Nó nói: "Khi nào mẹ về hưu thì con sẽ đón mẹ sang, nhà dưỡng lão ở bên ấy điều kiện cực tốt...” – chị nghe mà lòng nặng trĩu. Lẽ nào chị cho con đi du học là một cuộc đầu tư thất bại?
Nó xinh đẹp, tự tin, năng động, độc lập nhưng lạnh lùng và hiện đại quá... (Ảnh minh họa) |
Anh bị ung thư tụy. Không phải đến lúc nhập viện anh mới biết. Anh biết từ lâu rồi và cũng biết bệnh anh không thể cứu chữa được. Anh đã gặp vài người cùng bệnh như anh. Họ đã đi chữa khắp nơi, tốn hàng núi tiền nhưng bệnh tình càng ngày càng xấu đi. Họ sống trong đau đớn, vật vã.
Không chỉ thế mà người thân của họ cũng khốn khổ, vất vả vì chăm sóc, lo lắng và chịu những cơn cáu bẳn vì đau đớn của họ. Anh thương vợ con và cũng không muốn mình phải kéo dài đau đớn, nên anh đã giấu.
Anh cương quyết không chữa trị, anh bảo: “Tiền đấy để cho con đi học...”. Trước khi lên thiên đường, anh dặn chị đến 3 lần về chuyện cho con du học. Anh mong ước con được học hành thành tài để cho con và cả cho đất nước... Mong ước của anh trở thành gánh nặng oằn vai chị. Vì lới hứa với chồng, vì tương lai của con mà chị nhủ lòng: Mình đói khổ, vất vả thế nào cũng phải cho con du học...
Để con chuyên tâm học hành, chị không cho con đi làm thêm, chị động viên con: Học chỉ vài năm thôi, con cố học tốt để lấy kiến thức, sau này làm việc cho tốt. Chuyện tiền nong mẹ sẽ lo... Nhưng chẳng thể nào tính cho hết được với thời cuộc. Mới đóng xong học phí nửa năm đầu thì giá ngoại tệ tăng đến chóng mặt. Tính chi phí cho một năm thì bây giờ chỉ đủ nửa năm học.
Vốn liếng hai vợ chồng chị gom góp từ những ngày anh còn sống, cộng với thu nhập của chị và số tiền chị làm ngày làm đêm đến kiệt sức con mới học xong 3 năm phổ thông và 2 năm đại học. Chị đành đổi căn hộ hơn trăm mét vuông lấy căn hộ năm mươi mét vuông để lấy tiền cho con học nốt 2 năm cuối đại học.
Nhưng chị chẳng tiếc. Nỗi vất vả, nhọc nhằn của người mẹ được bù đắp bằng tấm bằng xuất sắc của cô con gái thông minh. Chị hạnh phúc và tự hào đến ngạt thở khi con gái thông báo được nhà trường nhận làm trợ giảng một năm, cô sẽ cùng người yêu về thăm mẹ một tháng. Chị như đi trên mây, lòng vui như hội, cứ đếm từng giờ mong ngày con về.
Vậy mà đến ngày đã hẹn, nó lại thông báo: Về thành phố Hồ Chí Minh và ở lại trong đó vài ngày để đưa người yêu đi du lịch rồi mới ra Hà Nội thăm mẹ. Chị hẫng hụt nhưng thấy con nói hợp lý nên cũng nguôi ngoai. 10 ngày sau chị cũng được ra sân bay đón con, nước mắt chảy như suối. Chị ôm con vào lòng chẳng muốn rời ra, vậy mà vừa lên taxi con gái đã bảo: “Mẹ ơi, chúng con về khách sạn, khoảng 2 giờ sau chúng con sẽ đón mẹ ra nhà hàng ăn tối nhé...”.
Chị thót lòng, bối rối nhưng cái lý của con: Muốn ở khách sạn cho tự do, ăn hàng cho lịch sự mà mẹ cũng đỡ vất vả... Nỗi buồn ở đâu cứ chạy trong người chị. Những ngày con còn nhỏ, đi đâu chị cũng tha con đi. Con bé quấn mẹ, chẳng chịu rời, ai cũng bảo nó là cái đuôi của mẹ.
Ngày đầu mới xa mẹ, một ngày nó gọi điện về cho mẹ mấy lần, lần nào cũng sụt sịt khóc nói muốn về. Vậy mà mấy năm du học, nó đã thành người khác. Nó xinh đẹp, tự tin, năng động, độc lập nhưng lạnh lùng và hiện đại quá. Nó đến khách sạn ở chung với người yêu coi là đương nhiên, mẹ nhắc, nó còn cười rũ rượi, bảo: “Thế mẹ nghĩ con ở bên kia ngủ một mình sao? Mẹ quê quá”.
Con về rồi lại đi nhưng nó để lại cho chị một cảm giác mất mát đến đau lòng. Trước khi đi, nó nói: “Con sẽ cưới nó để nhập quốc tịch bên ấy, sống được thì sống, chán thì chia tay nhưng con sẽ ở lại bên ấy làm việc, chứ không về Việt Nam đâu. Về Việt Nam không thể sống nổi... Khi nào mẹ về hưu thì con sẽ đón mẹ sang, nhà dưỡng lão ở bên ấy điều kiện cực tốt...” – chị nghe mà lòng nặng trĩu.
Lẽ nào chị cho con đi du học là một cuộc đầu tư thất bại? Chị thấy tiếc. Con bé học rất giỏi, nó thông minh, có tài, chị đã tin tưởng, hy vọng vào nó. Chị thấy buồn khi nghĩ đến mong ước của chồng: Cho con du học để cho con và cả cho đất nước...
- Theo Lê Trần (Phụ nữ Việt Nam)