Báo Trung Quốc đưa tin, trong khi các phóng viên quốc tế của tờ The Times đã hoàn thành khóa học tiếng Trung chuyên sâu thì các nhân viên của New York Times cũng học ngôn ngữ này hàng tuần tại văn phòng vào giờ ăn trưa.

Được khởi xướng vào năm 2009 bởi Asian Heritage Network, các khóa học được dạy ở trình độ sơ cấp, trung cấp và cao cấp trong 3 học kì. Trung bình mỗi lớp học có 10 học viên.

“Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao nhận thức văn hóa đối với văn hóa châu Á” – ông Thomas Lin, nhà sản xuất cấp cao mảng Khoa học của tờ báo này cho hay. Ông Lin cũng là một thành viên của ban lãnh đạo Asian Heritage Network.

“Nhìn chung, bạn muốn sự đa dạng hơn trong phòng tin. Nhưng đặc biệt là khi ai đó đang viết về cộng đồng châu Á, sẽ tốt hơn nếu người đó hiểu về nền văn hóa đó. Biết nhiều hơn về một ngôn ngữ là biết nhiều hơn về nền văn hóa đó, và đó là lý do tại sao chúng tôi muốn tạo nên chương trình này”.

Pen-Pen Chen (giữa) đang dạy tiếng Trung tại văn phòng của New York Times

Bà Desiree Dancy, Giám đốc đa dạng nhân viên kiêm Phó giám đốc nhân sự của The Times cho biết những khóa học này là cơ hội để các nhân viên hiểu về nhiều cộng đồng khác nhau.

“Nó được thiết kế để tăng cường môi trường học tập và văn hóa học tập” – bà Dancy cho biết trong cuộc phỏng vấn với Chinadaily. “Ở một mức độ nào đó, khi chúng tôi tới những thị trường khác nhau và đưa tin về những cộng đồng khác nhau, việc các nhân viên nói được tiếng Trung là rất có giá trị”.

Mặc dù tiếng Trung đang ngày càng phổ biến ở Mỹ, nhưng việc các cơ quan tin tức cung cấp khóa học này cho nhân viên không phải là điều phổ biến, bà Dancy nói. Bà tin rằng The New York Times là một trong những tờ báo duy nhất làm điều đó.

Với một số phóng viên đã đăng kí khóa học này, kiến thức thực tế thu được từ việc học tiếng Trung được sử dụng trực tiếp cho công việc của họ. Mary Walsh – phóng viên tài chính – cho biết cô tham gia khóa học vì mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung đang ngày càng quan trọng hơn.

“Nếu Trung Quốc đang phát triển nhanh và đang sản xuất sản phẩm của chúng tôi thì việc biết chuyện gì đang xảy ra ở đó là rất tốt” – Walsh nói.

“Nếu lạm phát thay đổi và nếu chính sách tiền tệ thay đổi, nó sẽ bắt đầu tác động vào cách mà chính sách được đưa ra ở đất nước này. Tôi không biết chính xác tại sao và bằng cách nào, nhưng tôi biết sẽ tốt cho tôi nếu tôi nói được tiếng Trung. Mối quan hệ Mỹ-Trung là một mối quan hệ quan trọng. Tôi viết về những điều này, vì thế một lúc nào đó tôi sẽ dùng đến nó”.

Pia Chon – một học viên đang học trình độ sơ cấp hiện đang làm mảng marketing ở The Times – cho biết cô cũng đang học tiếng Trung vì những mục đích thiết thực.

“Tôi cho rằng 3 ngôn ngữ của tương lai là tiếng Ả Rập dành cho chính trị, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông và tiếng Trung cho mục đích thương mại”.

“Sống ở Manhattan, quan điểm của chúng tôi có thể sai lệch một chút nhưng ở mức độ chung, tôi nghĩ rằng dù bạn có ở nơi nào trên đất Mỹ, cũng không nghi ngờ gì về tầm quan trọng của Trung Quốc - một quốc gia đang phát triển. Tôi cho rằng tiếng Trung sẽ là ngôn ngữ của thương mại và là một ngôn ngữ quan trọng nên biết theo quan điểm kinh doanh”.

Để các phóng viên đưa tin chính xác về những cộng đồng ít chi phối này, việc hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa của họ là điều cần thiết – Lin nói.

“Tôi cho rằng một tin tức không chỉ cần độ chính xác mà còn cần hiểu được nơi mà người dân ở đó sống và mối quan tâm của họ. Phóng viên càng đắm mình vào nền văn hóa đó, họ càng hiểu tốt hơn những sắc thái của nó” – Lin nói.

“Là phóng viên, chúng tôi sẽ học nhiều nhất có thể về những nền văn hóa khác. Đó là những giá trị tuyệt vời”.

Các học viên khác thì cho biết họ tham gia khóa học đơn giản và vì mức phí trợ cấp (10 USD mỗi buổi học) và sự thuận tiện của địa điểm học. Những khóa học được thiết kế để không chỉ tập trung vào ngôn ngữ mà còn chú trọng về văn hóa.

Pen-Pen Chen – người dạy khóa học này – cho biết mặc dù một số giáo viên tiếng Trung muốn tập trung hoàn toàn vào ngôn ngữ, nhưng cô cũng cung cấp những kiến thức văn hóa cho học viên.

“Một số giáo viên cho rằng đó là điều cấm kị, nhưng tôi nghĩ rằng ngôn ngữ và văn hóa gắn bó chặt chẽ với nhau nên việc dạy ngôn ngữ đi kèm với ngữ cảnh văn hóa là rất quan trọng” – cô chia sẻ. Chen cho biết hiện đang thiếu sách giáo khoa tiếng Trung dành cho người lớn nên cô đã tự thiết kế chương trình giảng dạy cho khóa học này.

  • Ngọc Anh (Theo Chinadaily)