- Nguyễn Quang Thạch từng 3 lần bỏ các công việc có mức lương tốt, điều kiện làm việc tốt ở PMU85 của Bộ Giao thông vận tải, BTC của Bỉ, Tổ chức Tầm nhìn thế giới… để theo đuổi công việc đưa sách về nông thôn. Lý do đưa ra là “khi ngồi trong phòng máy lạnh hay đi công tác bằng xe con và máy bay, tôi không thấy hạnh phúc như khi đưa sách về cho người dân nông thôn và khuyến khích họ đọc sách”.
Nguyễn Quang Thạch. Ảnh: Hải Hà
Phóng viên: “TÔI MONG RẰNG: Khi đọc xong bức thư này mọi người sẽ CÙNG NẮM TAY TÔI HÀNH ĐỘNG VÌ MỘT VIỆT NAM TỐT ĐẸP HƠN bằng cách tham gia Nhóm hành động sách hóa nông thôn và sẽ chia sẻ cho nông thôn Việt Nam mỗi tháng 20.000 đồng. Tôi kỳ vọng rằng người Việt sẽ giúp người Việt giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn trong thời gian nhanh nhất khi có 3.000 người tham gia vào nhóm này”... Anh căn cứ thế nào khi đưa ra con số đề nghị mọi người đóng góp 20.000 đồng/ tháng trong bức thư kêu gọi đóng góp?
- Có những người khuyên tôi nên đưa ra mức 100 – 200 nghìn đồng.
Tất nhiên, mọi người có thể đóng góp tùy khả năng, nhưng theo tôi con số 20 nghìn đồng nằm trong ngưỡng tiền lương thiện, ai cũng có thể làm được.
Hơn nữa, việc kêu gọi mọi người ủng hộ chương trình với việc đóng góp một số tiền nhỏ hàng tháng cũng là để hình thành nên một thói quen chia sẻ. Tất cả mọi người đều có thể trở thành những “ông Thạch chia sẻ sách cho nông thôn”, chứ nếu chỉ có 1 “ông Thạch” thì bất hạnh cho xã hội. Tôi tin rằng số người muốn chia sẻ sách cho nông thôn không ít trong xã hội chúng ta.
Anh dự kiến khoản đóng góp sẽ dùng cho các hoạt động xây dựng tủ sách và trả lương nhân viên. Liệu anh có e ngại khi nhận lương từ số tiền này vì suy nghĩ của số đông là toàn bộ số tiền ủng hộ phải dành cho sách?
- Trung thực, minh bạch, giải trình, trách nhiệm và tận tâm là những chuẩn mực bất biến trong mọi hành động của tôi.
Muốn đẩy nhanh công việc đưa sách về nông thôn thì những người trực tiếp làm phải có lương để sống và làm việc một cách chuyên nghiệp.
Tôi bỏ việc 900USD/tháng để theo đuổi việc này thì tôi chấp nhận mức lương khoảng 500 USD/tháng từ đóng góp của mọi người nếu được đồng thuận.
Tất cả trẻ em đều được dạy về sự chia sẻ ngay khi chưa sở hữu bất cứ vật chất gì vậy chúng ta là người dạy các em tại sao lại không hành động? |
Tại sao trên thế giới cũng phát triển rất nhiều tổ chức cá nhân thực hiện các hoạt động giúp ích người Việt chúng ta một cách chuyên nghiệp mà chúng ta lại không tự làm được? Chỉ cần có 2.000 người tham gia đóng góp hàng tháng là cũng giúp được 3.000 người có sách đọc, như thế có phải tốt không? Tất nhiên, kèm theo là sự đòi hỏi phải minh bạch cho tất cả các hoạt động.
Tôi đã tham vấn trên Facebook thì hầu hết đề xuất tôi nhận 10.000.000/tháng để hoạt động nhưng trên thực tế vẫn phải tham vấn thêm các trang mạng.
TÔI KHÔNG NGẠI THỪA NHẬN MÌNH ĐÃ TỪNG THẤT BẠI
Tại sao anh bắt đầu từ mô hình tủ sách dòng họ?
- Tôi muốn đánh thức ý thức dòng tộc của các công chức, trí thức đang sinh sống ở thành phố, khi mà hâu như ai cũng có một quê hương, dòng họ. Thực ra tôi đã nghĩ đến việc dựa vào các chi hội cấp thôn xóm để xây dựng các tủ sách nhưng khi đi khảo sát thực tế thì không thể thực hiện được vì hầu hết người được phỏng chỉ có mong muốn nguồn lực từ nơi khác chứ không tự thân vận động. Với tủ sách dòng họ, tôi chỉ góp một phần đối ứng tương đương 50% giá trị tủ sách, nghĩa là cả nguồn lực của dòng họ và bên ngoài phối hợp, như thế mới bền vững.
Hiện tại các mô hình tủ sách thu hút người đọc như thế nào và có tác động gì khác?
- Tôi đặt mục tiêu khi có một tủ sách dòng họ ra đời, chỉ cần 1 tháng có 1 đứa đọc sách. Nhưng thực tế, đã vượt hàng chục lần, có những tủ sách gấp hàng trăm lần. Cụ thể, tủ sách họ Đỗ, thôn Đâu Kiên, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, Hải Phòng có 235 độc giả thanh thiếu niên.
Về tác động của mô hình tủ sách dòng họ thì những người làm Dự án 1 vạn cuốn sách về huyện Lệ Thủy-Quảng Bình, mô hình tủ sách Ấp tôi ở Sóc Trăng đều nói là lấy ý tưởng từ mô hình tủ sách dòng họ. Điều quan trọng là nhiều dòng họ đang tự xây dựng tủ sách chỉ nhờ tôi tư vấn cách làm mà thôi.
Nguyễn Quang Thạch quan niệm, muốn phá vỡ thành trì “ít đọc” rất chắc chắn của người dân nông thôn phải dùng những yếu tố tác động từ chính cộng đồng là các em nhỏ. |
Với tủ sách phụ huynh, tôi cho rằng sẽ được nhân rộng còn hơn tủ sách dòng họ. Qua một năm hoạt động, tủ sách đặt tại lớp học tăng số sách được mượn đọc tại chỗ gấp 50 lần thư viện nhà trường; số sách mượn về nhà gấp 10 lần thư viện nhà trường. Dựa vào tần suất tiếp xúc bằng mắt đối với sách và tâm lý đám đông, 20% học sinh đọc sách tại lớp thì 80% còn lại cũng sẽ bị kích thích khi có tủ sách ngay tại lớp mình.
Đặc biệt, trong Đề án phát triển văn hóa đọc quốc gia, tủ sách dòng họ được đưa vào danh mục khuyến khích xây dựng.
Tương tự, tỉnh Hà Nam có văn bản chỉ đạo phát triển tủ sách dòng họ, hay Nghệ An hỗ trợ một phần sách và tập huấn kỹ năng quản lý tủ sách cho các dòng họ, Thái Bình và Hải Phòng thì tặng sách báo cho các dòng họ.
Nói thẳng ra là có những tủ sách thất bại thảm hại. Khi trình diễn mô hình đầu tiên, tôi cả tủ lẫn sách, đương nhiên ai dòng họ nào chẳng nhận. Khi bên nhận không có ý thức tự thân thì không thể bền vững được.
Phụ nữ nông thôn tiếp cận được tủ sách ở mức độ nào?
- Phụ nữ nông thôn, kể cả thanh niên nam nữ, đọc sách không nhiều, chủ yếu là trẻ em.
Người già thì những trí thức về hưu mới hay đọc. Đây là hệ lụy của việc thiếu sách từ nhiều năm nay, dẫn đến việc đọc sách rất ít.
Chính vì vậy, tôi phải lập ra mô hình tủ sách phụ huynh để tạo tác động ngược (nước duyềnh ngược).
Nếu trẻ con đọc sách ở lớp không hiểu về nhà hỏi bố mẹ, bố mẹ không biết, không trả lời được sẽ xuất hiện nhu cầu tìm đọc sách để giải đáp thắc mắc cho con trẻ.
Hay ngay cả giữa học sinh với thầy cô giáo. Sau thời gian xuống các địa phương xây dựng tủ sách tôi phải nói rằng ở nông thôn ngay cả giáo viên cũng đọc sách rất ít.
Muốn phá vỡ thành trì “ít đọc” rất chắc chắn của người dân nông thôn phải dùng những yếu tố tác động từ chính cộng đồng là các em nhỏ. Khi hai bên cùng chịu tác động để có kiến thức giao hòa, không phải là sự áp đặt, dân trí mới phát triển. Từ lớp nhỏ đã đọc sách về giới tính, y học để có kiến thức ảnh hưởng sau này.
Tôi cũng rất đau lòng khi đọc những tin phụ nữ bị lừa bán rât dễ dàng. Kiến thức trực tiếp là một mặt. Nhưng mặt khác nếu cho người ta tri thức thì khát vọng sống sẽ cao hơn, sẽ không bị lừa bởi những thứ phù phiếm, vớ vẩn.
TÔI MUỐN ĐƠN GIẢN HÓA MỌI VIỆC
14 năm và khoảng 5.000 USD vì các mô hình tủ sách, không nói đến số tiền, anh định dành toàn thời gian cho các tủ sách đến bao giờ, hay sẽ là mãi mãi?
- Tôi đặt mốc đến năm 40 tuổi sẽ hoàn thành về cơ bản việc xây dựng các tủ sách. Nhưng việc này có ma lực rất lớn đối với tôi, nên cũng không thể nói chắc chắn được.
Anh có thấy mình mất gì khi làm công việc này?
- Được, với tôi thì nhiều. Còn nói đến chuyện mất thì những người như tôi cũng chịu nhiều áp lực. Như từ chính những người thân cho rằng tôi làm những việc không đâu.
Ngay vừa đây thôi, vừa bỏ việc 900USD/tháng để kêu gọi 20.000/tháng của mọi người và chấp nhận mức lương khoảng 500 USD/tháng nếu mọi người đồng ý thì cũng là sự “tiêu hao 400 USD/tháng” về tài chính.
Hay như hiện tại, vợ con tôi vừa chuyển vào TPHCM sống vì vợ tôi chuyển công tác, nhưng tôi vì việc này mà vẫn ở lại Hà Nội. Nhiều lúc nhìn thấy trẻ con mà rất nhớ con mình. Tôi hy vọng sự tận tâm của bố sẽ có ảnh hưởng tới con cái sau này.
Nguyễn Quang Thạch hy vọng sự tận tâm của bố sẽ có ảnh hưởng tới con cái sau này. |
Ở độ tuổi 20, người ta thường mơ về những thứ xa xôi và rộng mở. Tại sao anh lại có ý tưởng lập tủ sách dòng họ từ độ tuổi rất trẻ như vậy?
- Tôi định dạng cuộc sống từ rất sớm.
Từ năm 1981 bố tôi đã dạy toán miễn phí cho con em nông dân. Đến năm 1993, do tôi học xong THPT không thi đại học mà bố tôi buồn, nghỉ dạy. Hai năm sau, đến năm 1995, khi vào đại học thì bố tôi mới dạy lại, và dạy đến tận bây giờ.
Tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi cách sống mang tính Phật của bên bà nội. 5 tuổi, tôi đã được nghe câu chuyện ăn trộm bị đuổi đánh chạy vào nhà cha bà nội, cụ cho người đó trốn vào bồ thóc và bảo “con trốn vào đây không người ta đánh con đau”.
Người này sau đó đã không còn đi ăn trộm nữa. Hay việc bà san sẻ phần cơm cho những cụ già hàng xóm trong những năm bao cấp đói khác là giá trị đẹp đẽ luôn trong tâm thức tôi.
Hay việc em ông nội tôi xây trường cho dân học trong thời Pháp thuộc… Từ rất sớm, tôi đã được định hướng sống phải có “giá trị”, và chia sẻ với cộng đồng là “giá trị” sống của mình. Với nền tảng như vậy, sự lũy tích những điều tệ hại trong đời sống như sự nịnh bợ, dối trá, tàn nhẫn, vô cảm mình gặp trong đời sống làm cho tôi suy nghĩ rằng TRI THỨC là thuốc chữa cho các bệnh đó.
Và dĩ nhiên, sách là phương tiện truyền tải thuốc chữa bệnh cho tâm hồn và kiến tạo tri thức mới. Những cuốn sách nói về anh hùng, hiệp sĩ và những nhà tư tưởng luôn cuốn hút tôi và tôi muốn tất cả thanh thiếu niên nông thôn có điều tương tự.
Nhưng chắc cũng phải có sự kiện đặc biệt để anh bắt tay vào việc từ tuổi 22?
- Lúc học xong THPT tôi chưa đi học đại học ngay vì khi đó gia đình tôi mới mua được một mảnh đất nhỏ ngoài thị trấn.
Lúc đó, kỳ vọng của tôi là kiếm đủ tiền làm nhà nên tôi quyết định đi buôn bán, làm thuê kiếm tiền.
Một lần, khi tôi đi phụ xe, phải chuyển hàng, vô tình làm rách bao bột mì. Chủ hàng chửi mắng tôi rất thậm tệ.
Tôi đã rất tức giận, đá tung bao bột rồi bỏ đi. Khi đó, giá trị gia đình xuất hiện như một điểm tựa để tôi nhìn lại mình. Tại sao gia đình, dòng tộc mình sống như vậy mà mình lại chịu sự đối xử như thế này? Và khi đó tôi quyết định phải đi học lại, tự mua sách tiếng Anh về học để đi thi.
Do thời gian chuẩn bị cho việc thi đại học ít nên không đỗ được hệ chính quy mà học mở rộng ở Đại học Vinh, nuôi mong ước trở thành ông giáo làng. Cú sốc xã hội về sự vô cảm của hàng ngàn sinh viên trong năm 1996 đã làm cho tôi nghĩ đến việc đưa sách về nông thôn.
Cuối năm 1996 bị hỏng mắt trái và ý đưa sách về nông thôn cũng manh nha trong năm đó nên năm 1997 tôi bắt đầu tiến hành khảo sát để thiết kế ra các mô hình tủ sách.
Nói chung, sau 10 năm mới triển khai được mô hình vào năm 2007, vẫn là một sự chậm trễ. 14 năm nay, cứ lúc nào thay đổi thời tiết thì mắt mổ của tôi lại đau buốt đến tận óc, cũng nhờ vào yếu tố mắt hỏng mà tôi luôn sống gấp, làm gấp để ước vọng của mình sớm hoàn thành.
Còn kế hoạch đào tạo “đệ tử chân truyền”?
- Hiện nay cùng đồng hành với tôi là các dòng họ và một số tình nguyện viên. Nhưng tôi không muốn tiếp tục có một kiểu “ông Thạch” như thế này, mà tôi kỳ vọng thành viên của các dòng họ chính là tôi.
Đơn giản thôi, những người con cháu của dòng họ nếu có điều kiện bỏ vài trăm, một triệu đồng mua sách đóng góp cho tủ sách của chính dòng họ mình đã là quan trọng nhất.
Hay trong những người tham gia nhóm hành động sách hóa nông thôn sẽ cùng với sự đóng góp của cả nhóm về xây dựng tủ sách tại quê hương mình. Tôi muốn đơn giản hóa mọi việc chứ không phức tạp để làm gì cả.
Xin cảm ơn anh.
Đã có hơn 1.000 người đăng ký tham gia và số tiền đóng góp đến 14/1/2012 đạt 84.000.000 đồng. Số tiền đóng góp đã vượt quá kỳ vọng của Nguyễn Quang Thạch. Chính cộng đồng đã tự huy động được 60.000.000 đồng để cùng xây dựng được 42 tủ sách phụ huynh và 4 tủ sách dòng họ sau 2.5 tháng kêu gọi.
- Chi Mai (Thực hiện)