- Nói tại hội thảo về giáo dục đại học sáng nay (8/2), ông Nguyễn Văn Nhã, trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội ví von: "Trong một đình làng, ông nào cứ con trai mà lên ngồi chiếu trên cũng không được. Vì vậy, phải có chiếu trên, chiếu dưới. Không phải cứ CĐ hôm nay, ngày mai lên ĐH là đòi quyền tự chủ".
Các chuyên gia, nhà khoa học cùng tìm giải pháp "Đổi mới giáo dục ĐH ở Việt Nam". Ảnh Văn Chung |
Những vấn đề nóng liên quan đến đổi mới giáo dục ĐH như: phân tầng ĐH, trao quyền tự chủ...được bàn thảo tại hội thảo “Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng lãnh đạo các trường thuộc ĐHQG Hà Nội.
Vấn đề phân tầng ĐH được người đứng đầu ngành giáo dục đưa ra và nhận được nhiều ý kiến tranh luận của lãnh đạo các trường thuộc ĐHQG Hà Nội.
Trưởng Ban đào tạo, ĐHQG Hà Nội Nguyễn Văn Nhã giọng cương quyết: “Tôi ủng hộ việc tăng thêm 115 trường ĐH, 150 trường CĐ đến năm 2015 nhưng phải có sự phân tầng để đầu tư của nhà nước và xã hội có hiệu quả hơn. Sinh viên theo đó cũng dễ lựa chọn trường phù hợp để học”.
Ông Nhã ví von: “Trong một cái đình làng, ông nào cứ có con trai mà lên ngồi chiếu trên cũng không được, lộn xộn. Vì vậy, phải có chiếu trên, chiếu dưới. Không phải cứ CĐ hôm nay, ngày mai lên ĐH là đòi quyền tự chủ.
Tự chủ cái gì, như thế nào? Vì thế nên phải phân tầng”. Theo ông Nhã, sứ mệnh của ĐHQG Hà Nội khác các trường ĐH, đó là “đào tạo tinh hoa”.
Học được kinh nghiệm của các ĐH Mỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) GS Lâm Quang Thiệp cho rằng nên phân ra 3 tầng: tầng ĐH thứ nhất nặng về nghiên cứu (là những ĐH xuất sắc, có thể phấn đấu đạt đẳng cấp quốc tế), tầng thứ hai nặng về đào tạo, tầng còn lại là các ĐH địa phương, CĐ cộng đồng.
Theo đó, từng tầng sẽ được lấy số lượng học sinh tăng dần, muốn vào tầng cao nhất phải là những lựa chọn nhiều hơn người đã tốt nghiệp ĐH, không đào tạo hệ không chính quy để lấy tiền, bậc cao nhất sẽ được đào tạo tiến sĩ, bậc kế tiếp chỉ được đào tạo Master,…
“Nhưng có trường có hàng trăm ngàn sinh viên lại không muốn là ĐH nghiên cứu vì bây giờ họ đào tạo có nhiều tiền hơn. Muốn làm được thì ngoài chính sách còn cần tinh thần tự nguyện” – GS Thiệp nêu thực tế.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên Bùi Duy Cam cho rằng, hiện nay nếu không đào tạo hệ tại chức, lương giảng viên sẽ rất thấp…
Cần tái cấu trúc ĐH
PGS.TS Vũ Đức Nghiệu, Hiệu phó Trường ĐH Khoa học xã hội&Nhân văn rất cần nhận thức đúng, đặc biệt cần hiểu như thế nào cho đúng về nhu cầu của xã hội.
“Có những ngành trong thực tế xã hội rất cần thiết nhưng phạm vi sử dụng không cao thì không thể không đào tạo như khảo cổ, hạt nhân. Nếu nhìn nhu cầu xã hội chỉ là mong muốn số đông muốn học ngành đó là điều đúng nhưng lệch lạc” – ông Nghiệu nhấn mạnh.
Chuyện học sinh chỉ chọn vào những ngành không đòi hỏi ngặt nghèo mà lương cao, dễ kiếm tiền, ông Liệu cho rằng: “đó không chỉ là thực trạng ở VN mà còn ở nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Indonesia hay Hàn Quốc.”
Nhưng bài toán làm như thế nào để thay đổi nhận thức ấy vẫn còn là câu hỏi khó, lời ông Liệu.
Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Cần phải tái cấu trúc lại ĐH ở Việt Nam. Hiện nay tình trạng các đại học phát triển còn manh mún, tỉnh nào cũng có ĐH, dần dần cần xem xét đến chuyện “dồn điền đổi thửa”.
Còn GS.TS Mai Trọng Nhuận, giám đốc ĐHQG Hà Nội nêu ra 3 vấn đề bức thiết, đó là: “Cần một “khoán 10” trong đổi mới giáo dục ĐH ở Việt Nam”, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao cho các cơ sở giáo dục ĐH. Và cuối cùng là đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước về giáo dục ĐH.
· Văn Chung