- Lo lắng là tâm trạng chung của giáo viên và học sinh khi biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có môn Lịch sử. Nhiều em chỉ mong đạt điểm trung bình và đã tính học bài “tủ”. Còn giáo viên thì chia sẻ một số mẹo cho trò ôn tập tốt.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Giờ học môn Địa lý của học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, Hà Nội). (Ảnh: Văn Chung)

Chỉ cần điểm 3

Nguyễn Thị Kim Oanh, học sinh lớp 12 D2, Trường THPT Yên Lạc (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết em và các bạn khá bất ngờ khi thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có 4 môn tự luận. “15 phút trước tiết học cuối buổi học chiều thứ sáu (23/3) khi biết 6 môn thi tốt nghiệp cả cô giáo và chúng em đều ngẩn ngơ, không tập trung vào bài được vì lo lắng” – chia sẻ của Kim Oanh.

Trước đó, em hi vọng trong các môn thi sẽ có môn Sinh hoặc Địa lý. Dẫu được cô trấn an thi tốt nghiệp câu hâu hỏi ngắn, dễ đạt điểm khá nhưng em và các bạn vẫn “run”. Kim Oanh cho hay mình chỉ cần một kết quả trung bình “còn tất cả trông vào điểm 3 môn Toán, Văn, Anh để kéo tổng điểm lên”.  

Dù lo nhưng hiện Nguyễn Hà Ly, lớp 12 B9, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đang chờ cuốn hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử của NXB Giáo dục sau đó mới lên kế hoạch ôn tập. Theo Hà Ly: “Chắc phải gần thi học mới vào được”. Cô bạn Khánh Chi cùng lớp thì thẳng thắn “em chỉ hi vọng điểm 3 môn này”.

Nhiều học sinh khi được hỏi cũng đã tính đến chuyện học “tủ”, làm phương án loại trừ các câu hỏi của những năm gần đây. Thậm chí có em đã nghĩ tới làm “phao” để nếu không mang được vào phòng thi cũng làm dự bị cho yên tâm hơn.

Cô bày “mẹo”

Một số giáo viên bộ môn Lịch sử khi được hỏi đều khẳng định không khó để học sinh đạt điểm từ trung bình trở lên nếu chú ý lắng nghe bài giảng trên lớp, nắm được một số kỹ năng và phương pháp khi làm bài cộng với tâm huyết của người dạy.

Cô Đỗ Thị Thanh Hà, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Vào phòng thi các em cần đọc kỹ câu hỏi, xác định nội dung trình bày và dàn bài. Nguyên tắc của môn này là không được đảo lộn các sự kiện, mốc thời gian. Nếu không nhớ em hãy để trống. Bài làm môn Lịch sử không cần dài nhưng phải đúng và đủ ý.

Với các sự kiện không nhớ ngày tháng năm em có thể chỉ cần ghi tháng, năm hoặc năm. Kết quả, các con số của từng sự kiện có thể chỉ cần ghi trong khoảng (hàng ngàn, trăm ngàn hoặc hơn 1/2, gần như toàn bộ). Giáo viên khi chấm có thể vẫn cho các em toàn bộ số điểm của câu hỏi.

Cô Ngô Thị Hiền Thúy, trưởng bộ môn Lịch sử, Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm bổ sung “Cần nhất là học sinh phải nắm được bản chất của từng sự kiện, ví dụ chiến đấu chống chiến tranh cục bộ thắng lợi của ta trên mặt trận quân sự là quan trọng nhất..."

Một số cách giúp học sinh nhớ được các con số hoặc mốc thời gian diễn ra sự kiện được cô Thúy chia sẻ như: trong CMT8 chỉ cần nhớ mốc Việt Nam giành độc lập là 2/9, ở Lào sau đó là 1 tháng 10 ngày; Ngày ký hiệp định Paris là 27/1 và Giơ-ne-vơ 21/7 ...

"Riêng mảng miền Nam (quan trọng) phải chiến đấu chống 4 chiến dịch phá hoại lớn của Mỹ. Học sinh cần nắm được chiến lược đó được tiến hành như thế nào, khái niệm của từng chiến dịch." - lời cô Thúy.

Trường lên kế hoạch ôn thi

Theo cô Bùi Thị Minh Nga, Hiệu phó Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) việc có tới 4 môn học thuộc lòng sẽ khiến học sinh khá vất vả. Thông tin từ hiệu phó Nga cho biết: “Những năm trước điểm thi tốt nghiệp môn Lịch sử, học sinh của trường chỉ đạt điểm trung bình, ít điểm khá”.

Dù không tăng tiết nhưng Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm sẽ hỗ trợ học sinh nếu các môn khác đã hoàn thành chương trình học sớm hơn. Cụ thể, một tuần trường có thể có thêm 1 tiết cho mỗi môn Lịch sử, Địa lý và Hóa học.

Tình hình ở Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) có khác hơn một chút. Theo hiệu phó Hà Thị Phương Lan: “Môn chúng tôi lo các em điểm thấp là Địa lý vì câu hỏi dàn trải, ý vụn vặt. Điểm môn Lịch sử của học sinh cũng ngang bằng so với các môn khác”.

  • Văn Chung