- Các nhà lịch sử sẽ tham gia soạn thảo chương trình, làm sách giáo khoa và có tiếng nói trong quá trình dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông, theo một biên bản ghi nhớ giữa Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử vừa được ký kết.
Thí sinh dự thi ĐH năm 2011. (Ảnh Lê Anh Dũng) |
Theo văn bản thỏa thuận này, hai bên sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người học, cha mẹ học sinh, sinh viên, cán bộ quản lí, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục và các lực lượng xã hội về vị trí, tầm quan trọng và sự cần thiết của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Các hội thảo khoa học chuyên đề về đổi mới dạy học môn này cũng sẽ chú trọng tới việc đánh giá thực trạng dạy học, thực trạng đội ngũ giáo viên và việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Hội KHLS cũng sẽ góp ý xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa (SGK) môn học Lịch sử ở các trường phổ thông sau năm 2015 đảm bảo tính khoa học, hiện đại phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Song song với đó là việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Bản ghi nhớ cũng nêu rõ, thành viên KHLS Việt Nam tham gia xây dựng, biện soạn, thẩm định chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015. Cùng với đó, những học sinh có thành tích xuất sắc trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, thủ khoa môn Lịch sử... sẽ được nhận thưởng từ Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam.
Kết quả tuyển sinh năm 2011 một lần nữa phản ánh thực trạng học Lịch sử có nhiều bất cập. Cụ thể, điểm thi môn Lịch sử: hàng nghìn điểm 0 và phổ điểm tương đối thấp, phần lớn là 2,3....Lý giải về hiện tượng này các nhà giáo dục cho rằng, điểm môn sử thấp và học sinh không thích học sử. Cũng có ý kiến đổ tại nguyên nhân chính là do cách dạy và học hiện chưa hấp dẫn.
Trước thực tế đó, người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định tại kỳ họp Quốc hội tháng 7/2011: Chắc chắn sẽ phải có những thay đổi trong dạy và học, nhưng thay đổi như thế nào phải có sự bàn bạc, phối hợp với Hội KHLS, các giáo viên, chuyên gia về lịch sử.
- Nguyễn Hiền