|
Thậm chí chúng còn không được đi dép đúng đôi |
Ngồi trên đống rác cùng mẹ, cô bé Diệu, 12 tuổi đội một chiếc mũ màu xanh sáng có đính những bông hoa vàng.
Hai mẹ con nói chuyện và cười đùa trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt làm việc. Họ phân loại rác làm bằng chất dẻo giữa đống phế liệu và thực phẩm bỏ đi.
Một chiếc túi đầy rác chỉ giúp gia đình họ kiếm được chút tiền. Nhưng đây là công việc của họ. Họ sống trên một bãi rác ở Rạch Giá, Việt Nam.
Em gái Diệu – một trong 9 anh chị em – đang nhìn ra từ chiếc lán gồm 2 gian của gia đình. Một trong những cậu anh của cô bé đang ngồi trên một bia mộ gần đó, cạnh một chú chó. Bãi rác nằm trên một nghĩa trang bỏ hoang, và những ngôi mộ nhô lên khỏi mặt đất là những chỗ duy nhất có thể ngồi được mà không bị rác bao phủ.
Khoảng 200 gia đình hiện đang sống ở đây và ở một bãi rác khác thuộc Rạch Giá. Họ gồm 3 thế hệ những người Campuchia đã chạy trốn chế độ Khmer Đỏ tàn bạo vào những năm 70. Đó là ngôi nhà duy nhất mà họ từng biết.
Những thứ họ ăn và mặc thường là những đồ được tìm từ bãi rác. Thậm chí, bọn trẻ còn không được đi những đôi dép đúng đôi.
Tuy nhiên, ở đây có những mối nguy hiểm còn đáng sợ hơn cả rác rưởi và nghèo đói.
Những kẻ buôn người đang săn đón sự tuyệt vọng của những người dân nghèo khổ này. Chúng bị mua bán chỉ với giá 100 đô-la. Các ông bố bà mẹ bán con vì bị lừa rằng kẻ mua có ý định tốt, rằng con cái họ sẽ có một công việc và một tương lai đầy hứa hẹn. Họ tha thiết mong mỏi con cái thoát khỏi đói nghèo.
Tuy nhiên, các em thường bị ép thành những nô lệ tình dục.
“Những kẻ buôn người trông giống như mẹ bạn vậy! Chúng không giống như những kẻ xấu” – bà Caroline Nguyen Ticarro-Parker, người thành lập Catalyst Foundation để giúp Diệu và những đứa trẻ khác ở những khu vực nghèo nhất Việt Nam.
Những đứa trẻ còn bị bắt cóc khi chúng đi một quãng đường dài để bán vé số.
“Khi chúng tôi bắt đầu dự án, chúng tôi biết một ngôi nhà ở lối vào bãi rác và chúng tôi biết những bé gái đã bị những kẻ buôn người bắt đi và hãm hiếp. Nếu chúng la hét, chúng sẽ được thả. Nếu chúng không la hét, chúng sẽ bị bắt đi. Những bé gái lúc đó chỉ 4 tuổi”.
Những bài học sống còn
Sau khi rời bãi rác của bé Diệu, tôi tới một bãi rác khác ngay khi chiếc xe vệ sinh bỏ lại một đống rác mới.
Người ta chạy tới chọn lựa, phân loại. Họ làm việc ngày đêm cùng con cái. Lúc 1 giờ sáng, khi chiếc xe tải cuối cùng trong ngày tới nơi, tất cả mang đèn trên đầu để làm việc trong bóng tối.
|
Một bãi rác ở Rạch Giá |
Tôi theo chân một bà mẹ đưa con vào trong căn lều của gia đình. Chỉ có thể gọi nó là căn lều vì không có gì ngoài những tấm vải bạt ghép vào nhau. Ruồi bâu đầy những bát đồ ăn bỏ đi. Quần áo phơi khô trên dây thép gai.
Bà mẹ đặt con vào chiếc võng. Sau khi đưa võng cho con ngủ, chị quay lại làm việc trong bóng tối.
Khi tôi đến, một ông bố khác mời tôi mua đứa con của anh ta. Anh đang ôm một đứa bé vài tháng tuổi, mang một chiếc mũ sọc sặc sỡ. Ông bố đập những con ruồi đậu vào mặt con. Anh ta tưởng tôi tới đây để mua đứa bé.
Gia đình Ticarro-Parker rời khỏi Việt Nam khi cô còn nhỏ. Khi trưởng thành, cô trở lại để giúp đỡ quê hương. Cô mang quần áo cho người nghèo. Nhưng khi cô tình cờ gặp những gia đình ở bãi rác Rạch Giá, cô biết rằng mình phải làm nhiều hơn thế.
Cô đã trở về Minnesota, Mỹ và bắt đầu quyên góp. Cuối cùng, cô cũng mở được một ngôi trường cho trẻ em ở khu bãi rác này.
Bài học đầu tiên: Hãy cung cấp điện thoại di động cho trẻ để chúng có thể gọi người giúp đỡ. “Nghe có vẻ lạ nhưng ban đầu chúng tôi đã cho những bé gái xinh xắn nhất những chiếc điện thoại di động. Chúng là những đứa có nguy cơ cao nhất” – Ticarro-Parker nói. Bài học thứ 2: Dạy trẻ đọc để nếu bị bắt, chúng có thể đọc được những biển hiệu trong thành phố và gọi về trường để nói chúng đang ở đâu. Điều đó đã xảy ra vào năm 2008. 4 bé gái bị bắt cóc nhưng những kẻ buôn người đã bị bắt vì các cô bé có điện thoại và biết đọc một biển hiệu đường để cho biết vị trí. Bài học thứ 3: Dạy trẻ chạy nếu người lạ tới gần. Đó chính xác là những gì Hạnh, 13 tuổi đã làm khi một vài người đàn ông – có lẽ là bọn buôn người – đuổi theo cô bé và anh trai khi chúng đang đi bộ về nhà vào một ngày năm 2010. Hạnh đã làm điều mình được dạy. Nhưng không may trong lúc chạy trốn, cô bé bị ngã xuống một con kênh và chết đuối. Ticarro-Parker đã nén nước mắt khi nhớ lại câu chuyện buồn này: “Con bé đã chết vì làm những gì chúng tôi yêu cầu”. Trước khi chết, Hạnh đã được phỏng vấn cho cuốn sách đầu tiên của trường. Cạnh hình ảnh của cô bé là trích dẫn: “Niềm hi vọng là trường học của tôi”. |
“Khi chúng tôi bắt đầu, 99% là mù chữ. Không ông bố bà mẹ nào trong khu bãi rác biết đọc, viết. Những đứa trẻ chưa bao giờ được đến trường”.
Bây giờ chỉ còn 40% mù chữ - cô chia sẻ.
“Bọn trẻ hiểu rằng chúng có thể là thế hệ không phải làm việc trong bãi rác” – Ticarro-Parker nói.
Ngôi trường này cũng cho các bậc cha mẹ biết sự thật đau đớn về điều sẽ xảy ra với con mình nếu họ bán chúng.
Năm 2006, trước khi trường mở cửa, hơn 37 bé gái từ khu bãi rác đã bị bố mẹ bán cho những kẻ buôn người. Năm 2011, chỉ có 4 trẻ bị bán.
“Chất xúc tác cho sự thay đổi”
|
Những đứa trẻ nhặt rác bây giờ đã có trường học |
Bên trong 1 trong 2 phòng học của trường này, một cậu bé đang viết. Cậu cầm cây bút màu xanh bằng những ngón tay đầy bụi bẩn, đen sì. Trẻ con ở đây trông bẩn thỉu nhưng những bộ đồng phục trắng nâu thì rất gọn gàng. Sau lưng áo là dòng chữ ‘chất xúc tác cho sự thay đổi’. Và tất cả chúng đều được đi giày đúng đôi.
Bên ngoài là tiếng cưa ầm ĩ. Các tình nguyện viên đang có mặt ở đây để xây dựng sân chơi cho trường học. Đó là sân chơi đúng nghĩa đầu tiên mà những đứa trẻ này được nhìn thấy.
Một người phụ nữ Việt Nam đang giúp các tình nguyện viên trộn cát và vận chuyển gỗ. Chị đang làm việc để trả một món nợ. Chị đã 2 lần bán con gái cho những kẻ buôn người và cả 2 lần trường học đã giúp chị lấy lại con.
- Nguyễn Thảo (Theo CNN)