- Sinh viên Vũ Ngọc Minh, 19 tuổi, theo học tại Trường CĐ Thương mại và Kỹ thuật Melbourne thuộc ĐH Deakin - Úc bị đánh trọng thương khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Tai nạn của Minh  là vụ việc gây phẫn nộ nhất sau vụ sinh viên Hồ Phương bị cảnh sát Mỹ sử dụng vũ lực một cách quyết liệt cách đây hơn một năm.

Những gì viết sau đây không có ý liên hệ tới các vụ việc trên. Tác giả chỉ muốn nhân sự việc này để bàn thêm đôi điều về ứng xử văn hóa, tránh những cú sốc văn hóa, căn nguyên của những rắc rối không đáng có.


Thầy Nguyễn Quốc Hùng, giảng viên Trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội có lần kể. Cô giáo người Anh mời thầy, khi đó còn là sinh viên, cùng một số sinh viên khác tới nhà ăn tối.
Tuy nhiên, khi đi, lại có thêm một sinh viên khác ngoài danh sách được mời cùng đến. Đám trò nhấn chuông rất tự tin vì nghĩ thêm bát thêm đũa là thêm vui. Nào ngờ, cô giáo mở cửa và tỏ ra ngạc nhiên. Cuối cùng, cô kiên quyết mời vị khách lạ kia về. Bữa ăn tối diễn ra bình thường (với cô) sau đó.  

Chuyện thứ hai xảy ra với chính tôi tại ga Vinh cách đây chục năm. Chuyến tàu đêm chậm hơn nửa giờ. Hai vợ chồng vị khách nước ngoài lo lắng nhìn vé, xem đồng hồ, rồi lại đôn đáo ngó thông báo. Khốn nỗi, toàn tiếng Việt.
Ông chồng mệt mỏi ôm khư khư đống đồ đạc nhưng vẫn có vẻ bình tĩnh. Tôi tiến lại nói, tàu đến muộn, ông bà cứ yên tâm. Tưởng lòng tốt được đáp trả, ít ra là cái gật đầu, nào ngờ ông thủng thẳng: "Ồ, tôi có ngủ đâu?".

Chuyện thứ 3 tại sân bay Kualalumpur – Malaysia. Sân bay này khá lớn với hàng chục cổng vào, những người ít ra nước ngoài như tôi dễ ngợp.

Lần thứ hai sang đây, khi trở về, tôi thử một trắc nghiệm vui do mình tự nghĩ ra. Đó là tìm cổng lên máy bay bằng cách định hướng âm thanh.
Chỗ nào có tiếng người nói to nhất đích thị đấy là chuyến bay sắp về VN. Quả thực không sai. Mấy người Việt làm ở Petronat chẳng biết hứng khởi cái gì mà nói váng trời trước con mắt ngạc nhiên của mọi người.

Sự khác biệt về văn hóa nói trên khiến người dân bản xứ thấy lạ và sốc. Từ lạ và sốc cộng với chút kỳ thị, chút máu yêng hùng tuổi trẻ dễ dẫn đến manh động.

Trước khi viết bài này, tôi đã đọc một số diễn đàn của sinh viên Việt Nam ở Mỹ và ở Úc để lấy thêm thông tin ngoài những gì mình biết.

Một sinh viên người Trung Quốc đang du học ở Úc, chỉ vì chuyển làn đường không bật tín hiệu rẽ mà bị một số thanh niên bản xứ đi xe phía sau theo về tận nhà hành hung.

Hai anh chị sinh viên người Việt sang nước bạn du học thấy khu vườn trước cửa nhà người ta nhiều hoa đẹp, có ghế xích đu bèn nhón chân qua cái hàng rào xinh xinh vào ngồi tình tự. Chủ nhà ngay lập tức gọi cảnh sát. Thiếu chút nữa bị khép tội đạo chích.

Toàn cầu hóa và sự dịch chuyển các dòng năng lực theo quy luật kinh tế thị trường cùng các yếu tố khác khiến cho nhiều quốc gia tây phương thay đổi.

Một người bạn cho tôi biết, Úc cũng đang có sự thay đổi  trong vài năm gần đây. Giá cả sinh hoạt đắt đỏ, cơ hội việc làm khó khăn, an ninh xã hội cũng không bằng trước...

Trong khi đó, trên xe buýt, du học sinh châu Á thản nhiên ngồi trên hàng ghế ưu tiên cho người già và trẻ em khi mà những người này phải đứng. Thực trạng này dễ làm cho dân bản xứ nhen nhóm tư tưởng miệt thị. Từ miệt thị đến kỳ thị cách nhau không xa. Mâu thuẫn rất dễ bùng phát trong những tình huống như thế.

Trước khi du học, học sinh đã nghiên cứu về chất lượng đạo tạo, giá cả, học phí, bằng cấp của trường… nhưng không nhiều bạn tìm hiểu kỹ văn hóa của nước mình theo học trong khi khả năng thích ứng với môi trường mới lại thấp.  

Những va đập về văn hóa xảy ra ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay và trong suốt thời gian học tập ở nước sở tại với nhiều cảnh huống không  ngờ.

Du học không chỉ tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến mà còn học một nền văn hóa mới. Nói cho cùng thì kiến thức tiến bộ học được cũng chỉ áp dụng hiệu quả với từng nền văn hóa nhất định. Vì thế, hiểu biết sâu sắc một nền văn hóa lại càng quan trọng.

  • Ngô Thiệu Phong