Cuốn Hoa đường tùy bút ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt: năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nạn đói xảy ra khắp nơi, trước thế cuộc ngổn ngang là một nhà văn, nhà báo, đồng thời là quan đại thần dưới triều Bảo Đại, Phạm Quỳnh lui về ẩn dật tại biệt thự Hoa Đường, bên sông An Cựu (Huế) và viết những dòng rời rạc nhưng chất chứa đầy tâm tình kẻ sĩ bị buộc vào một tình thế phải khoanh tay đứng nhìn sự hỗn độn nhiễu nhương của thời thế.
Người trí thức trong Hoa đường tùy bút nhìn thấy trước hết, là chuyện nhân tình thế thái trong thời mình sống:
“Thói đời nóng lạnh, lòng người thắm phai; ai cũng nói thế, ai cũng biết thế, nhưng có từng trải mới thật biết thói đời điên đảo, lòng người xấu xa là dường nào.
Nhất là đã để mình trong trường danh lợi mới biết rõ những trạng thái ô uế ở đời.
Kẻ xu nịnh mình buổi sáng, là người phản bội mình buổi chiều. Kẻ tâng bốc mình hôm qua, là người thóa mạ mình hôm nay. Mà kẻ hàm ơn nhiều nhất lại là người quy oán hơn cả. Không kể phần nhiều thời lựa gió theo chiều, thấy không có lợi đến gần nữa, liền linh lỉnh lảng xa ngay, dù trước kia tỏ ra vồn vã thân mật vô cùng. Trong đám đó tìm cho được một kẻ trung hậu, kiếm cho được một người thủy chung, thật là hiếm có thay” (Thế thái nhân tình).
Ông gọi thời mình sống là thời “mị chúng”, cái gì cũng kêu gào đến quần chúng, nhưng lại không gìn giữ sợi chỉ vô hình của đạo đức, luân lý, phong tục, tập quán, xã hội thiếu kỷ cương, đám đông đứng trước nguy cơ ô hợp, hỗn hào, loạn tạp:
“Nền nếp của gia đình, trật tự trong xã hội, kỷ luật của cá nhân, phần nhiều cũng chỉ căn cứ ở mấy sợi chỉ vô hình do đạo đức tôn giáo đời đời dùng để ngăn cái thị dục vô nhai (không có bờ bến) của người ta, ngăn sự xuẩn động (hành động làm loạn mang tính tự phát) vô ý của quần chúng. Nếu những sợi chỉ ấy mà đứt, thời có nguy hiểm đến văn minh của loài người”.
Và ông cảnh báo nhà cầm quyền: “Kẻ có cách trị dân trị nước, lại càng phải thận trọng lắm và phải nhớ rằng: một dân không biết kính nữa là một dân bất trị vậy”.
Rồi trí thức, trong bối cảnh đó, phải “xuất xử” ra sao? Phạm Quỳnh nhìn vào lối hành xử của cụ Hoa Đường (Phạm Quý Thích) và Nguyễn Du - những kẻ sĩ thời loạn. Hoa Đường, sinh vào thời loạn Lê mạt Nguyễn sơ, tự biết “phận nho quèn” đã cáo bệnh mà lui về ẩn dật.
Trong khi đó, cụ Tiên Điền Nguyễn Du cũng là cựu thần triều Lê, lại đem thân ra phò Nguyễn, không cớ thoái thác, phải miễn cưỡng theo thời rồi nhờ lăn lộn nếm đủ “mùi đời” trường danh lợi mà để lại “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong Truyện Kiều.
Nhìn thấy để ôn cố tri tân, nhưng nhìn thấy là cũng để chua chát khi “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Phạm Quỳnh tự trào cay đắng khi tự nhận mình là “Thiếu Hoa Đường”: “Cũng sinh vào thời loạn là buổi Á Âu xung đột, mà tự khờ dại đem mình ra lăn lộn giữa trong trào hỗn độn, trong thời buổi nhá nhem, không biết cái thân “Nho quèn” đương nổi sao được thời thế, và ở giữa cái xã hội xu thời mị chúng này, ai còn thiết đến kẻ văn nhân nho sĩ, chỉ biết đem một thái độ ôn hòa nho nhã mà đối với cái cuồng mong bác tạp hỗn hào!...”.
Ở đây, có thể nhận ra mối đồng cảm sâu xa của ông với cô Kiều, với thân phận Nguyễn Du, như những người chung “một hội một thuyền”.
Nhưng kinh qua những “mặn lạt mùi đời”, người ta, trong thời buổi hỗn tạp, có cách nào để dưỡng tâm, hay tự cứu rỗi. Trong bài viết nói về sự “ham sống” của con người, Phạm Quỳnh viết: “Ai đã có cái cảm giác rùng mình ghê sợ sự sống, sống mà hãi hùng cái sống, sống mà mệt nhọc vì sống, là người đã sẵn sàng tâm trí để nếm thử mùi thiền” (Muốn sống).
Có 11 bài viết rất ngắn, được viết trong một sự day dứt của nội tâm, ở một “khúc quanh” nghiệt ngã trong cuộc đời kẻ sĩ, Phạm Quỳnh ít nhiều kéo liên tưởng người đọc về câu chuyện vai trò của người trí thức đang là đề tài tranh luận.
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Bìa sách Hoa đường tùy bút |
Người trí thức trong Hoa đường tùy bút nhìn thấy trước hết, là chuyện nhân tình thế thái trong thời mình sống:
“Thói đời nóng lạnh, lòng người thắm phai; ai cũng nói thế, ai cũng biết thế, nhưng có từng trải mới thật biết thói đời điên đảo, lòng người xấu xa là dường nào.
Nhất là đã để mình trong trường danh lợi mới biết rõ những trạng thái ô uế ở đời.
Kẻ xu nịnh mình buổi sáng, là người phản bội mình buổi chiều. Kẻ tâng bốc mình hôm qua, là người thóa mạ mình hôm nay. Mà kẻ hàm ơn nhiều nhất lại là người quy oán hơn cả. Không kể phần nhiều thời lựa gió theo chiều, thấy không có lợi đến gần nữa, liền linh lỉnh lảng xa ngay, dù trước kia tỏ ra vồn vã thân mật vô cùng. Trong đám đó tìm cho được một kẻ trung hậu, kiếm cho được một người thủy chung, thật là hiếm có thay” (Thế thái nhân tình).
Ông gọi thời mình sống là thời “mị chúng”, cái gì cũng kêu gào đến quần chúng, nhưng lại không gìn giữ sợi chỉ vô hình của đạo đức, luân lý, phong tục, tập quán, xã hội thiếu kỷ cương, đám đông đứng trước nguy cơ ô hợp, hỗn hào, loạn tạp:
“Nền nếp của gia đình, trật tự trong xã hội, kỷ luật của cá nhân, phần nhiều cũng chỉ căn cứ ở mấy sợi chỉ vô hình do đạo đức tôn giáo đời đời dùng để ngăn cái thị dục vô nhai (không có bờ bến) của người ta, ngăn sự xuẩn động (hành động làm loạn mang tính tự phát) vô ý của quần chúng. Nếu những sợi chỉ ấy mà đứt, thời có nguy hiểm đến văn minh của loài người”.
Và ông cảnh báo nhà cầm quyền: “Kẻ có cách trị dân trị nước, lại càng phải thận trọng lắm và phải nhớ rằng: một dân không biết kính nữa là một dân bất trị vậy”.
Rồi trí thức, trong bối cảnh đó, phải “xuất xử” ra sao? Phạm Quỳnh nhìn vào lối hành xử của cụ Hoa Đường (Phạm Quý Thích) và Nguyễn Du - những kẻ sĩ thời loạn. Hoa Đường, sinh vào thời loạn Lê mạt Nguyễn sơ, tự biết “phận nho quèn” đã cáo bệnh mà lui về ẩn dật.
Trong khi đó, cụ Tiên Điền Nguyễn Du cũng là cựu thần triều Lê, lại đem thân ra phò Nguyễn, không cớ thoái thác, phải miễn cưỡng theo thời rồi nhờ lăn lộn nếm đủ “mùi đời” trường danh lợi mà để lại “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong Truyện Kiều.
Nhìn thấy để ôn cố tri tân, nhưng nhìn thấy là cũng để chua chát khi “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Phạm Quỳnh tự trào cay đắng khi tự nhận mình là “Thiếu Hoa Đường”: “Cũng sinh vào thời loạn là buổi Á Âu xung đột, mà tự khờ dại đem mình ra lăn lộn giữa trong trào hỗn độn, trong thời buổi nhá nhem, không biết cái thân “Nho quèn” đương nổi sao được thời thế, và ở giữa cái xã hội xu thời mị chúng này, ai còn thiết đến kẻ văn nhân nho sĩ, chỉ biết đem một thái độ ôn hòa nho nhã mà đối với cái cuồng mong bác tạp hỗn hào!...”.
Ở đây, có thể nhận ra mối đồng cảm sâu xa của ông với cô Kiều, với thân phận Nguyễn Du, như những người chung “một hội một thuyền”.
Nhưng kinh qua những “mặn lạt mùi đời”, người ta, trong thời buổi hỗn tạp, có cách nào để dưỡng tâm, hay tự cứu rỗi. Trong bài viết nói về sự “ham sống” của con người, Phạm Quỳnh viết: “Ai đã có cái cảm giác rùng mình ghê sợ sự sống, sống mà hãi hùng cái sống, sống mà mệt nhọc vì sống, là người đã sẵn sàng tâm trí để nếm thử mùi thiền” (Muốn sống).
Có 11 bài viết rất ngắn, được viết trong một sự day dứt của nội tâm, ở một “khúc quanh” nghiệt ngã trong cuộc đời kẻ sĩ, Phạm Quỳnh ít nhiều kéo liên tưởng người đọc về câu chuyện vai trò của người trí thức đang là đề tài tranh luận.
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
- Cùng tác giả: Người Việt ngậm tăm