- Bằng sự đam mê và tâm huyết với khoa học, họ đã nỗ lực hết mình để giành được thành công. Phía sau mỗi thành công ấy là hi sinh lớn lao của “những hòn vọng thê” luôn dõi theo và đồng hành cùng vợ trong từng bước tiến.

Hòn “vọng thê” thời hiện đại

Nghiên cứu khoa học là lĩnh vực vô cùng khó khăn, nhiều rủi ro nên cần nhiều thời gian, công sức. Phụ nữ khi theo đuổi con đường này thường gặp rất nhiều rào cản. Ngoài công việc, họ phải đảm nhận trách nhiệm của người mẹ, người vợ trong gia đình. Bởi thế, nếu không nhận được sự ủng hộ của người thân, nghiên cứu khoa học sẽ là sự đánh đổi rất lớn.

Còn với hai nhà khoa học nữ vừa vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia, PGS.TS Vũ Thị Thu Hà (Viện trưởng viện hóa học) và PGS.TS Lê Thị Thanh Nhàn (Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học – ĐH Thái Nguyên), họ may mắn nhận được sự ủng hộ, đồng cảm từ chính người “bạn đồng hành” trong cuộc đời để vượt qua những thử thách, chông gai.


Hai nhà khoa học nữ  Vũ Thị Thu Hà – Nguyễn Thị Thanh Nhàn vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2012.

Là phái yếu, dù là nhà nghiên cứu khoa học hay cô giáo mầm non đều nhạy cảm, yếu đuối. Bởi vậy, có những lúc chị Hà muốn từ bỏ niềm đam mê của mình để rẽ sang hướng khác: “Năm 2006, tôi nhận được học bổng của Pháp và sang đó học tập, nghiên cứu. Nhưng thời gian đầu lạc lõng nơi xứ người tôi cảm thấy rất nhớ nhà, lúc đó tôi muốn từ bỏ tất cả, chỉ muốn về với gia đình. Nhưng được sự động viên của chồng, con và đồng nghiệp, sau 3 năm tôi trở về Việt Nam với bằng tiến sỹ loại giỏi”. – Chị Hà xúc động nhớ lại.

Công việc của những người nghiên cứu khoa học đòi hỏi tính chính xác cao, gắn liền với ứng dụng thực tiễn nên cần kiên trì, tỉ mỉ và phải luôn bận rộn. Thêm vào đó, họ thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại (80% là độc chất) và gần như không có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình. Bởi thế, khi con vừa tròn 6 tháng tuổi, bà mẹ khoa học Vũ Thị Hà đã phải cho bé vào trong chiếc giỏ, xách đi những nơi mà chị đến để thuyết trình đề tài khoa học. Còn chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải nén lòng chịu cảnh xa con khi mới hơn 1 tuổi.

Nhưng bù lại, cả hai chị đều có được sự đồng cảm của “những hòn vọng thê” thời hiện đại. Đó là cách nói dí dỏm chị Hà kể về chồng mình. Xưa nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá ở hòn Vọng Phu, còn nay có những hòn Vọng Thê luôn đồng hành, sẻ chia cùng vợ từ những điều nhỏ nhất: “Biết tôi vất vả nên chồng luôn san sẻ mọi công việc trong gia đình, còn căn giờ để khi tôi về thì đầy đủ món ăn nóng hổi chờ sẵn” – Chị Hà chia sẻ.

Nhà khoa học dạy con tự giác

Vì đặc thù công việc nên hai nhà khoa học nữ ít có thời gian bên cạnh, chăm sóc và sát xao với các con nên họ có phương pháp dạy con rất riêng.

Nhiều bà mẹ có thói quen kèm cặp con từ những kỹ năng cơ bản nhất, thậm chí quá quan tâm đến con hoặc làm thay con mọi điều. Nhưng theo nhà khoa học Vũ Thị Thu Hà, đó không phải là cách hay. Chị thừa hưởng cách dạy con từ mẹ của mình (từng là một nhà giáo). “Mẹ tôi không dạy tôi một cách chi tiết mà chỉ dạy tổng quát. Còn tôi nhìn cách mẹ tôi làm việc, ứng xử để học theo.”

Chị Hà cho rằng, dạy con một cách khái quát để con tự quan sát, tự học là phương pháp hiệu quả, tiết kiệm tối đa thời gian. Bởi vậy, các con của chị được cha mẹ rèn tính tự giác từ khi còn nhỏ. Chị chỉ định hướng cho con điều gì nên làm, điều gì không nên làm để con tự phát triển và quyết định con đường tương lai của bản thân.


Chị Vũ Thị Thu Hà trong buổi giao lưu với nữ sinh viên xuất sắc.

Chia sẻ về kinh nghiệm dạy con, nhà nghiên cứu khoa học, GS. Đặng Thanh Châu bày tỏ quan điểm, cha mẹ cần làm gương cho các con. Sự nghiêm túc của cha mẹ tác động rất lớn tới trẻ. “Nếu chúng ta nói: “Con học đi!” mà trong công việc chúng ta hời hợt, thì con sẽ không thể học ngoan. Vì thế, người lớn trước hết phải làm mẫu, không thể nói một đằng làm một nẻo”. – lời bà Thanh Châu.

Công việc thường xuyên phải đi nước ngoài, dù có con nhỏ nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn chú trọng vấn đề dạy con. Chị cũng đề cao sự độc lập, tự giác của trẻ, không gò ép hay bắt buộc con phải làm theo ý mình mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo để con học từ chính sự nỗ lực của mẹ.

Đối với những nhà khoa học nữ, thời gian dành cho gia đình rất hạn chế nhưng không vì thế mà họ phó thác trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Với họ, phụ nữ hiện đại cần biết cân bằng giữa gia đình, sự nghiệp và quan trọng nhất cần người “bạn đồng hành” biết cảm thông.

Thu Thảo