- Lại một lần nữa TS Nguyễn Thị Từ Huy là nơi học trò gửi đến những tâm sự đầy u uẩn về lối đi trong cuộc đời mà họ không biết nói cùng ai. Vấn đề bạn trẻ đối diện ngày hôm nay cũng là trăn trở mà khi bắt đầu trưởng thành, thế hệ của TS Từ Huy cũng từng đối mặt.
TS Nguyễn Thị Từ Huy đã trả lời bức thư dưới đây:
Ảnh mang tính minh hoạ: Lối đi nào cho em. Ảnh: HG
Thưa cô, Khoảng thời gian này đối với em thật khó khăn quá. Em không thể thoát ra được những gì mình đọc được. Một nhận thức làm em thấy quanh quẩn...Em không biết những thế hệ trước họ vượt qua cảm giác này như thế nào, nhưng với em hiện giờ là một cảm giác không dễ chịu, mà em không còn cách nào khắc phục đành phải gửi mail này cho cô. Thế giới như ta thấy và thế giới phải như nó vốn có...Mọi sự mâu thuẫn nảy sinh làm em thấy bất lực. Càng nghĩ em càng vô vọng. Em không biết nên điều chỉnh cách nhìn nhận, cách suy nghĩ thế nào để có thể hòa nhập với thực tại, khi giữa sự biết và thực tại hoàn toàn khác nhau. Đi tìm cho mình hệ giá trị cần theo đuổi, rồi lại nhận thức phải chịu trách nhiệm trong các mối quan hệ chằng chịt từ cuộc sống cho em cảm giác vô vọng. Dù đam mê quyết liệt thế nào em vẫn không có động lực để tiếp tục làm việc. Em muốn đi nhanh (em nghĩ em không đủ thời gian), vì vậy em đã tìm cách "đứng lên vai" của thế hệ trước không chỉ về mặt nhận thức mà còn cả về những cảm giác của kinh nghiệm. Càng hiểu về thế hệ trước, em lại càng thấy niềm đam mê giảm dần và đến lúc này thì năng lực làm việc của em thật sự kém cỏi. Không làm sao có thể thoát ra được. Những gì mình cố gắng trong nhận thức để chiếm lĩnh lấy thì quay ngược lại làm mình mất niềm tin. Hiện giờ em rất mong nhận được lời khuyên từ cô. |
Chào bạn,
Nỗi khổ tâm của bạn gợi cho tôi nhớ lại những câu hỏi mà tôi từng phải đối diện khi lên lớp, khi đứng trước các bạn: làm thế nào để kết nối văn học nghệ thuật với thực tại? Làm thế nào để nỗi đau hay niềm hứng khởi của các nhà văn có thể cộng hưởng với nỗi đau và niềm hứng khởi của các bạn, chứ không phải chỉ là một mớ chữ vô hồn? Làm thế nào để thực tại của văn chương có thể gặp gỡ với thực tại của các bạn?
Các bạn và tôi, chúng ta đã từng, trong một dịp nào đó, trao đổi với nhau rằng: tác phẩm (nghệ thuật, văn chương, triết học, điện ảnh…) là một tấm gương, khi soi vào đó ta không chỉ thấy có tác giả, mà còn thấy cả chính mình. Ta chỉ thực sự hiểu tác phẩm khi thấy được hình ảnh mình trong đó, cả phần ánh sáng lẫn phần tối tăm.
Nhà văn chân chính viết để nhận thức thực tại và nhận thức chính mình (dù cái thực tại ấy, cái mình ấy có tồi tệ như thế nào chăng nữa). Và một người đọc chỉ trở thành độc giả chân chính khi soi vào tác phẩm mà nhận ra được bản thân và thực tại của mình.
Tác phẩm chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó giúp ta nhìn thẳng vào chính ta, đi sâu vào mọi ngõ ngách tối tăm nhất, đồi bại nhất của bản ngã, để tự nhận diện và tìm cách tự vượt lên. Không thể có sự vượt lên, sự thay đổi, sự hoàn thiện, nếu không có sự nhận thức về bản thân.
Nếu nhà trường không trao cho bạn những thứ bạn cần, thì chính bạn phải tự tập để học lấy mọi thứ một mình, chính bạn phải tự trang bị lấy tri thức, tự xây dựng nhân cách của mình, với sự giúp đỡ của sách vở, và đặc biệt của ngoại ngữ, trong tình trạng thiếu sách dịch như hiện nay.
Hãy hình dung những con người thời cổ xưa, vào thời thơ ấu của nhân loại, vốn kiến thức của họ hạn chế hơn các bạn bây giờ rất nhiều, nhưng nếu họ bị hoàn cảnh khuất phục, nếu họ giao số phận họ cho thần thánh hay cho những người khác, nếu con người ở các thời đại khác nhau đều đầu hàng hoàn cảnh, thì sẽ không bao giờ có thể để lại cho các bạn kho tàng tài sản và kho tàng tri thức khổng lồ mà các bạn đang được hưởng.
Tin bài liên quan: Góc những người 5%... Những bộ óc tuyệt nhất đang dùng vào việc nhỏ 5 năm nữa chúng ta sống bằng gì đây, các em? |
Sự chán nản có thể khiến bạn gục ngã, sự thất vọng có thể biến bạn thành một kẻ đầu hàng và đầu hàng vô điều kiện. Nhưng cùng với sách và với việc đọc sách một cách thực sự, bạn có thể hành động, ít nhất là cho chính bạn. Những cuốn sách chứa đựng tri thức và sự thật có thể cứu bạn.
Ý tưởng này tôi đọc được của người khác và chia sẻ nó với bạn. Dĩ nhiên, giờ đây hẳn bạn đã đủ khả năng nhận ra những cuốn sách nào là kết quả của lao động trí óc, là sản phẩm của hoạt động tinh thần, và những cuốn sách nào được viết ra để giải quyết nhu cầu cơm áo, để đảm bảo điều kiện phong chức danh hay để phục vụ cho yêu cầu của tổ chức.
Tôi chia sẻ với bạn những ám ảnh về cái mà bạn gọi là thực tại.
Thực tế là, một triết gia hay một giảng viên, một nhà nghiên cứu văn học ở nước ngoài như Sartre hay Julia Kristeva cũng xuống đường để ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Tất nhiên thực tế đó có thể rất khác với cái thực tế đang bao bọc bạn.
Bản lĩnh của bạn được thể hiện ở việc bạn có để mình bị nhấn chìm trong đó hay không, ở việc bạn có dám ủng hộ điều mà bạn cho là cần phải ủng hộ hay không; hoặc nếu dùng ngôn ngữ của bạn, bạn có dám bảo vệ hệ giá trị mà bạn theo đuổi hay không.
Khi bạn không thể hòa nhập được với thực tại này (biết đâu đấy lại là một dấu hiệu tích cực!), thì vẫn còn có cách là cố gắng tạo ra một thực tại khác, xứng đáng với bạn, cố gắng biến cái hệ giá trị mà bạn theo đuổi thành hiện thực. Đó hẳn là một động lực tốt.
Tuy nhiên, trước khi làm được điều đó bạn phải có đủ can đảm và đủ sáng suốt để nhận diện các sự thật về cái thực tại hiện thời của bạn. Sự can đảm và sáng suốt mà các nhà văn và các trí thức chân chính đã bộc lộ qua tác phẩm của họ.
Rồi bạn phải có đủ tri thức và kỹ năng cần thiết cho việc tạo lập cái thực tại mà bạn mong muốn. Những tri thức và kỹ năng đó bạn sẽ tìm thấy trong rất nhiều cuốn sách. Và trên cơ sở ấy bạn có thể đi xa hơn, tới chỗ tạo ra tri thức và kỹ năng riêng của mình, của thế hệ mình.
Các nhà văn chân chính viết, một phần có thể vì họ không hòa nhập được với thực tại, và vì họ không muốn bị khuất phục bởi thực tại, họ sáng tạo vì không muốn bị nô lệ cho những thứ có sẵn, vì muốn bảo vệ và xây dựng các giá trị.
Các nhà phê bình/nghiên cứu chân chính viết cũng vì muốn vượt lên trên sự ràng buộc, vượt lên những giới hạn đã định sẵn bởi những người đi trước và cùng thời, vượt lên cả những giới hạn mà bản thân họ đã vạch ra, vì khao khát nhận thức sự thật.
Khi bạn hiểu điều này và khi bạn thực hành nó qua hành động viết hay bất kỳ một hành động nào khác, thì có nghĩa bạn đã kết nối được sách vở và thực tại. Đó là một trong những kinh nghiệm cá nhân mà tôi có thể chia sẻ cùng bạn.
Hy vọng bạn giải quyết được vấn đề bạn đang gặp phải, dù có thể chưa phải là ngay lập tức, dù là chỉ giải quyết được phần nào, để rồi lại tiếp tục quá trình đặt vấn đề và giải quyết vấn đề.
Mong bạn kết nối được thế giới trong sách và thế giới thực của bạn, cái thế giới phải do tự bạn góp phần tạo ra chứ không phải chỉ là thừa hưởng của những người khác, cái thế giới trong đó bạn có thể sống vì niềm hứng khởi và niềm tin, chứ không phải là để chịu đựng và bị khuất phục.
Thân mến!
- Nguyễn Thị Từ Huy