- Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Trịnh Bích Liên giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền bình luận như vậy về hiện tượng một số giáo viên dùng những lời mắng chửi thậm tệ, thậm chí xúc phạm học sinh trong giờ học.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Tiến sĩ Giáo dục học, Khoa tâm lý – Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) Vũ Lệ Hoa: "Không phải lúc nào giáo viên cũng điều chỉnh được cảm xúc...."

Tiến sĩ Vũ Lệ Hoa: " Không phải lúc nào giáo viên cũng điều chỉnh được cảm xúc của mình do môi trường làm việc căng thẳng, học trò lại đa dạng."

Giáo viên là những người “lấy nhân cách để giáo dục nhân cách”. Vì vậy, nguyên tắc nghề nghiệp không cho phép người thầy dùng những lời lẽ nặng nề, làm tổn thương đến tâm lý học sinh.”

Tuy nhiên, hành động đó có thể hiểu được vì trong những trường hợp cụ thể, không phải lúc nào giáo viên cũng điều chỉnh được cảm xúc của mình do môi trường làm việc căng thẳng, học trò lại đa dạng. Cảm xúc cũng bị chi phối bởi các yếu tố xã hội vì giáo dục không tách rời khỏi xã hội.

Thực tế, giáo viên thừa khả năng nhận thức rằng không nên làm điều đó với học sinh. Nhưng trong những trạng thái, hoàn cảnh nhất định, họ cố tình bỏ qua nguyên tắc, hành động theo bản năng.

Trong trường, các giáo viên đều được học các kỹ năng ứng xử, có cả một tín chỉ chuyên về đào tạo cách ửng xử trong môi trường sư phạm cho sinh viên. Họ được học rất chu đáo, bài bản nhưng khi ra ngoài xã hội, vẫn cần tiếp tục đào tạo để hoàn thiện. Đôi khi trong lúc mất bình tĩnh, giáo viên chỉ nghĩ mắng chửi học sinh để xả stress, cho nguôi giận nhưng chính điều đó lại gây tổn thương, ảnh hưởng về tâm lý rất ghê gớm cho các em.

Vì vậy, bản thân mỗi giáo viên phải kiểm soát cảm xúc, cân bằng cuộc sống để tránh rơi vào trạng thái ức chế tâm lý. Đối với học trò, cũng cần dạy cho các em hiểu, và biết được quyền làm trung tâm trong trường học, quyền được đối xử công bằng…vv. Giáo dục trong nhà trường cũng có nội quy, quyền lợi giống như xã hội có các văn bản pháp luật, khế ước, thể chế phải chấp hành nhưng công dân vẫn phải được hưởng những quyền lợi nhất định, và không phải học sinh nào đi học cũng phải chịu sự đe nẹt của thầy cô.

Làm nghề giáo, không chỉ dạy chữ, giáo dục trí tuệ mà còn giáo dục nhân cách, dạy học sinh cách ứng xử, đi lại, nói năng, ăn mặc…vv nên giáo viên cần có cách cư xử đúng mực, văn hóa trong học đường để tạo những ảnh hưởng tích cực cho con trẻ.

Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Trịnh Bích Liên (giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền): "Thầy cô không phải ông Thánh, bà Thánh"

Tiến sĩ Trịnh Thị Bích Liên: "Không một ai ủng hộ thái độ xử sự thiếu văn hóa đó của giáo viên"

Không một ai ủng hộ thái độ xử sự thiếu văn hóa đó của giáo viên. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, giáo viên đứng lớp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực, nếu không đủ kỹ năng kiềm chế cảm xúc, điều tiết lời nói, hành vi của mình sẽ không thể vượt qua những tình huống khó xử đó.

Hậu quả tức thời của việc giáo viên cư xử “lệch chuẩn”sẽ khiến chính những em học sinh đó tổn thương. Các em lứa tuổi tiểu học sẽ rơi vào hai trạng thái, hoặc là im lặng, sợ hãi, có dấu hiệu bất ổn về tâm lý, xa cách với giáo viên, hoặc là sẽ diễn biến tâm lý theo chiều ngược lại, có những lời nói khiến giáo viên bực tức, nóng giận hơn, hay phản ứng ngầm, chống đối theo kiểu bê tha học hành, tiêu cực trong thái độ như: tiếp tục làm việc riêng, nói chuyện trong giờ, chểnh mảng, không làm bài tập về nhà…

Với bậc học lớn hơn, các em sẽ phản ứng mạnh hơn bằng cách bỏ giờ đi chơi, vẽ bậy hoặc chụp ảnh chính giáo viên đó để bày trò, hay nói cách khác là “chơi xỏ” thầy cô.

Tuy nhiên, chúng ta không thể nhìn nhận một chiều và đổ toàn bộ lỗi cho giáo viên được. Giáo viên không phải là những ông Thánh, bà Thánh, họ cũng có lúc yếu mềm, khi nóng giận, mất bình tĩnh và chịu vô vàn áp lực từ nhiều yếu tố xung quanh. Vì thế, có những người đạt thành tích xuất sắc trong học tập, giảng dạy, khi chạm vào thực tế vẫn va vấp. thậm chí giáo viên đứng lớp hàng chục năm vẫn gặp “tai nạn nghề nghiệp” như thường.

Giáo dục tri thức còn có giáo trình, sách vở biên soạn sẵn, nhưng giáo dục đạo đức, nhân cách lại là những bài học luôn luôn mới trong cuộc sống.

Hiện nay, tại các trường sư phạm đã có những lớp học, khóa đào tạo về kỹ năng ứng xử trong học đường cho giáo viên. Nhưng theo tôi đánh giá, các giáo viên trẻ còn thiếu rất nhiều kỹ năng mềm để xử lý trong các trường hợp cụ thể. Ngoài việc bản thân mỗi người cần trang bị kiến thức, cách hành xử cho mình, những động thái từ phụ huynh cũng tác động rất lớn tới tâm tư, tình cảm của các em.”

Thay vì lên án, chỉ trích, đổ lỗi cho giáo viên, phụ huynh cần bình tĩnh nhìn nhận, đừng hằn sâu vết hằn đối với con trẻ. Bố mẹ nên chỉ ra cho con thấy mình có lỗi gì trong chuyện này và trao đổi trực tiếp với giáo viên để tránh những mâu thuẫn, rạn nứt trong tình cảm thầy trò từ những vấn đề nhạy cảm này.

Giáo viên tương lai nói gì?

“Những giáo viên có thái độ, hành vi như vậy thì thiếu văn hóa quá. Có thể bản thân họ không thể kiềm chế cảm xúc nhưng mình nghĩ phần nhiều do thiếu các kỹ năng sư phạm. Ngay như mình, tới tận năm cuối mới được dạy các kỹ năng ứng xử, tâm lý học nhưng tất cả đều là lý thuyết chung chung, khi va chạm thực tế khác nhiều lắm” – Linh Nga (sinh viên Khoa Tiếng Anh – ĐHQG Hà Nội) cho biết.

Thu Hiền (sinh viên CĐ Sư Phạm Hà Nội) khi gặp học sinh cá biệt, có thái độ chống đối cô giáo thường nói rất nhẹ nhàng, mềm mỏng nhưng với thái độ nghiêm túc. Chiêu này khá hiệu quả vì những em đó rất ưa “nói ngọt”, hoặc khi thấy cô nghiêm khắc trò sẽ dịu ngay, cũng không tạo thêm áp lực làm căng thẳng tiết học nữa.

Hải Nam (sinh viên Khoa Vật Lý – ĐH Sư Phạm Hà Nội) lại có tuyệt chiêu dẹp trật tự trong giờ bằng các bài kiểm tra. Khi thầy giảng trò chẳng chịu nghe, nhắc ba lần không được Nam sẽ cho cả lớp làm bài kiểm tra 15 phút, lấy điểm vào sổ. “Những lúc như thế, cả lớp đều im phăng phắc làm bài, mình cũng không bị ức chế.”

  • Thu Thảo (ghi)