- Nguyễn Văn Cường sang Malaysia đến nay đã gần 2 tháng. Trường SEGI nơi anh đang học là một trường đại học tư thục vừa nâng cấp lên, được chọn làm đối tác với Việt Nam trong kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nghề chất lượng cao từ nay đến năm 2015.
Các giáo viên nghề Việt Nam đang theo học khóa đào tạo nghiệp vụ tại Trung tâm CIAT, thuộc ĐH SEGI (Malaysia). Ảnh: Hạ Anh

Học từ những thứ đơn giản nhất

Theo chuẩn của Malaysia, trình độ của tay nghề lao động có 8 bậc (còn theo chuẩn của Việt Nam là 7). Cường đang theo học ở bậc 3.

Cường dạy ở trường Trung cấp nghề số 5 (thuộc Quân khu 5, ở Đà Nẵng), ngành Điện – Điện tử.

Với một giáo viên dạy nghề đã hơn 9 năm, những kiến thức mà anh được dạy trong những ngày đầu ở Malaysia chưa thấy khác biệt nhiều lắm so với ở Việt Nam.

Nhưng điểm khác mà anh cảm nhận được rõ nhất là cách thức tổ chức và đào tạo của những đồng môn nước bạn.

“Ở mỗi bậc nghề, họ dạy chỉ vừa đủ kiến thức và những kỹ năng cần thiết, không cung cấp lan man dễ khiến cho học viên bối rối”, anh cho biết.

Một chi tiết nhỏ Cường cũng vừa ghi nhận được là cách tổ chức giờ giải lao, giảng viên không cho học viên đi xa, giờ vào lớp trở lại, cả thầy và trò đêu đúng giờ ngay tắp lự.

Tác phong công nghiệp này tưởng nhỏ, nhưng khi còn ở Việt Nam, anh và cả học trò nhiều lúc du di rồi trở thành cái lệ: “cao su” giờ một vài phút cũng không thấy ảnh hưởng gì.

Cùng với Cường, ở SAGI những ngày đầu năm 2012 này, nhiều giáo viên có thâm niên hoặc mới ra trường, đến từ các trường đại học, cao đẳng và rung cấp nghề  đang theo học  4 ngành: Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Điện tử và Hàn.

96 giảng viên này là “lứa” thí điểm đầu tiên để trong những tháng còn lại của năm nay, sẽ có khoảng 1.000 giáo viên nữa tiếp nối đi Malaysia “học làm công nhân”.

Song song với việc đưa giảng viên xuất ngoại, trong 2 năm 2012 – 2013, Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB và XH) sẽ thí điểm tiêu chuẩn chương trình đào tạo, kỹ năng đào tạo và đến năm 2016 cơ bản giải quyết đào tạo giáo viên "đạt chuẩn".

Tại sao, Malaysia?

Việc đưa giáo viên nghề sang Malaysia học kỹ năng nghề được ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB và XH) nhìn nhận là “bước đột phá về đào tạo nguồn nhân lực nghề chất lượng cao”.

Theo quy hoạch nguồn nhân lực đào tạo nghề của Chính phủ, đến năm 2020 sẽ có 40 trường dạy nghề đạt chất lượng cao, trong đó, có 12  trường đặt mục tiêu “đẳng cấp quốc tế”.

Ông David Arless, Chủ tịch tập đoàn Manpower, tập đoàn hàng đầu thế giới hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ việc làm, tuyển dụng nhân sự cho các công ty, các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới còn “tâm sự”: Một lãnh đạo công ty Hàn Quốc đặt tại Hà Nội từng nói với tôi rằng họ muốn đưa máy móc hiện đại vào Việt Nam nhưng không tuyển đủ số kỹ thuật viên để vận hành máy. - Theo Tố Như - Nông nghiệp Việt Nam
Hiện nay, cả nước có 107 nghề cấp độ quốc gia, 26 nghề cấp độ quốc tế và 49 nghề cấp độ khu vực.

Về chương trình 107 nghề quốc gia, Tổng cục đang hoàn thiện 35 bộ chuẩn.

Với chương trình quốc tế, sẽ tận dụng các dự án thiết kế xây dựng như Đức, Hàn Quốc, Mỹ…Còn “chuẩn khu vực” thì Bộ LĐ-TB và XH quyết định "bắt tay" với Malaysia.

“Malaysia có hơn 1.000 bộ chuẩn đào tạo nghề đạt chuẩn khu vực, có cơ sở vật chất tốt và thành công trong đào tạo nguồn nhân lực. Phấn đấu đạt mức chuẩn như Malaysia là chuẩn khu vực ASEAN” – ông Dũng giải thích.

Tổng cục Dạy nghề đã sang cả Thái Lan và Indonesia thì thấy Malaysia thành công hơn vì đi theo hướng đào tạo nghề của Anh và Úc.

“Trước đây, chúng ta đi theo hướng đào tạo nghề của Đức. Nhưng chính họ khuyến cáo vì đào tạo kép chỉ có Đức mới làm được, gắn với công nghiệp, điều kiện khắt khe, đào tạo phải gắn với doanh nghiệp… Chúng ta rất khó thực hiện như vậy mà chỉ gắn được một phần với Đức”, ông Dũng cho hay.
Cùng với chương trình đưa giáo viên sang Malaysia học lại nghiệp vụ, Tổng cục Dạy nghề còn chuẩn bị gần 30 chương trình đào tạo nghề trong các trường để làm nơi đào tạo giáo viên theo chuẩn quốc gia; thí điểm đào tạo giáo viên trực tuyến. Ảnh: Hạ Anh

Thông qua cầu nối là Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC),  Tổng cục Dạy nghề chọn SEGI làm đối tác cho chiến lược “Malaysia hóa” các giáo viên dạy nghề.

Tập đoàn chuyên về giáo dục SEGI thành lập 1977, hiện có hơn 27.000 sinh viên của 53 quốc gia theo học tại 7 cơ sở đào tạo. Thế mạnh của trường thường được kể tới với các ngành Y khoa, Nha khoa, Dược phẩm, Kinh tế & Kế toán, Kỹ sư -Xây dựng môi trường, Thiết kế - Kỹ thuật, Giáo dục - Khoa học Xã hội, chương trình cấp bằng của Mỹ về Luật, Y tá, quản lý nhà hàng – khách sạn và du lịch, hướng nghiệp và nghề...

Ông Bruce Lim, Phó chủ tịch thường trực ban phát triển tập đoàn khoe: Mới đây, họ còn được Bộ Lao động và Phát triển nguồn nhân lực Malaysia xếp hạng top “6 sao” trong một danh sách so sánh các cơ sở đào tạo nghề ở nước này.

Và dù mới chỉ có 10 sinh viên Việt đang theo học để lấy bằng ĐH, nhưng Việt Nam vẫn được xem là  một trong những đối tác tiềm năng của tập đoàn.

Bài toán hiệu quả


Kết quả khảo sát 10 doanh nghiệp đang sử dụng lao động Việt nhiều nhất tại Việt Nam do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành cuối năm 2011 một lần nữa khẳng định hiện tượng: chất lượng nguồn nhân lực "nội" còn ở dưới ngưỡng đòi hỏi của các doanh nghiệp.
Cụ thể, Việt Nam nằm trong nhóm nước có chất lượng lao động thấp nhất của khu vực.
Những năm gần đây, các chiến lược phát triển nguồn nhân lực liên tục được ban hành, với những mốc thời gian và con số ấn tượng như: Đến năm 2020, sẽ đào tạo 10.000 tiến sĩ ngoại, 10.000 tiến sĩ nội cung cấp nguồn lực giảng viên cho các trường ĐH, CĐ;  đến năm 2015, chuẩn hóa 10.000 giáo viên nghề,v.v..
Bà Thanh Lương, một chuyên gia về lao động và nguồn nhân lực hy vọng các chương trình với số lượng lớn người tham gia như thế này sẽ "đi vào thực chất" chứ  không thực hiện theo kiểu "phong trào".
"Cũng trong kế hoạch, song song với việc nâng cấp “trí tuệ”, chúng tôi sẽ có quy hoạch đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường cho đồng bộ' - ông Dũng cho biết thêm.
Theo ông, những nỗi lo như "làm sao để giáo viên sau khi được nâng cấp tay nghề không chạy sang làm việc cho các doanh nghiệp với thu nhập cao" không quan trọng bằng việc nhà trường cần cử đúng người, đúng đối tượng đi học.
Qua thời gian ngắn ngủi "đi học làm công nhân" ở xứ người, anh Cường hy vọng các trường nghề Việt Nam cũng sẽ có trang thiết bị hiện đại để học viên thực hành và làm quen với môi trường làm việc "y như thật" ngay từ trên ghế giảng đường.
Một điều tế nhị nhưng quan trọng nữa, "thu nhập của giáo viên đào tạo nghề ở Malaysia cũng đủ đảm bảo cho họ không phải chân trong, chân ngoài lo cho cuộc sống của mình sao cho tươm tất" - anh nói.
  • Hạ Anh