- Buổi hội thảo “Phương án 0 tuổi và bí quyết dạy trẻ biết đọc sớm” đã giới thiệu quan điểm, giáo dục trẻ ngay từ giai đoạn mang thai.
TS Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm VSK |
Muốn trẻ biết đọc sớm
Rất nhiều ông bố bà mẹ quan niệm việc dạy chữ cho trẻ chỉ mang lại hiểu quả khi bé đã biết nói (từ 2 – 4 tuổi). Và cũng không ít người cho rằng nhận biết chữ sớm là đánh cắp tuổi thơ của trẻ, là tiểu học hoá, là nhồi nhét, cho trẻ sơ sinh nhận thức mặt chữ là một gánh nặng, áp lực.
Nhưng theo nhà nghiên cứu Lại Thị Hải Lý (Giám đốc tập đoàn Giáo dục VSK), giáo dục đúng cách không phải từ khi trẻ đã sinh ra mà phải dạy ngay từ thời kỳ mang thai. Bà Lý dẫn lời nhà bác học Nga Pavlov : “Đứa trẻ sinh ra mà đến ngày thứ ba mới dạy dỗ thì đã chậm mất hai ngày rồi”.
"Dạy trẻ nhỏ nhận biết chữ là một phần của các trò chơi trong cuộc sống, không hề gây áp lực cho trẻ vì nó không có chỉ tiêu và tiến độ nhận biết mặt chữ, cũng không có yêu cầu chung thống nhất cho tất cả các lứa tuổi" - lời bà Lý. Mục đích đọc chữ sớm là bồi dưỡng niềm đam mê, thói quen đọc sách cho trẻ.
Còn tiến sỹ Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm VSK cho rằng, giáo dục sớm sẽ giúp trẻ biết nói nhanh, nói thông minh hơn, ham thích nói chuyện và chuyển nhanh từ giai đoạn từ đơn sang từ ghép, từ từng từ sang cả câu. Từ đó, kích thích tư duy và khả năng sáng tạo, khám phá ở trẻ.
"Nhiều ông bố bà mẹ Việt quá thương yêu, bao bọc trẻ dẫn đến việc các bé quá quấn quýt bố mẹ. Đó là sự gắn bó không an toàn, thậm chí là cách giáo dục sai lầm" - lời ông Đức. Khi đó trẻ chỉ biết được bố mẹ che chở, bao bọc mà không hề giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Đứa trẻ không được giáo dục sớm thường thích “chui” vào lòng mẹ. Các nhà khoa học gọi đó là “cái hốc nguyên thủy”, ông Đức ví von.
Những nguyên tắc
Các nhà nghiên cứu chỉ ra, vai trò của bố mẹ trong sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, không phải ông bố mà mẹ nào cũng dạy con đúng cách. Vì nhiều trường hợp cha mẹ lạm dụng băng đĩa, ti vi dẫn đến các bé chậm nói, chậm tư duy. Hoặc một số phụ huynh quá nôn nóng, thiếu kiên nhẫn và áp đặt khi dạy trẻ học nói, học chữ khiến các bé “sợ học”.
Ảnh có tính chất minh họa |
Tiếp nhận từ phía phụ huynh những thắc mắc tựa “Sao mẹ dạy mãi mà con không hiểu?”, “Con nhà người ta đọc được bao nhiêu từ mà con nhà mình một từ còn không đọc nổi?”, “Sao con dốt thế?”…chuyên gia giáo dục Lưu Minh Hường phân tích, ít ai biết rằng mọi đứa trẻ dưới 6 tuổi đều có khả năng thần giao cách cảm, chúng có thể nhận biết được tất cả những gì bố mẹ suy nghĩ. Vì vậy, thay vì nghi ngờ, chê bai, các bậc phụ huynh cần tin tưởng hoàn toàn và phải thường xuyên khích lệ trẻ, tránh chê bai.
Theo phân tích của các chuyên gia, để trẻ phát triển trí tuệ, sớm biết đọc và nhận mặt chữ, ngoài việc áp dụng phương pháp 0 tuổi, các bậc phụ huynh phải là những người bạn thân thiết, chia sẻ và đồng cảm với con.
Chơi mà học là cách dạy trẻ đọc chữ, nhớ từ hiệu quả. Cha mẹ có thể cùng con chơi các trò chơi như: trốn tìm, tráo thẻ chữ, bán hàng…vv. Các trò chơi này không chỉ đem lại cho trẻ niềm vui thích, ham mê mà còn giúp bé khám phá mọi thứ xung quanh (ghi nhớ đồ vật, nhận biết chữ). Tuy nhiên, các trò chơi không được quá khó với khả năng của trẻ nếu không sẽ khiến trẻ nản chí.
Nói về những lỗi thường mắc phải trong phương pháp dạy con từ khi 0 tuổi, tiến sỹ Đức cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không được dạy con trong lúc mệt mỏi, căng thẳng, không được coi trẻ là “thùng rác” để xả hết nỗi bực dọc, khó chịu của mình mà phải thoải mái, bình tĩnh cùng con khám phá thế giới từ những điều gần gũi nhất.
Các chuyên gia cũng cho rằng, từ 0 tuổi trẻ sớm làm quen với chữ trên các đồ vật, các ông bố bà mẹ nên gắn chữ cố định lên các vật dụng gần gũi với bé như ti vi, tủ lạnh, quyển sách…vv.
Ngôn ngữ thị giác – thính giác – đồ vật thật giúp trẻ có thói quen tốt ngay từ những ngày đầu tiếp xúc với sách báo. Khi trẻ nhớ chữ, biết gọi tên đồ vật và làm quen với hình ảnh từ các cuốn sách, truyện thì chúng sẽ không lao đến xé sách như nhiều đứa bé khác. Cha mẹ nên đọc lại những câu chuyện đã kể cho bé trong thời kỳ mang thai để bé tiếp thu một cách nhanh nhất.
Dạy chữ cái gắn liền với hình ảnh, đồ vật đi kèm sẽ khiến trẻ học nhanh hơn và liên hệ với các đồ vật ngay khi nhận được mặt chữ. Ví như A (áo), B (bóng), C (cua), Ă (mặt trời)….
- Thu Thảo
**********************************
Ý kiến của bạn về vấn đề này: