- Cắt xén một tác phẩm văn học đòi hỏi sự hiểu biết sâu đậm về tác giả, cũng như ý định của tác giả khi viết những đoạn văn đó. Chỉ khi nào thu hẹp được khoảng cách giữa nhà trường và xã hội - chúng ta mới có thể chủ động đưa những đoạn văn nhạy cảm nhưng giàu tính nhân văn vào sách giáo khoa được....Ý kiên của độc giả Tuấn Lê và Dung Van Pham.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Chí Phèo: Cắt cảnh bẹo véo, tác phẩm sẽ méo
Truyện ngắn Chí Phèo bị cắt cảnh yêu đương
Độc giả Tuấn Lê: "Còn khoảng cách rất xa giữa nhà trường và xã hội"
Từ email leanhtuanhailang@...độc giả Tuấn Lê nêu quan điểm, có một điều thường làm nhiễu dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng: Nhiều người không trực tiếp làm công việc đang nổi cộm trong xã hội, nhưng khi bàn thì họ nói rất hăng. Tôi không phủ nhận rằng, ở ngoài thường khách quan và tỉnh táo hơn (kiểu cờ ngoài bài trong), nhưng ý kiến của ông Lại Nguyên Ân "Đây là học sinh cấp 3 rồi, không hoàn toàn là trẻ con nữa" - mời ông hãy xin dự một giờ đọc-hiểu văn bản Chí Phèo và hãy cho học sinh đọc đoạn Chí Phèo làm tình với Thị Nở để xem hiệu ứng như thế nào? Còn trường nào thì tùy ông lựa chọn.
Tôi rất đồng tình với việc sách giáo khoa mới cắt đi một câu của nhà văn Nguyễn Tuân trong "Người lái đò sông Đà", chỉ 1 câu này thôi khi đặc tả cảnh vượt thác: ...hột sinh dục vọt tên tận cổ..., nó đã phá hỏng tất cả không khí lớp học. Xin nói thêm với những người chưa bao giờ đứng lớp, khi dạy văn bản Chí Phèo, cái thế chông chênh của tác phẩm nằm giữa "bi" và "hài" phải tỉnh táo lắm, giáo viên mới làm chủ được.
Chúng ta đang còn khoảng cách rất xa giữa nhà trường và xã hội, chỉ khi nào thu hẹp được khoảng cách đó, chúng ta mới có thể chủ động đưa những đoạn văn nhạy cảm nhưng giàu tính nhân văn như trên vào sách giáo khoa được. Đó là một thực tế.
Độc giả Dung Van Pham: "Đã cắt đi một phần con người của nhân vật Chí Phèo....."
Kính thưa GS Nguyễn Đăng Mạnh! Nếu theo như giáo sư nói, cắt bỏ một phần của chuyện ngắn có thể phần nào hạn chế được suy nghĩ xuyên tạc của một số cá nhân trong trường. Nhưng đã bao giờ giáo sư nghĩ đến ý kiến của tác giả khi ông viết lên truyện ngắn đấy?
Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao là một trong những câu chuyện đề cao khát vọng làm người tốt của những người nông dân chân lấm tay bùn thời phong kiến. Xã hội chia ngôi thứ, chính vì thế mới sinh ra hình tượng của Chí Phèo. Cắt bỏ những đoạn miêu tả Chí dường như có thể rút ngắn thời lượng phân tích cho hợp vói chương trình giảng dạy như giáo sư đã nói. Nhưng làm như thế, có phải đã vô hình chung làm câu chuyện trở nên quá tầm thường đối với giới học sinh? Làm như thế có phải đã giảm đi cái sự quan trọng của cả một hình ảnh người nông dân bị áp bức đến mức đường cùng không?
Đến đoạn cắt thứ 3, giáo sư nói cắt bỏ vì không muốn học sinh biết quá nhiều về những hình ảnh nhạy cảm của câu chuyện, nhưng xin thứ lỗi cho tôi. Giáo sư hoàn toàn không hề nghĩ đến việc cắt bỏ đoạn văn ấy cũng như cắt bỏ đi một phần con người còn sót lại của nhân vật Chí Phèo. Hắn say sưa suốt ngày, nhưng đắm sâu trong hắn vẫn là một con người. Một con người mong mỏi và thèm khát sự lãng mạn của tình yêu.
Cắt xén một tác phẩm văn học đòi hỏi sự hiểu biết sâu đậm về tác giả, cũng như ý định của tác giả khi viết những đoạn văn đó vào tác phẩm. Nếu nói như giáo sư, chúng ta muốn giới học sinh không có những cái nhìn sai về cuộc sống qua tác phẩm văn học. Tôi muốn hỏi tại sao chúng tao vẫn giữ những đoạn miêu tả lòng quyết tâm đánh giặc: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm". (trích Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng đạo). Những hình ảnh lột da, xẻ thịt, ăn gan, uống máu quân thù như thế liệu có làm các học sinh hiểu sai về lối sống không. Tôi xin lỗi, nhưng có vẻ như giáo sư đánh giá những tác phẩm văn học nổi tiếng dựa trên một cái nhìn hết sức thiển cận. Đừng để những cái nhìn thiển cận như thế làm hỏng cả một tác phẩm ý nghĩa của những người viết lại một giai đoạn lịch sử đã xảy ra, và không nên lãng quên của đất nước.
Xin đừng cắt xén các tác phẩm văn học một cách tùy ý như vậy. Nó chỉ làm cho những tác phẩm đó mất dần ý nghĩa và bị lãng quên theo thời gian.
*******************************************
Ý kiến của các bạn về vấn đề này, xin trao đổi theo địa chỉ:
bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn