Không hiểu sao cháu không cảm thấy có lỗi với người yêu mình? Gần đây cháu còn thấy khó chịu khi thấy vợ của anh. Nhiều lúc cháu cứ nghĩ lẽ ra căn hộ chung cư cao cấp kia phải là của cháu; Người đàn ông sở hữu căn hộ này phải thuộc về cháu…

Bác sỹ Liêm kính mến,

Cháu đang là sinh viên năm thứ ba và đã có người yêu. Anh hơn cháu một tuổi và đang là sinh viên năm cuối. Cả hai đều xuất phát từ những gia đình khó khăn nên chúng cháu đã phải đi làm thêm ngay từ năm thứ nhất. Cháu làm nhân viên phục vụ bàn cho một quán cà phê khu phố cổ Hà Nội. Người yêu cháu làm nhân viên bán hàng cho một công ty máy tính trong thành phố.

Chúng cháu đã yêu nhau được hai năm và cùng xác định sẽ làm đám cưới sau khi tốt nghiệp và có công việc ổn định. Nhưng mấy tháng gần đây tình hình kinh tế quá khó khăn, công ty máy tính mà người yêu cháu đang làm thêm phải đóng cửa. Em trai cháu thì đang học năm thứ nhất và sống cùng cháu. Nếu người yêu cháu đi làm bình thường thì thu nhập từ công việc part – time của cả hai đứa cũng đảm bảo được cuộc sống cho cả ba người. Nhưng từ hai tháng nay anh chưa tìm được việc làm phù hợp với lịch học ở trường. Mọi chi tiêu hiện chỉ trông vào thu nhập làm thêm của cháu.

Cháu phải thừa nhận là mình có duyên ăn nói và có một chút nhan sắc nên được nhiều khách hàng nhớ tên. Có những khách lần nào đến quán cũng “bo” cho cháu 50.000 đồng. Một trong những vị khách mà cháu ấn tượng nhất có tên là H. Anh thường xuyên đến quán cùng vợ và con trai. Anh chị thường xuyên khen em có phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Cậu con trai 6 tuổi của anh chị cũng rất quý cháu. Gần đây anh H. hay đến quán cùng con trai vì vợ anh đi du học. Có lần anh có cuộc họp đột xuất về muộn nên gọi điện thoại cho chủ quán nhờ cháu đi đón con giúp. Sau khi họp xong anh qua  quán đón con. Lần ấy anh đã đưa cho cháu 500.000 đồng (bằng ¼ thu nhập hàng tháng của cháu) để cảm ơn nhưng cháu từ chối. Cháu chỉ nói cháu muốn giúp anh và nếu lần sau anh có việc bận thì cứ trực tiếp gọi cho cháu cũng được.

Một lần anh gọi điện hỏi cháu có muốn làm gia sư cho con trai của anh không. Công việc đơn giản, lại có thêm mỗi tháng 2 triệu đồng nên cháu đồng ý. Cháu chỉ nói với người yêu đơn giản là cô bạn cùng lớp nhờ dạy một tháng.

Mỗi ngày (trừ thứ Bảy, Chủ nhật) cháu dành 2 tiếng buổi tối (từ 7h – 9h) để đến kèm con trai anh H. học (thực ra chơi đùa với cậu bé là chính). Nơi anh sống là căn hộ chung cư cao cấp. Mọi thứ trong căn phòng đều vượt khỏi sức tưởng tượng của cháu. Cháu cứ nghĩ đấy là một không gian sống ở Châu Âu. Trong đầu cháu liên tục đặt ra câu hỏi tại sao nhà anh giàu đến mức như thế?

Rồi trong đầu cháu lại xuất hiện ý nghĩ anh có thể cho cháu nhiều hơn 2 triệu đồng/ tháng. Như đọc được suy nghĩ của cháu, có lần anh đã thẳng thắn đặt vấn đề anh có nhu cầu làm chuyện ấy trong lúc xa vợ, nếu cháu đồng ý thì anh sẽ “thuê bao” theo tháng. Khi nào vợ anh về thì mọi thứ chấm dứt. Không hiểu sao cháu đã gật đầu mà không cần suy nghĩ.


Vợ anh đã về được 1 tháng. Cháu không còn làm gia sư cho con trai của anh nữa. Nhưng thỉnh thoảng anh vẫn gọi điện cho cháu và cháu vẫn đến. Nhiều lúc ngồi bần thần suy nghĩ một mình, cháu không hiểu là mình cần tiền hay cần chuyện ấy với anh? Không hiểu sao cháu không cảm thấy có lỗi với người yêu mình? Gần đây cháu còn thấy khó chịu khi thấy vợ của anh. Nhiều lúc cháu cứ nghĩ lẽ ra căn hộ chung cư cao cấp kia phải là của cháu; Người đàn ông sở hữu căn hộ này phải thuộc về cháu…

Nhưng ngay lúc ấy trong đầu cháu lại có một mệnh lệnh khác: Đấy không phải cuộc sống của mày, hãy về với thực tại đi! Nhưng quả thật bây giờ cháu nhìn người yêu mình sao cứ thấy hèn hèn, lại tự hỏi sao ngày xưa lại nhận lời yêu vội vã thế? Khi làm chuyện ấy với người yêu cháu cũng chưa từng cảm thấy thỏa mãn. Bây giờ cháu hay cáu gắt với người yêu, với những người xung quanh (trước đây cháu không bao giờ như thế) bác sỹ ạ. Đêm cháu cứ suy nghĩ lung tung không ngủ được. Học hành mất tập trung rồi cháu còn bị dạ dày…

Cháu rất mong nhận được chia sẻ của bác sỹ.
H.T.L

Chuyên gia tư vấn, GS tâm lý BS. Lương Cần Liêm:

Yêu là công lý và công bằng

H.T.L thân mến,

Mình thường nghe: “Yêu là khổ” mà tại sao ai cũng muốn yêu và ai cũng muốn được yêu?
Yêu là khổ vì chúng ta mong giữ cuộc tình mãi mãi như những ngày ban đầu có hứa hẹn với nhau mà không bị điều kiện vật chất và những vụ việc lặt vặt trong đời sống thường nhật chen vào thời gian và không gian yêu. Vậy, yêu là tìm cái sung sướng, nhưng cái sung sướng này không bao giờ vĩnh viễn mà cần phải thay đổi, “chế biến” nên con người ta luôn sống với ý niệm tâm lý mâu thuẫn : Tình là dang dở mà mình muốn thành công trong cuộc tình này thì phải giải quyết được mâu thuẫn của vật chất.

Nói cách khác, con người sống có lý tưởng về cái yêu, biết những điều kiện và mô hình nào chấp nhận được và không chấp nhận được để yêu và dựa vào tình yêu như một kế hoạch sống cho tương lai.

Tình và tiền: Đây là một bài toán tâm lý thật khó giải vì giữa hai ẩn số này có một ẩn số đạo lý ngầm nữa là đạo lý con người. “Đạo Lý” là những lý do, lý lẽ, lý luận cho ta tìm ra đường đi, để thấy rõ những pháp đạo dùng để trả lời câu mình tự hỏi: Đó có phải đúng với con người tôi không? Tôi có tôn trọng tôi không? Và người ta có tôn trọng tôi như con người hay một đồ vật, hay một cơ hội? Từ nguyên tắc đạo lý mà con người thực hiện những hành vi cư xử để sống có đạo đức. Ví dụ đạo lý của công lý là ai cũng công bằng với nhau trên mọi mặt. Nhưng thực tế là có người này hơn người kia vì hoàn cảnh khách quan. Do đó, đạo đức chia sẻ: Công dân nào cũng công bằng với nhau, nhưng công dân giàu phải chịu thuế nhiều hơn công dân nghèo. Nói cách khác, đạo lý có công lý mà đạo đức phải công bằng bằng cách không có công lý.

Yêu là công lý và công bằng,. Tuyệt nhất, cũng là lý tưởng nhất, là từ thủa ban đầu đến phút cuối đời cả hai biết chia sẻ, trao đổi, cho nhau, biết tặng, biết nhận lấy giá trị tình người, cùng nhau tiến đến một tương lai (cả hai cùng nhau xây dựng nó). Có thể trên đoạn đường đến tương lai có thể đổi ê – kip nhưng giá trị vẫn là con người.

Tiền là giá trị hàng hóa: Có tiền là có mua có bán, có thiếu chịu và có nợ. Nếu chúng ta chỉ coi tình = tiền thì ta chấp nhận tình là hàng hóa rồi tiếp sau đó người cũng là hàng hóa. Tiếc thay là xu hướng hiện nay của kinh tế thị trường là không đạo đức, dùng con người như một nhân tố sản xuất. Thậm chí con người là nhân tố sản xuất cái sung sướng, mua là được. Do đó, từ “mãi dâm” có đầy đủ ý nghĩa của nó là lấy dâm dục làm thương mại.

Về mặt xã hội, giữa tình và tiền là giá trị lao động. Giữa người “mua” lao động và người “bán sức lao động” phải có một hợp đồng xã hội bình quyền với nhau. Do đó, chúng ta không bao giờ nghĩ rằng người bán lao động là “mãi dâm” vì bán thân khi chủ nhân không tôn trọng cho “đúng giá” bản năng của mình. Đó là đạo đức tập thể.

(Theo SVVN)