Nhân đọc mấy bài báo về việc người mẹ Mỹ bất ngờ trước cách dạy con của các bà mẹ Pháp, tôi thấy trong cách dạy con của người Pháp có phần hao hao cách mà ba mẹ tôi đã dạy dỗ khi tôi còn là thằng bé con.
Tôi biết cầm đũa lúc 3 tuổi chứ không ăn bằng thìa như nhiều trẻ bây giờ. Ảnh mang tính chất minh hoạ. Nguồn: vochongtre.com.
Tôi tự cầm đũa lúc hơn 3 tuổi


Tôi không rõ ba mẹ đã dạy tôi cách cầm đũa cầm chén tự ăn một mình từ khi nào nhưng khi tôi có khả năng nhận thức và bắt đầu có khả năng ghi nhớ những sự kiện thì tôi đã thấy mình dùng chén đũa tự ăn một mình một cách dễ dàng.

Tôi còn nhớ lúc khoảng ba tuổi rưỡi, tới giờ cơm tôi luôn luôn ngồi chễm chệ trên ghế ăn cùng với ba mẹ. Ngày đó tôi còn rất bé, nên ba tôi đóng cho tôi một cái ghế đẩu, cao hơn so với những cái ghế khác để tôi còn thể ngồi vào bàn ăn cùng với người lớn.

Tôi luôn được ưu ái cho một đôi đũa có màu sắc khác với màu mọi người dùng, tôi còn nhớ là trong nhà toàn sử dụng đũa gỗ màu đen, riêng tôi có một đôi đũa màu trắng, cái chén tôi ăn cũng có hoa văn khác biệt so với những cái chén còn lại.

Thi thoảng tôi vẫn làm bể chén, khi đó ba mẹ lại mua cho tôi cái khác và lần sau tôi cố gắng cẩn thận dùng được lâu hơn cho đến khi tôi không còn làm rớt nữa. Tôi không bao giờ xúc cơm trong chén bằng muỗng như trẻ con bây giờ, trừ khi tôi ăn cơm bằng tô.

Tôi không biết là ba mẹ đã dạy tôi như thế nào trong cách ngồi vào bàn ăn uống, chỉ biết rằng khi ngồi vào bàn ăn là ăn nghiêm chỉnh như như người lớn. Ngày nhỏ tôi thường được ba dẫn đến các buổi tiệc tùng và liên hoan, tôi luôn ngồi cùng bàn với ba. Tôi không bao giờ chạy nhảy giỡn hớt trong lúc ăn uống, và ngồi tại bàn ăn cho đến khi tàn tiệc đi về.

Khi người lớn nói chuyện, trẻ không được nói leo

Rất nhiều đứa trẻ không được cha mẹ của chúng dạy cho cách cầm chén đũa ăn từ nhỏ, khi ăn phải đút cho ăn đến lúc học lớp ba, lớp bốn, thậm chí có đứa học đến cấp hai rồi mà vẫn chỉ biết dùng muỗng ăn cơm. Nhiều đứa bé khi ăn, cha mẹ phải mở TV, mở đĩa nhạc cho chúng, vừa xem, vừa ăn thì chúng mới chịu.

Con của những người bạn của tôi là một nỗi kinh khiếp khi mà cha mẹ chúng dẫn chúng đến bữa tiệc của người lớn. Chúng luôn được đặc cách có món ăn riêng, mẹ hoặc cha phải đút cho ăn.

Có lần tôi tiếp vợ chồng một người khách, tuổi đã trung niên và có đứa con nhỏ. Anh là một người làm kinh doanh, hôm ấy hai vợ chồng đang ngồi bàn bạc hợp tác với tôi nhưng đứa con trai bốn tuổi của họ cứ chạy lăng quăng trong nhà tôi, thậm chí nó còn chạy lên lầu, nhảy lên mấy cái máy tập tạ để kéo thử.

Quá nguy hiểm nên cha mẹ nó phải chạy theo. Thằng nhỏ chạy long nhong la hét một lúc, rồi trong khi hai vợ chồng đang nói chuyện với tôi thì đứa nhỏ chạy ào lại níu áo ba nó và ré lên "đi về".

Ngày tôi còn nhỏ, tôi và những người bạn của tôi không bao giờ dám ngắt lời người lớn khi họ đang trò chuyện, luôn ngồi yên chơi một mình hoặc chơi cùng những đứa con của khách, không xen vào phá phách, không chạy nhảy la hét làm ồn.

Chúng tôi được dạy dỗ rằng khi người lớn đang trò chuyện thì không được xen vào "ăn cơm hớt", không chạy nhảy phá phách, gây ồn ào ở nhà người khác. Như vậy là hư, vô lễ.

Không mua đồ chơi một cách dễ dàng

Ba tôi không bao giờ mua đồ chơi cho tôi một cách dễ dàng, ông luôn lựa chọn và cân nhắc. Hơn nữa để huấn luyện tính tiết kiệm, ba tôi quy định nếu tôi muốn mua đồ chơi nào đó, tôi phải tự để dành tiền dần dần cho đến khi đủ.

Chính vì thế, tôi rất trân trọng món đồ mà mình mua và tôi giữ đồ chơi của mình rất tốt. Bởi vì muốn có được nó tôi phải để dành từ đồng tiền ít ỏi mà ba mẹ cho tôi, tích cóp dần dần.

Cũng giống như những gì mà bài viết của người mẹ Mỹ đã nói rằng người Pháp dạy con họ ăn uống đúng bữa có giờ giấc rõ ràng, không ăn quà vặt lung tung. Ngày nhỏ tôi cũng thế, một ngày tôi chỉ ăn đúng ba bữa cơm, ăn đúng giờ, không ăn vặt, thậm chí đến trường học tôi cũng không mua đồ ăn lặt vặt như lũ bạn.

Ông bà ta xưa có câu: Dạy con từ thuở còn thơ, quả là rất đúng. Tiếc thay những đứa trẻ bây giờ được ba mẹ chúng giáo dục ngược lại. Chính vì điều đó mà họ rất ngại có con vì nuôi dạy chúng cực khổ.

Đáng tiếc thay quan niệm lệch lạc rằng "Trẻ còn nhỏ, có biết gì đâu, từ từ lớn rồi dạy nó sẽ ngoan, sẽ hiểu" ngày càng phổ biến.

Bạn đọc Ralot Le