- Ở trường, Dương Phương Thuấn khiến bạn bè khiếp sợ, thầy cô lo lắng vì những hành động của mình. Còn ở nhà, bố mẹ em vẫn nói về một cậu con út ngoan, biết vâng lời và được lòng hàng xóm.

THÔNG TIN LIÊN QUAN
Quặn đau sau ngày 'sát thủ' lớp 8 giết bạn
Học sinh lớp 8 giết bạn cướp xe đạp gây chấn động



Trường THCS Trung Chính nơi Nguyễn Văn Thuấn đang theo học đã chứng kiến nhiều hành động chưa ngoan của cậu học trò này.

"Thuấn là con ngoan, biết nghe lời"


Ngôi nhà của Thuấn cách chỉ hơn chục bờ ruộng nhìn từ bờ ao, nơi em giết người, giấu xác. Cách đó không xa là nhà ông bà nội.

Trước khi vào thăm nhà, các công an viên còn kể cho chúng tôi nghe chuyện của ông nội em Thuấn. Ông đã khóc khô nước mắt vì thương và giận cháu.

Cả một đời binh nghiệp, từng bị địch bắt tù đày ở nhà tù Côn Đảo bao năm trời ông chịu được. Vậy mà thằng cháu nghịch tử khiến ông gần như chết lặng.

85 tuổi, cũng gần đất xa trời, ông phải chịu cái tiếng xấu với làng với xóm đến độ chẳng đủ sức mà bước ra khỏi nhà.

Thấy chúng tôi, bà nội em cũng nước mắt ngắn dài rồi xin lui về nhà.

Bố của Thuấn, anh Dương Phương Hiếu, mở đầu câu chuyện bằng lời trách móc cậu con trai út (nhà có hai anh em, người anh đang học lớp 11):

“Con với cái, làm khổ mẹ cha. Cháu làm cả gia đình tan nát”. “Gặp cháu sau khi bị bắt giữ, mình hỏi thì cháu nói con biết dại rồi. Xin lỗi bố”. Bố cũng rơm rớm bảo con “giờ cũng chẳng hối lại được đâu con ạ”.

Hỏi về tính cách của Thuấn, anh Hiếu cho biết cháu “cởi mở, bình thường lắm. Nhà không thiếu cho cháu cái gì cả”.

Anh bảo nhà 4-5 cái xe đạp, cũng chưa khi nào Thuấn kêu muốn cái xe đạp mới. “Nhà không giàu nhưng cũng chẳng nghèo, mua cho cháu cái xe thì khó gì đâu”.

Vẫn lời phân trần của người bố:

“Cháu cũng nhiều bạn bè, ai cũng quý. Nó cũng không ghét ai”. Ở nhà anh nấu rượu, chị thì vừa đi lao động nước ngoài về lo chuyện đồng áng. “Nhiều lúc mải làm ăn, nhưng cháu đi đâu, tôi vẫn hỏi han. Tới bữa cơm, cháu vẫn ngồi vào mâm cơm. Buổi tối thì hai anh em lại lên gác học bài”.

Từ trước tới nay, theo lời anh Hiếu thì Thuấn chưa gây sự với ai.

"Chỉ có vừa rồi, Thuấn cùng 6-7 bạn nữa có xô xát. Tôi  vẫn bảo con phải chịu khó học, lên cấp III bố mua xe đẹp cho mà đi”.

Là mẹ của em Thuấn, chị Nhàn cũng đau như đứt từng khúc ruột khi con làm chuyện dại dột.

Chị Nguyễn Thị Nhàn, mẹ của Thuấn ngồi cạnh bên gương mặt rầu rĩ:

 “Cháu ngoan, vẫn hay giúp bố mẹ làm bỗng rượu. Nói là mua, nhưng nhà tôi không chiều, đấy chỉ là động viên, khuyến khích cháu học. Chứ xin tiền chơi game hay làm gì đều không được”.

Rồi chị sụt sùi: “Hôm rồi vừa gặp tôi, cháu đã khóc. Mẹ chỉ biết dỗ con khai hết những việc mình đã làm, rồi sau này có cơ hội  làm lại cuộc đời. Tôi hỏi cháu có rét không, có ăn được không, nó chỉ ậm ừ”.

Đòn roi và dọa nạt

“Bố nào lại dạy con hỏng con hư” (lời anh Hiếu). Ngoài khuyên bảo con học, anh vẫn dọa con “mày nghịch bẩn, trộm cắp ở đâu về bố đánh chết. Còn hồi bé, tôi  chỉ dọa con mà hư là đút vào bao tải vứt xuống giếng”.

Chị Nhàn còn nói thêm: “Bố mẹ không chiều con cái hư. Đi ra đường mà nghịch, hư mà nhà biết là về bố đánh cho bằng kỳ chết thì thôi. Mà bố đánh mình cũng không bênh. Nhưng cháu không đua đòi hay nhuộm tóc xanh tóc đỏ như đứa khác”.

Là cha mẹ, chính anh cũng cảm thấy sốc, thấy run sợ và lúc ấy “muốn bỏ nó đi”. Anh nhận lỗi về mình nhưng cũng ít nhiều nói chuyện trách nhiệm của trường. Anh cảm thấy hối hận nhưng khi hỏi anh chị có hay tìm hiểu tâm tư con anh chỉ nói rằng vì sự việc “bột phát ra nhanh quá, không thể làm được gì”. Bản thân anh giờ chỉ mong sau này “người ta giam giữ, cải tạo để cháu ở đó biết suy nghĩ, trưởng thành hơn”.

"Cậu học trò lì lợm"


Đấy là hai từ mà Hiệu trưởng Trường THCS Trung Chính (xã Trung Chính, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) Đỗ Ngọc Dũng nơi Thuấn đang theo học dùng để nói về cậu học sinh cá biệt.

Kể từ khi Thuấn vào trường tới nay, theo lời ông Dũng, năm nào cậu học trò này cũng nghịch. “Lớp 6 thì cứ cho cháu chuyển cấp nên ít nhiều tâm lý thay đổi. Nhưng rồi lên lớp  7, lớp 8, cháu vẫn bắt nạt các bạn. Có em cùng chơi có chuyện gì xích mích với bạn là nhờ Thuấn giúp” – ông Dũng cho biết. Dù đó, theo ông “chưa đến mức phải nói em là người quậy phá”. Chuyện Thuấn nhỏ bé nhưng lì lợm, đánh đập các bạn cũng được các công an viên của xã khẳng định.

Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Dũng không quên nhắc chuyện có lần giáo viên phải dắt em xuống phòng ông, lắc đầu ngán ngẩm vì cậu học trò ngỗ nghịch. Rồi chuyện Thuấn bị nhắc nhở, sau đó cãi lại với thái độ bình thản, còn gọi nhờ bác vốn là người “có số má” về tù tội ở huyện tới giúp.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, ông nói nhiều đến biện pháp giáo dục, nêu gương của những người thầy, người làm cha làm mẹ, khi đã chẳng đành thì mới phải cảnh cáo hay kỷ luật thôi.

Ông  nói mình cũng biết chuyện bố em thường dạy con bằng đòn roi, đánh đập. “Sống trong môi trường có bạo lực, lại chính là người bị bạo lực nên cũng không khó hiểu khi Thuấn tỏ ra lì lợm, đáng sợ đến thế” – vị hiệu trưởng buồn rầu.

  • Phong Đăng

Câu chuyện dạy học sinh cá biệt của GS Hồ Ngọc Đại

Ở trường tiểu học của ông, một giáo viên phụ trách lớp đề nghị GS Hồ Ngọc Đại kỷ luật đuổi học một học sinh hư hỏng vì ngày nào cũng đánh bạn, can ngăn, phê bình thế nào cũng vẫn chứng nào tật ấy.


Gặp trực tiếp em đó, ông hỏi : "Vì sao em hay đánh bạn?". Câu trả lời thật bất ngờ : "Thưa thầy, vì hôm nào ở nhà bố em cũng đánh em ạ!".

GS Đại tới nhà em và nói với ông bố nọ: "Tôi muốn anh giúp tôi một chuyện: Ngày mai xin anh dừng đánh con mình một hôm, được không ?".

Ông ta đồng ý. Và ngày hôm sau em bé gọi là "bất trị" nọ cũng không đánh bạn nào.


GS Đại lại gặp ông bố ưa đánh con và đề nghị ông thêm một ngày không đánh con. Sự việc tiếp tục diễn ra tốt đẹp như hôm trước.


GS Đại đến nhà em lần nữa và đề nghị bố cậu bé thôi hẳn chuyện đánh con. Và kết quả là cậu bé cũng không bao giờ đánh bạn nữa.

(theo lời kể của dịch giả Phan Hồng Giang. Xem toàn bài ở đây)