùng bái tiền nong dường như đang thắng thế. Thăng tiến trên đường hoạn lộ dường như chỉ nhờ “mạnh gạo, bạo tiền”, không còn nhờ công lao phục vụ sự nghiệp dân giàu nước mạnh (!). Niềm tin vào công bằng xã hội giống “miếng da lừa” hơn, so với thời bao cấp. Thông hành vào đời càng ngày càng không giống với lương tâm nghề nghiệp và kỹ năng lao động, nhu cầu hàng ngày. Còn năng lực “ve vãn” (làm thân bằng mọi cách, mọi giá) với chốn quan quyền để chia sẻ tiền chùa hay “mẩu bánh tài nguyên” dường như đang trở thành “kỹ năng sống” quan yếu hôm nay?

Trước kia, do những chập chờn của van - vòi (các cơ cấu điều tiết) trên khâu phân phối lưu thông, không phải ai cũng tin tưởng vào khẩu hiệu “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Còn hôm nay là sự mất định hướng về đích sống và đạo lý, ai tin, tin ai, có nên tôn thờ thần tượng, nếu có, thần tượng nào?

Tôi cố bắt chuyện với mấy cháu con của bạn mình, sinh khoảng giữa thập kỷ 80 và 90, thuộc diện “đỗ đạt”. Tất cả các cháu này đều ngoan, bố mẹ đều khá giả, hoặc làm quan chức. Một cháu học kế toán ở Singapore về, đi làm cho công ty được 5 triệu đồng/tháng, nhưng kêu ca là phải đi học lại kế toán kiểu Việt Nam(!).

Một anh tài học Quản trị kinh doanh ở Australia về hơi “muộn”, đi làm part – time được 2 triệu, rồi mẹ bao thôi ở nhà cho “khoẻ”, tính sau. Một cậu khác học Canada về làm cho nhà nước, sáng vác ô đi… trưa vác về, bố mẹ bao “toàn tập”.

Một cô học trong nước, nhưng làm lập trình, lĩnh lương khoảng 700 đô, rất hiểu biết, duyên dáng, không có vẻ gà công nghiệp, chia sẻ rằng hiện chưa quan tâm được điều gì hơn ngoài đồng lương. Một cô nữa ở lại nơi du học vì được một công ty nước đó thuê, đang hỏi mẹ xem có nên phẫu thuật ngực, vì “quân dung” của cô trong chiến trường – thị trường bị xem là chưa mấy sexy (!). Một cậu nữa “con ngoan, trò giỏi”, nhưng mẫu thân cho rằng cháu nên chia tay với cô bạn gái quê nhà để mẹ có được dâu ngoại, màu da bất kỳ, miễn là dẫn tới cái thẻ có màu xanh…

Độc thoại

U60 chúng tôi cố lôi kéo thế hệ @ vào tranh luận, nhưng phần lớn bọn trẻ thường thiết tha, cùng lắm chiếu cố cho một số ý kiến “chỉ đạo”. Họ có nhiều không gian để hiện hữu, kể cả không gian ảo, vì thế không có thời gian. Hơn nữa, họ phải cố làm ra tiền.

Đành độc diễn, U60 nghĩ rằng ngoài các định hướng rõ rệt về luân thường đạo lý, thế hệ 5X, 6X được thụ hưởng một văn hoá đảm bảo đủ hướng ngoại mà không lai căng (không ít truyện thiếu nhi hay, có cả kịch có tính giáo dục sâu sắc dành cho thiếu nhi, nhiều phim hồn nhiên mà sâu sắc, cảm động…), có cả các “anh hùng thiếu nhi” thực sự, cả trong chiến đấu (như Nguyễn Bá Ngọc…), trong lao động, có những gương cõng bạn nhiều năm tới trường xa.

Trên nền tình trạng hình sự và giao thông của xã hội hôm nay, các U60 còn cám cảnh cho rằng đa số con cháu mình không hạnh phúc bằng tuổi thơ của họ, dù từng phải đội bom đạn trên đầu, học đèn dầu dưới hầm, viết giấy đen làm từ rơm, thậm chí ăn đói, mặc rét…

U60 cho rằng, thế hệ về sau dù bằng cấp có vẻ cao hơn, nhưng về văn hoá không bằng ông cha, tổ tiên.

Phê phán

Phàn nàn về những @ tệ hại có nhiều. Nhưng nổi lên, là ý kiến chê những ai thiếu chung thuỷ, thiếu nguyên tắc trong họ. Riêng tôi ngại nhất là họ thường có vẻ dễ thoả hiệp, dễ dàng chấp nhận bất công. Cũng có thể họ “kịch”, hoặc “máu lạnh” hơn U60 nói chung (?). Chỉ hy vọng khả năng dàn xếp siêu việt của họ đừng có mở rộng sang lĩnh vực lợi ích chính trị, kinh tế của cộng đồng theo tiếng gọi của tình yêu tiền, là được.

Kể từ ngày định hướng thị trường, càng có nhiều hơn những ai (và cả một số U60), tuyên bố xanh rờn rằng họ yêu tiền. Chắc họ muốn công bố hoành tráng quyết tâm muốn làm ra doanh thu lớn. Cũng chả sao, miễn là điều đừng ngụ ý là sẵn sàng bán mình, hoặc bán người khác (bạn, đồng nghiệp, người thân…). Bán mình cũng có hai “lĩnh vực”, bán thân xác, và bán tâm hồn.

Một dạng nữa của tuyên bố hoành tráng trên là “ở đâu có tiền đó là quê hương”.

Càng ngày, càng có nghe nhiều hơn phàn nàn, rằng thế hệ 9X (ra đời nhờ bà đỡ “kinh tế thị trường”) không chỉ thực dụng, mà dường như dữ dằn, đến mức thiên “chơi rắn”, không quan tâm đến đạo lý, nhờn luật. Hay ít nhất, cũng là những nguyễn@lôm.côm, chưa nóng đã bật điều hoà, chưa lạnh đã hò máy sưởi.

9X thường thân thiện khi không được yêu cầu làm gì, và nhất là khi có nhu cầu gì đó. Nhưng họ dễ trở nên dữ tợn khi được yêu cầu làm việc, kể cả những việc vặt trong nhà. Một số vị thậm chí đã có tư duy “dự án”, để làm gì bố mẹ cũng phải đưa tiền, hay ít ra phải tạm ứng. Thường làm kiểu “công nhật”, khi chất lượng hoàn thành kém có thể vẫn xoè tay đòi tiền.

Con gái 9X thường không “nữ công gia chánh”, con trai thường chẳng mấy đàn ông, quảng đại, mà hoặc ngù ngờ, hoặc ngược lại, hung hãn. Thường đua đòi, ưa hưởng thụ nhưng vô cảm…

Nhiều đại diện của thế hệ @ ngày thường có vẻ dễ thương cho tới khi cùng phụ huynh chạm vào một nguyên tắc nào đó: phải thực hiện cho được điều (tốt nhưng khó khăn) này, hoặc triệt để loại trừ (thói quen xấu) kia, thì bộ mặt thực rất chì, rất cùn của họ mới lộ ra. Cuộc đấu tranh với cái xấu trong họ do phụ huynh tiến hành kéo dài có khi tới thập kỷ. Nhiều vị như không hề lớn lên về phương diện “người’ trong giai đoạn đó.

Vẫn có quyền hy vọng với thời gian, họ sẽ tốt lên, nhưng số sa ngã chắc không ít.

  • Lê Đỗ Huy