Tuy hình thức là thể hiện đàn bà, nhưng những bức tranh ẩn chứa triết lý mà ông đã ngẫm nghĩ cả cuộc đời. Phạm Cung bảo, mình học được từ trường đời nhiều hơn. Đặc biệt, ông đã "đặc tuyển" chân dung thi sĩ Bùi Giáng giữa các bức tranh chuyên biệt về người phụ nữ.


THÔNG TIN LIÊN QUAN


Hoạ sĩ Phạm Cung tâm sự khi ông trưng ra 37 tác phẩm sơn dầu về những người đàn bà tại cuộc triển lãm “Đàn bà trong mắt tôi” ở quận 3, TP.HCM.

Tại sao chân dung Bùi Giáng “lạc chủ đề” bị bao quanh bởi các người đẹp trong triển lãm? Nói với Thể Thao Văn Hóa, họa sĩ Phạm Cung hóm hỉnh: “Bùi Giáng khi còn sống mê nhiều đàn bà đẹp. Bùi Giáng chết rồi nhưng tôi nghĩ linh hồn người đàn ông trong ông vẫn tiếp tục mê đàn bà đẹp. Tôi được diễm phúc vẽ nhiều người đẹp thì cũng nên chia sẻ với Bùi Giáng. Treo chân dung Bùi Giáng giữa muôn trùng người đẹp để ông ấy từ trong tranh bước ra ngắm cho đã mắt”.

Ở tuổi 80, hoạ sĩ Phạm Cung vẫn còn rất tinh anh và hóm hỉnh. Ông bảo, đừng hỏi những câu buồn cười như vì sao tôi lại vẽ nhiều phụ nữ như vậy. Trời đất luôn có âm có dương, đàn ông không thể thiếu đàn bà, đàn bà không thể thiếu đàn ông.

Nhưng đàn bà thì không hoàn hảo như nhiều người ngợi ca, trong họ có cả thiên thần và quỷ dữ, đó là chiêm nghiệm từ đời tôi đấy, ông hóm hỉnh.

Những người đàn bà trong triển lãm rất đa dạng, người Kinh, người dân tộc Nùng, người Hàn Quốc, người Chăm…Mỗi người ẩn dấu một tâm trạng riêng mà không phải ai cũng “cảm” được.

Một điều thú vị về hoạ sĩ Phạm Cung là ông vẽ và viết tay trái, viết từ phải qua trái, ngược với mọi người. Do vậy, muốn đọc những dòng chữ trên các bức vẽ của ông thì phải chiếu nó vào một cái gương và…đọc trong gương.

Dưới đây là những bức ảnh về đàn bà qua con mắt của hoạ sĩ Phạm Cung tại triển lãm.

Bức vẽ “Xin cho bình yên”, vẽ người đàn bà dân tộc Nùng

“Thuý Kiều ngẫm lại Thuý Kiều”.

Bức “Đời con gái”, vẽ một cô gái Hàn Quốc. Họa sĩ tâm sự, người mẫu bức tranh là người đàn bà không chồng, lúc nào cũng buồn u uẩn, không lấy chồng là do số phận.

“Những dòng sông chia rẽ”, vẽ bà mẹ Việt, cảm hứng từ thơ Phạm Duy.

Cô gái xứ Phù Tang.
“Suy tưởng”

Vẽ ca sĩ Thái Thanh, bạn của ông.

“Tờ kinh sử”. Có người thắc mắc tại sao tờ giấy không có chữ, hoạ sĩ Phạm Cung trả lời, từ thời con người chưa có chữ viết, chẳng lẽ không có kinh sử hay sao? Nếu có được viết, chắc gì đã đúng?

Hoạ sĩ Phạm Cung bên bức vẽ thi sĩ Bùi Giáng, bạn của ông. Nhiều bức vẽ của Phạm Cung lấy cảm hứng từ thơ của Bùi Giáng. Sinh thời, Bùi Giáng và Phạm Cung rất thân nhau. Bùi Giáng thường xuyên ăn ở nhà Phạm Cung. Khi họa sĩ Phạm Cung vẽ tranh thì nhà thơ Bùi Giáng cũng xin màu, xin giấy và hí hoáy cầm cọ. Hiện nay, tranh của Bùi Giáng được Phạm Cung lưu giữ thuộc loại nhiều nhất nhưng không có ý định bán. Phạm Cung cho rằng: “Đàn bà trong mắt tôi thế nào thì đàn bà trong mắt Bùi Giáng chắc cũng như vậy".
  • Hương Giang