- Câu chuyện của một người đàn ông có con gái đang học ở trường quốc tế, còn cô cháu ngoại theo học ở trường "quốc nội" gợi lên nhiều suy nghĩ  về những em bé khóc ở cổng trường hôm nay.

Một lớp học ở vùng xa Mạc Tư Khoa cuối thời Liên Xô

Tại sao bạn khóc?

Những năm 60, trẻ em Việt Nam đọc một truyện dịch từ nước ngoài, rằng có một em bé đứng khóc ngoài phố khi trời tối. Em bé chơi trò trận giả và được bạn giao đứng gác. Nhưng rồi bọn bạn - các “sĩ quan” - đã về nhà cơm nước ngon xơi rồi, mà em vẫn đứng đó, với khẩu súng gỗ.

Không ai có thể thuyết phục em bỏ “vị trí”. Người lớn đã phải mượn tới một sĩ quan công an “giả vờ” làm chỉ huy, đến để “ra lệnh” cho người lính tí hon kia được về nhà…

Năm 2012. Một tối khi Hà Nội lên đèn, tôi và cháu ngoai (tên là Bống) tình cờ đi qua cổng trường, thấy một bạn cùng lớp (tên là T.A) đang đứng khóc. Bống giải thích vì bố mẹ bận, nên đến 8h mới có người đón T.A.

Tại sao không có bạn nào mời bạn ấy về nhà, hay là mình dừng lại chơi với bạn ấy? Tôi hỏi Bống.

Bống cho biết, T. A. là con của một cô giáo, hôm nay cô bận đi lên thành phố thi … chữ đẹp.

Bống nói không nên đứng lại để an ủi bạn, bởi vì “Nhỡ cô giáo nhìn thấy con ở đấy thì phiền lắm! Hôm nọ, T.A, bị điểm 7 một môn, và mẹ bạn ấy đến ngay, xách tai bạn ấy lên”.

Hình ảnh em bé, đeo một cái cặp to lấp cả thân mình, đứng khóc trước cổng trường tối ấy, chắc không chỉ ám ảnh một mình tôi...

Phần nghìn tia hy vọng

Có không ít em bé, do những hoàn cảnh trong quá khứ, lúc nhỏ theo học ở trường tại vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, nhưng khi theo cha mẹ về Việt Nam, đã không thể xin vào trường sứ quán của nước này ở Hà Nội theo nguyện vọng. Khi có ai đó nhắc chuyện này, tôi nhớ mặt ông hiệu trưởng trường thuộc sứ quán ấy đã xìu đi, vẻ đau khổ.

Tôi cũng vậy. Vì có lần đưa con đi học, còn nán lại tán gẫu với vài phụ huynh khác, thì nhận thấy có tiếng khóc của con trẻ gần cổng trường.

Một cậu bé, mặc đồ đồng phục còn mới của một trường bên Tây, đẹp như một hoàng tử, đang nức nở.

Gần đó là một thày giáo Tây thuộc phiên trực sáng sớm, đang cố an ủi em.

Thì ra, do bố mẹ phải về nước đột ngột, việc em xin ngang vào theo học trường ở sứ quán là gần như không thể. Em bé đang đứng đợi mẹ vào xin hiệu trưởng lần cuối, xem có được không.

Những phụ huynh chứng kiến cảnh trên hỏi nhau xem em bé có được nhận vào học. Chỉ thấy bảo nhau:“Gần đây, mỗi năm có vài chục đứa ở Liên Xô cũ về, mà mỗi lớp của trường này theo quy định chỉ nhận không quá hai chục em”.

Giấc mơ đè nát cuộc đời

Khi còn nhỏ, tôi đã mơ ước được như một cậu bạn. Bố cậu đi làm tùy viên ở sứ quán Việt Nam tại một nước bè bạn, và cậu đã tới trường ở bên đó học một vài năm.

Nó cho xem những bức ảnh kỷ niệm thật ấn tượng về một ngôi trường, và những đứa trẻ mặc đồng phục, hoặc nghiêm trang ngồi trong lớp học sáng bừng, hoặc nghịch như quỷ, mà vẫn thân thiện, trong sân trường tuyết phủ trắng phau….

Lúc đó, ai cũng chắc rằng, khi những trận bom kia chấm dứt, chúng tôi, hoặc ít nhất những đứa em, sẽ được vào học trong những ngôi trường như thế. Và tôi không nghĩ việc cậu con ông tuỳ viên đi học tiếp trường ở Việt Nam, sau “thiên đường” ở nước ngoài, là có gì bất hạnh.

Một lớp học ở vùng xa Mạc Tư Khoa cuối thời Liên Xô

Thời ấy, trường lớp đối với chúng tôi là những căn nhà lá gió thổi ù ù, với các bạn người nông thôn mặc áo đơn, áo kép vẫn lạnh, nhưng vẫn chia nhà cho trẻ sơ tán chúng tôi ở cùng.

Cô giáo hiền hậu, nhưng chỉ xuống hầm sau khi chắc không còn đứa nào ló cổ lên xem những chiếc máy bay địch tăng tốc để cắt bom, trông như bị bắn cháy…

Ngày xưa, vật chất tuy khó khăn nhưng có tình người nên tinh thần không nao núng, kể cả tinh thần của trẻ con.

Nay, khi chúng tôi đã ở tuổi ông bà, vật chất có vẻ đầy đủ hơn nhưng tình người không thắm. Các bậc phụ huynh thường khá nao núng tinh thần.

Đối với không ít vị, chữ trường nay có thể, hoặc đồng nghĩa với “bị đánh” (con cháu bị cô giáo nện bằng thước, hoặc phụ huynh được Hiệu trưởng giải thích rằng trẻ em đánh nhau là “bình thường”[1]…), hoặc gợi đến những khoản phải nộp, nhưng sẽ được lưu ngoài mọi thứ sổ sách.

Khi nghe cháu ngoại kể về những hình phạt ở lớp, tôi đã nghĩ rằng, nếu hôm nay cắp sách đi học cấp I chắc mình khó mà sống được dưới trận thước kẻ, để còn lên các lớp trên, nơi nguy cơ bị bạn đánh hội đồng vẫn rình rập.

Bà nội Bống thì bày cho cháu một giải pháp là “đừng tỏ ra khác người”.

Ai đó sẽ bảo rằng “bị cô đánh” chỉ là hiện tượng cá biệt thôi. Nhưng vì lớp của Bống có khoảng 50 bạn, hẳn có ít nhất một trăm phụ huynh và ông bà phải có lúc nát lòng, khi chợt nhận thấy vết bầm tím trong lòng bàn tay con cháu mình.

Cũng vì thế, những điểm 9, điểm 10 Bống mang về như cơm bữa chưa từng là niềm vui của tôi. Phần vì bà của Bống luôn bật mí, rằng việc Bống “hay chữ” còn có công bà “bắc cầu Kiều” bằng đống tiền polime.

Ở nơi trẻ em đánh nhau không là chuyện nhỏ

Đánh thì… chạy

Một ngạn ngữ quốc tế là “Ai cho thì nhận ngay, ai đánh thì chạy vội”.

Một giải pháp của hôm nay là… tị nạn giáo dục. Những ai có tiền thì cố cho con ra nước ngoài học, kể cả từ các lớp phổ thông, nếu có ĐIỀU KIỆN.

Vậy là Việt Nam mình đã nghèo, lại phải mang tiền đi trả thiên hạ để mua chữ cho con cháu mình. Nghịch lý này cũng chẳng ghê gớm gì hơn chuyện ngành giáo dục, đã bao năm giời nay, hàng năm bỏ hàng nghìn tỉ mua thiết bị giáo dục (!), nhưng nhiều con cháu chúng ta vẫn cứ phải học chay trường kỳ (?).

Bống, đứa cháu ngoại đang học trường quốc nội, biết làm ra bộ vui vẻ, và khá khôn ranh so với dì Mơ của nó.

“Do học trường Việt mà” các bà, các cô nhận định một cách khoái chí.

Nhưng một ác mộng giữa ban ngày của tôi khi đi đón Bống, khi nó chợt lao vào lòng, nước mắt vòng quanh: “Ông ơi, chuyển con sang trường quốc tế của dì Mơ đi”…

  • Thành Lê