- Có 1001 lý do khiến nhiều SV từng phải thuê người đi học hộ. Người đưa lý do bận đẻ. Có những lý do đã được tính toán khá kĩ như đi làm thêm bởi tiền đi làm vẫn nhiều hơn tiền thuê người đi học. Chuyện học hộ tưởng khó qua mắt được giảng viên nhưng đã có không ít "vụ" trót lọt.
Ảnh mang tính minh hoạ |
Bận làm thêm
Nghĩa là sinh viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất thừa nhận từng đi học thuê cho một số SV khác cùng trường, chủ yếu là SV tại chức. Cậu cho biết hầu như cậu được thuê học tất cả các buổi của môn học đó, chứ không phải chỉ 1, 2 buổi. Nghĩa được thuê ‘dài hạn’ như vậy là do người thuê bận đi làm.
Nhờ có mối quan hệ nên nhiều SV học tại chức ở trường cậu tìm được việc làm thêm đúng chuyên ngành, phải đi công trường nhiều ngày và đi xa nên không thể tham gia các buổi học dù họ học vào buổi tối. N cho biết số tiền công họ kiếm được mỗi ngày chắc chắn là nhiều hơn số tiền phải bỏ ra để thuê người đi học nên họ sẵn sàng thuê học cả một môn học, thậm chí là thuê trọn gói gồm: thi hết môn, làm bài tập lớn…
Học mỗi buổi khoảng 2 tiếng, Nghĩa được trả từ 50 đến 70 nghìn, thi hết môn (và bắt buộc phải thi qua) là 200 nghìn, làm bài tập từ 100-200 nghìn. Giá cả đôi khi còn phụ thuộc vào số tiền người đi thuê kiếm được từ đợt làm thêm.
Cậu chia sẻ, SV học tại chức đi làm như thế này khá nhiều vì họ thường lớn tuổi hơn SV chính quy nên có mối quan hệ rộng. Thậm chí là họ từng đi làm nhiều rồi nhưng vì chưa có bằng cấp gì nên mới phải đi học để kiếm tấm bằng.
Một trường hợp khác cũng từng thuê Nghĩa đi học là Vịnh. - một SV học chính quy nhưng vì mải đi gia sư nên thường xuyên thuê người đi học. Có những ngày lịch dạy của Vịnh dày đặc. Nhiều khi không thể đổi lịch gia sư, cũng không thể thuê người học hộ, Vịnh. đành chịu bị điểm danh vắng. Hậu quả là không ít môn bị cấm thi. Thế nhưng, niềm đam mê kiếm tiền của Vịnh không hề bị nao núng. Bởi số tiền mà cậu kiếm được từ gia sư mỗi tháng khiến khối người đã tốt nghiệp, đi làm ổn định cũng phải ngưỡng mộ.
Bận đẻ
Hân là sinh viên một trường ĐH ở Hải Phòng - đã có gia đình và hiện đang học thêm một lớp văn bằng 2. Tranh thủ thời gian đi học còn nhàn rỗi, cô lên kế hoạch sinh con. Mọi chuyện tốt đẹp cho đến khi phải nghỉ đẻ. Cũng sắp ra trường nên không muốn bảo lưu hay thi lại, học lại, Hân thuê người đi học hộ. Nhưng thận trọng hơn, những môn chuyên ngành, Hân vẫn tự đi học vì sợ thầy cô nhớ mặt, phát hiện ra.
Bận đi học
Vân - cựu sinh viên Học viện Báo chí – Tuyên truyền – đã từng phải thuê người đi học vì cô cùng lúc học 2 trường. Nhiều khi lịch học trùng nhau, không thể làm cách nào khác, cô đành phải thuê người học 1, 2 buổi ở trường nào có thầy cô dễ tính và không hay để ý SV hơn.
Tuy nhiên, cô cũng chỉ dám thuê người học hộ ở những môn không phải chuyên ngành. “Những môn chuyên ngành thì thầy cô nhớ hết mặt rồi. Mà những môn chuyên ngành thì thầy cô lại dễ tính hơn với SV nên mình chủ động xin nghỉ được. Những môn khác thì không thể…”
Trong khi đó, Ngọc Anh sinh viên một trường ở Hà Nội, dù học hành rất nghiêm túc, thường xuyên được học bổng và thực lòng không muốn thuê người đi học nhưng đôi khi cũng đành phải “có lỗi với thầy cô” vì cậu cùng lúc học 2 khoa của trường. Nhiều khi lịch học trùng nhau, Ngọc Anh buộc phải thuê người học hộ, nếu không, cậu không đủ điều kiện thi hết môn.
… Lý do khác
Bận về quê, bận đi chơi, bận việc gia đình… là những lý do mà SV hay đưa ra cho việc thuê người đi học. Tuy nhiên, những lý do này thường thì chỉ mất 1, 2 ngày và SV thường chỉ nhờ bạn bè đi học hộ. Nhưng khi không nhờ được ai, họ lại phải thuê người lạ đi học thay.
Khi được hỏi “nếu thầy cô phát hiện ra thì sao?”, người được thuê đi học nói rằng “thường thì người đi học thuê được thầy cô… tha, chỉ có người thuê học mới phải chịu cảnh cáo, kỉ luật, thậm chí cấm thi, đình chỉ học…”.
Tuy vậy, những SV thuê người đi học hộ thì luôn có những lý do ‘chính đáng’ khiến họ buộc phải làm vậy. Còn thầy cô thì do lớp đông quá, không thể kiểm soát hết nên nhiều khi cũng đành ‘nhắm mắt làm ngơ’.
- Nguyễn Thảo