- Quy định dạy thêm học thêm phải nộp thuế, giáo viên trường công không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; HS không được học thêm quá 9 tiết/tuần… là những điểm mới trong dự thảo về Thông tư ban hành Quy định về dạy thêm học thêm của Bộ GD-ĐT.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
|
Phụ huynh đợi con trong kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2011. |
Cấm dạy thêm, giáo viên khó sống
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Phú Sơn, chia sẻ: “Dự thảo cần phải xem xét nhiều vấn đề. Thứ nhất là việc dạy thêm học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của học sinh muốn nâng cao kiến thức, giáo viên có khả năng được kiếm thêm thu nhập. Điều đó là tốt chứ!
Nếu cấm dạy thêm ở ngoài thì giáo viên khó sống khi trông vào đồng lương ít ỏi. Nhiều trường tôi biết do cơ sở vật chất không có nên việc dạy thêm ở tại trường không thực hiện được”.
Hiệu phó THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) Bùi Thị Minh Nga cũng cho biết, bà thực sự lo lắng khi biết được dự thảo này.
“Hiện nay, ngoài 3 môn chính học sinh học thêm ở trường để thi ĐH còn 2 môn các em phải học thêm để thi tốt nghiệp. Nếu chỉ cho dạy không quá 3 buổi/tuần, việc sắp xếp cho học trò học đủ 5 môn chúng tôi chưa biết sẽ thực hiện như thế nào”.
Thầy Hồ Tường Long - GĐ Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (GDTX) quận Gò Vấp (TP.HCM) nói: “Mức lương hiện tại của GV tại các TT GDTX chỉ vào khoảng 25.000 đồng/tiết. Nhiều GV phải trông chờ nguồn thu nhập từ nguồn dạy thêm; nếu cấm, GV sẽ sống ra sao?”. Cũng theo ông, thật vô lý khi theo thông tư ban hành thì dường như “chỉ có những giáo viên… trẻ mới ra trường hoặc giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập mới được cấp phép dạy thêm! “.
Một học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho biết: “Việc đi học của em và nhiều bạn xuất phát từ việc cần bổ sung kiến thức. Thầy giáo dạy cũng rất giỏi, nhiệt tình. Hơn nữa để nộp hồ sơ du học, ngoài thành tích hoạt động xã hội, ai cũng muốn một tấm bằng “sạch sẽ”. Thế nên việc học thêm cũng quan trọng không thua kém việc tham gia các hoạt động xã hội”.
Tại sao lại cấm?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, dù Bộ có hoàn thiện hơn nữa dự thảo thì với các bậc phụ huynh, điều này cũng chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa” bởi họ vẫn phải cho con đi học thêm… như chưa hề được biết đến dự thảo.
Lý do mà nhiều phụ huynh đưa ra khi được hỏi đến vấn đề này là: “Lên tiếng thì được ích gì, không khéo lại bị trù dập”.
Chị Nguyễn Thị Quyên, GV một trường THCS tại Q.1, bộc bạch: “Tuy cũng là một GV Toán, có thể kèm cho con học thêm ở nhà (con chị học lớp 7 -PV) nhưng tôi vẫn phải cho cháu đi học thêm cô giáo ở trường cháu vì không thể… “qua mặt” nhau được”.
Ở vào góc độ nhà quản lý, phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Lâm (Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Cấm giáo viên dạy bên ngoài là không thể. Việc giáo viên tổ chức dạy thêm ở nhà không khác nhiều chuyện của người bán hàng rong. Hôm nay anh bắt nơi này, mai họ đi nơi khác”.
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) phát biểu: Những giải pháp của Bộ GD-ĐT trước đây cũng như hiện nay cho vấn đề dạy thêm, học thêm chưa có hiệu quả.
|
Lớp luyện thi vào đại học tại TP.HCM ở một trung tâm. Ảnh: Diệu Hiền. |
Chẳng hạn, khi Bộ đưa ra giải pháp để chống dạy thêm, học thêm là phải có sự tự nguyện của cha mẹ học sinh.
Lập tức, người ta đối phó bằng cách tập hợp chữ ký đồng ý của phụ huynh, học sinh… Vì vậy, muốn trị được “căn bệnh” này, Bộ cần tập hợp những chuyên gia về giáo dục, những người có kinh nghiệm về quản lý giáo dục để tìm ra những biện pháp cứng rắn, kiên quyết giải quyết vấn đề thì may ra mới có hiệu quả.
Ở một góc độ khác, lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc lên tiếng: “Những nước tiên tiến như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...việc học thêm dạy thêm còn mạnh hơn ở ta. Thậm chí, Hàn Quốc còn lập cả những doanh trại cho học sinh học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH. Vậy sao ở ta lại quy định cấm GV dạy thêm ở ngoài khi đó là một nhu cầu?”
Còn với một giảng viên ĐH Công nghiệp Hà Nội hiện đang sống nhờ luyện thi cho học sinh cấp III khẳng định: “Chỉ khi nào Bộ bỏ hết được các kỳ thi thì mới hết chuyện dạy thêm học thêm”.
Thu thuế dạy thêm bằng cách nào?
Ủng hộ việc ngành GD-ĐT quy định về nghĩa vụ đóng thuế của giáo viên, hiệu phó Nguyễn Xuân Lâm cho rằng: “Đối với người có thu nhập cao, có lẽ đây không phải vấn đề lớn. Nhiều người sẽ tự nguyện nộp. Nhà nước sẽ có thêm khoản thu. Bây giờ không thiếu những thầy cô thu nhập vài chục triệu mỗi năm”.
Đồng quan điểm, một thành viên (xin giấu tên) trong ban giám hiệu Trường THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho rằng: “Đóng thuế là điều chắc chắn bởi đã coi dạy thêm là một nghề. Nghề nào cũng vậy, đã có thu nhập vượt khung quy định của Nhà nước thì phải có nghĩa vụ đóng thuế”.
Cũng theo đại diện này, việc quản lý thu thuế dạy thêm học thêm cũng không khó. Chẳng hạn, chúng ta nên quy định mỗi GV phải có biên lai thu học phí cho từng học sinh đến học thêm, căn cứ vào những biên lai này để có thể biết được GV thu nhập ra sao và có thể truy thu thuế thu nhập của họ.
Trái ngược, cũng có nhiều ý kiến tỏ ý băn khoăn về quy định mới này. Lãnh đạo một trường THPT dân lập trên địa bàn quận Tân Phú (TP.HCM), nhận định: “Việc quản lý thu thuế được giao về cho các địa phương cũng chỉ là một biện pháp tạm thời, sẽ không mấy hiệu quả”
Lý giải về vấn đề này, ông cho biết: “Hiệu trưởng - người trực tiếp quản lý đội ngũ GV trong trường còn “bó tay”, không kiểm soát được việc dạy thêm học thêm của “lính” mình thì liệu chính quyền có quản được dạy thêm học thêm trên địa bàn?”
Một giáo viên THCS ở huyện Thanh Oai cho rằng: “Khi mà ta còn không nắm được việc dạy thêm học thêm (không được báo cáo) thì sẽ làm như thế nào để thu thuế? Tôi chỉ dạy thêm trong trường, đã làm hợp đồng mỗi tháng nhận hơn 3 triệu đồng. Giờ nộp thuế thì còn lại bao nhiêu đâu?”
Không khỏi chạnh lòng, vị lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho rằng: “Nếu so với các trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, mỗi buổi học thêm ở các trường tỉnh lẻ chỉ thu vài ba ngàn đồng. Giờ nói phải đóng thuế khiến không ít người nản lòng”.
-
Văn Chung - Trần Hải
Ngày 7/2/2012, Bộ GD-ĐT đã đưa lên mạng dự thảo về Thông tư ban hành Quy định về dạy thêm học thêm. Dự thảo này bổ sung thêm một số điều mới so với Quy định về dạy thêm học thêm năm 2007. Theo đó, về dạy thêm trong nhà trường, không chấp nhận việc tổ chức lớp dạy thêm theo các lớp học chính khoá. Thay vào đó, căn cứ vào đơn xin học thêm của học sinh, trường tổ chức phân loại học sinh theo học lực và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ học sinh. Về các trường hợp không được dạy thêm, ngoài duy trì những quy định hiện hành như không được dạy thêm học sinh được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không dạy thêm cho học sinh tiểu học (trừ một số trường hợp đặc biệt), dự thảo còn bổ sung nội dung: Giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Đặc biệt, lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT đề cập quy định về thu và quản lý tiền học thêm, trong đó có nội dung liên quan nghĩa vụ tài chính của giáo viên dạy thêm. Theo đó, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoặc tham gia dạy thêm có trách nhiệm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính và chính sách thuế. |