Bài viết của Amanda Ripley (Viện Chính sách công phi lợi nhuận của Mỹ) về cuộc chạy đua giáo dục của phụ huynh và học sinh Hàn Quốc cũng như cuộc đấu tranh của Chính phủ nhằm giảm bớt áp lực và căng thẳng từ việc học thêm để chen chân vào trường tốt của học sinh.

Ảnh minh họa.

Tuần tra cấm học đêm

Vào một buổi tối thứ Tư ẩm ướt ở Seoul, 6 nhân viên Chính phủ tập hợp tại văn phòng để chuẩn bị cho buổi tuần tra đêm. Nhiệm vụ đơn giản là tìm những đứa trẻ đang học bài sau 10 giờ đêm và yêu cầu chúng dừng lại.

Để hạn chế các trường dạy kèm sau giờ học chính (được gọi là hagwon) của nước này, các nhà chức trách đã bắt đầu thi hành lệnh giới nghiêm – thậm chí là trao tiền thưởng cho công dân phát hiện ra những người vi phạm.

Cuộc đột kích bắt đầu một cách nhàn nhã. Chúng tôi uống trà và tôi được mời một chiếc bánh gạo. Cha Byoung-chul – một quan chức bậc trung ở văn phòng giáo dục Gangnam, Seoul – là đội trưởng đội tuần tra này. Tôi hỏi ông về những vụ phát hiện gần đây của ông, ông kể với tôi về cái đêm anh thấy 10 cô bé, cậu bé trên mái nhà của trường luyện thi vào khoảng 11 giờ đêm. Trong bóng tối, ông đã cố gắng trấn an bọn trẻ. “Tôi nói với chúng rằng ‘hagwon’ vi phạm, chứ không phải các cháu. Các cháu có thể về nhà”.

Cha hút thuốc ở bãi đậu xe. Giống như bất cứ người nào đang cố gắng phá đi truyền thống đã tồn tại hàng thế kỉ, ông không vội. “Chúng tôi không đi cho tới đúng 10 giờ đêm. Bằng cách đó, không có lời bào chữa nào được chấp nhận”. Cuối cùng, chúng tôi lên một chiếc Kia Sorento màu bạc và chạy tới Daechi-dong – một trong những khu vực hagwon đông đúc nhất của Seoul.

Khoảng 11 giờ đêm, họ rẽ vào những con phố nhỏ. Bước lên tầng 2 một tòa nhà, thành viên nữ của đội gõ cửa: “Có ai không?” Một giọng nói đáp trả: “Đợi một phút!”. Các thanh tra liếc nhìn nhau. “Đợi một phút” không phải là câu trả lời đúng. Cha đề nghị một trong những đồng nghiệp của anh xuống cầu thang chặn thang máy. Cuộc đột kích bắt đầu.

Ở cấp độ địa phương và quốc gia, các chính trị gia đang thay đổi những chính sách tuyển sinh vào đại học và các bài kiểm tra ở trường học nhằm giảm căng thẳng cho học sinh, đồng thời khuyến khích những phẩm chất nhẹ nhàng hơn như sáng tạo.

Tuy nhiên, kiểu học nhồi nhét đã ăn sâu ở Châu Á. Trước khi có bàn chải đánh răng hay máy in, đã có những kì thi tuyển công chức có thể mang lại cuộc sống cho bạn hoặc phá vỡ nó. Năm 2010, 74% học sinh nước này tham gia các lớp dạy kèm riêng sau giờ học trên lớp với chi phí trung bình 2.600 đô-la mỗi học sinh/ năm. Hiện ở Hàn Quốc có nhiều người dạy kèm hơn giáo viên dạy ở các trường, và những người nổi tiếng nhất trong số họ kiếm được hàng triệu đô-la mỗi năm từ dạy trực tuyến và dạy riêng. Năm ngoái, khi Bộ trưởng Giáo dục Singapore được hỏi về sự phụ thuộc của quốc gia này về dạy kèm tư nhân, ông đã tìm ra một lý do để hi vọng: “Chúng ta không tệ như người Hàn Quốc”.

Người Mỹ ao ước, người Hàn không vui

Nhìn từ xa, kết quả của Hàn Quốc có vẻ thật tuyệt vời. Ở Mỹ, Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Giáo dục của ông trao đổi một cách sôi nổi về sự nhiệt tình của những bậc phụ huynh Hàn Quốc với việc học tập của con cái, và họ than thở về việc học sinh Mỹ đang tụt lại phía sau như thế nào. Nếu không có nỗi ám ảnh về giáo dục, Hàn Quốc không thể trở thành một cường quốc kinh tế như ngày nay.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của quốc gia này lo ngại rằng, tỷ lệ sinh sản sẽ tiếp tục giảm khi các gia đình cảm thấy áp lực phải chi trả cho việc học thêm. “Những người Mỹ như các bạn nhìn thấy mặt tốt đẹp của hệ thống giáo dục Hàn Quốc, nhưng người Hàn Quốc không vui vì điều đó” – Bộ trưởng Lee Ju-ho nói.

Ở Châu Á, các nhà cải cách đang thúc đẩy để làm các trường học mang phong cách Mỹ nhiều hơn, trong khi đó một số nhà cải cách Mỹ lại làm cho các trường học của mình “Châu Á” hơn. Ở Trung Quốc, các trường đại học bắt đầu chế tác ra những bài kiểm tra đầu vào mới để nhắm mục tiêu vào những tài năng ngoài việc học qua sách vở.

Hàn Quốc than thở về việc cải cách không hiệu quả trong nhiều năm. Tuy nhiên, lần này, chính quyền lập luận rằng cải cách không chỉ đang nhắm tới triệu chứng của sự rối loạn trong hệ thống giáo dục mà còn nhắm vào nguyên nhân của nó. Họ đang đưa ra rất nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng các trường công như: đánh giá giáo viên qua khảo sát, đào tạo thêm cho giáo viên yếu kém, cấm ngược đãi, không chỉ đánh giá học sinh qua điểm số…

Ai cạnh tranh với ai?

Một lịch học điển hình bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc trong khoảng 10 giờ đến 1 giờ đêm, phụ thuộc vào tham vọng của học sinh đó.

Cha mẹ vẫn là những người điều khiển trong cuộc đua giáo dục và họ sẽ là những người khó thay đổi nhất. Han Yoon-hee, giáo viên tiếng Anh ở một trường trung học nói rằng: “Tôi đề nghị học sinh của mình nên bỏ hagwon và tập trung vào bài học trên lớp. Nhưng cha mẹ chúng rất lo lắng khi con không tham gia vào các lớp học ban đêm. Họ biết những học sinh khác vẫn đang học”.

Đôi khi thật khó để biết ai đang cạnh tranh với ai – học sinh hay các bà mẹ. Năm 1964, một bài thi tuyển sinh vào trường phổ thông có một câu hỏi về thành phần trong kẹo bơ cứng. Nhưng chỉ có 2 câu trả lời đúng và chỉ có 1 câu được tính là chính xác. Để phản đối sự bất công này, các bà mẹ giận dữ - chứ không phải là học sinh – đã bắt đầu nấu kẹo bơ cứng bên ngoài văn phòng chính phủ bằng cách dùng những thành phần thay thế. Cuối cùng, họ đã khiến Thứ trưởng Bộ Giáo dục và giám đốc Sở Giáo dục Seoul phải từ chức, hàng chục học sinh khác đã nhận được thư mời nhập học.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục có thể chỉ ra một chiến thắng gần đây trong cuộc chiến lâu dài này: chi tiêu cho dạy tư đã giảm 3,5% trong năm 2010 – lần giảm đầu tiên kể từ khi Chính phủ bắt đầu theo dõi số liệu này vào năm 2007. Sự sụt giảm này liệu có phải đang báo hiệu cho một xu hướng? Vâng, người Hàn Quốc vẫn chi 2% GDP cho dạy kèm ngay cả khi đã giảm.

Hagwon ngụy trang

Có những hagwon tiếp tục hoạt động bất chấp lệnh giới nghiêm bằng cách ngụy trang. Cái đêm diễn ra cuộc đột kích ở Daechi-dong, trong một tòa nhà với những phòng học nhỏ, trần nhà thấp và đèn huỳnh quang, có khoảng 40 học sinh đang ngồi ở bàn cá nhân nhỏ.

Về mặt lý thuyết, đây không phải là một hagwon mà là thư viện tự học sau giờ lên lớp. Những thư viện tự học được phép mở cửa qua 10 giờ đêm. Nhưng các thanh tra nghi ngờ rằng đây là một hagwon ngụy trang. Học sinh đọc tờ bài tập giống nhau, và có một vài người lớn có vẻ là giáo viên.

Một trong số họ phủ nhận đã làm việc sai trái. “Chúng tôi chỉ làm công việc của mình ở đây” – cô nói một cách phẫn nộ. “Chúng tôi không dạy”. Cha, trưởng đội tuần tra, lắc đầu. “Trước đây, tôi chấp nhận lời bào chữa của các bạn, nhưng chúng tôi đã nhận được quá nhiều lời tố giác về nơi này. Nhiều người biết các bạn đang hoạt động bất hợp pháp”.

Sau đó, đội tuần tra dừng lại nhiều hơn ở những thư viện tự học khác. Vào khoảng nửa đêm, Cha châm một điếu thuốc ở góc đường và nói chuyện với đồng nghiệp. Sau đó, họ trở về nhà sau khi tạm thời giải phóng được 40 học sinh trong số 4 triệu em.

  • Nguyễn Thảo - Ngọc Anh (lược dịch từ Time)